Vắc-xin và tầm nhìn phát triển bền vững trong nghề nuôi cá tra
Cá tra (Pangasius hypophthalmus) từ lâu đã trở thành đối tượng thủy sản sản chủ lực của Việt Nam trong xuất khẩu, và đóng góp đáng kể vào GDP quốc gia.
Theo số liệu từ tổng cục thủy sản năm 2020 (Bộ NT&PTNT), trong vòng 6 năm từ 2015 đến 2020, sản lượng nuôi cá tra liên tục tăng từ 1,11 triệu tấn lên đến 1,56 triệu tấn. Ngành công nghiệp cá tra đã trải qua hơn 40 năm tăng trưởng và phát triển về khía cạnh năng suất, tuy nhiên đến thời điểm này tầm nhìn phát triển cần được mở rộng sang khía cạnh bền vững, tiếp cận những xu hướng mới, giải pháp mới.
Sự gia tăng về số lượng ao nuôi, mật độ thả dày, đi kèm với sự thay đổi thất thường, không theo chu kỳ của thời tiết đã tạo ra một thách thức lớn cho ngành cá tra Việt Nam - dịch bệnh. Hai bệnh phổ biến và gây thiệt hại năng nề cho các hộ nuôi cá tra ở Việt Nam là gan thận mũ do vi khuẩn Edwardsiella ictaluri, và bệnh xuất huyết do vi khuẩn Aeromonas hydrophila. Cả hai bệnh đều lây lan nhanh, gây chết hàng loạt và hậu quả cuối cùng là những thiệt hại vô cùng to lớn đến người nuôi.
Cá tra nhiễm vi khuẩn E. ictaluri (mũi tên trắng: đốm trắng li ti xuất hiện trên gan thận, mũi tên đen: xuất huyết nhẹ ở gốc vây).
Sử dụng thuốc kháng sinh được xem là một trong những giải pháp cứu cánh mà nhiều hộ nuôi đang sử dụng khi dịch bệnh bùng phát. Ở quy mô vùng nuôi, sử dụng kháng sinh một các đại trà và không đúng cách, điển hình như không kiểm tra độ nhạy của kháng sinh đó trước khi dùng (phương pháp kháng sinh đồ), đã làm gia tăng tình trạng kháng kháng sinh ở nhiều vùng nuôi, chưa kể đến yếu tố tồn dư kháng sinh trong cá, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, và không thể xuất khẩu. Ở quy mô lớn hơn, Mê kông là dòng sông chảy qua nhiều nước, hệ thống kênh ngòi chằn chịt, nếu những tồn dư kháng sinh này đi từ vùng nuôi này đến vùng nuôi khác, từ quốc gia này đến quốc gia khác thì hậu quả sẽ không còn gói gọn trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Một nguyên tắc chung trong quản lý bệnh là “phòng bệnh” phải trước “trị bệnh”, và hiện nay có một phương pháp phòng bệnh hiệu quả đang được nhiều hộ nuôi cá tra áp dụng đó là vắc-xin. So với các động vật trên cạn thì vắc-xin có thể xem là một phương pháp mới với động vật thủy sản, sau nhiều năm nghiên cứu và phát triển, khoảng năm 1970 vắc-xin cho thủy sản ở qui mô thương mại được chính thức lưu hành.
Hiện nay ở Việt Nam, vắc-xin cho cá tra đã được sử dụng ở nhiều nơi. Theo chia sẻ của bà Nguyễn Ngô Vi Tâm (CEO Công ty Cổ Phần Vĩnh Hoàn), tỷ lệ bao phủ vắc-xin trên các cơ sở nuôi của công ty là khoảng 15%, và ghi nhận nhu cầu sử dụng kháng sinh giảm, tốc độ tăng trưởng nhanh hơn và tỷ lệ sống cao hơn ở cá được tiêm phòng. Trong tương lai gần, công ty tiếp tục mở rộng độ phủ của vắc-xin nhằm phòng bệnh gan thận mũ và xuất huyết cho cá tra.
Trong kế hoạch quốc gia phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi, giai đoạn 2021 – 2030 (Kèm theo Quyết định số 434/QĐ-TTg ngày 24 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ) có nêu bậc quan điểm rằng: “Xem xét, sử dụng vắc-xin để chủ động phòng bệnh cho động vật thủy sản để giảm thiểu việc sử dụng kháng sinh, ngăn ngừa kháng thuốc trong nuôi trồng thủy sản”. Đây có thể xem là một trong những nền tảng vững chắc để các sản phẩm vắc-xin có thể được nghiên cứu, phát triển và áp dụng rộng rãi trong nghề nuôi cá tra nói riêng và các loại động vật thủy sản khác nói chung.
Vắc-xin cho cá tra vẫn đang tiếp tục trong quá trình nghiên cứu, và hoàn thiện để tăng độ bảo hộ cho hai bệnh gan thận mũ, và xuất huyết, đồng thời cải thiện giá thành để có thể tiếp cận rộng rãi đến các hộ nuôi cá tra ở Việt Nam. Đây được xem như là một trong những nhân tố then chốt để hướng đến việc phát triển ngành công nghiệp cá tra bền vững, và nói không với kháng sinh.
Nguồn: (1) Fishhealthforum, (2021). Fish vaccination a key part of future success for world’s largest pangasius producer [online], viewed 27 January 2022, from:https://fishhealthforum.com/>. (2) The History of Fish Vaccination (2014), Roar Gudding and Thomas Goodrich. In: Roar Gudding, Atle Lillehaug and Øystein Evensen, Fish Vaccination, Wiley Blackwell, UK, pp. 1-9.