Vai trò ao lắng trong nuôi tôm
Theo quy trình kỹ thuật cho loại hình nuôi tôm công nghiệp (NTCN) thì ao lắng nước là một phần diện tích bắt buộc phải có trước khi thực hiện mô hình này. Song, hiện nay ao lắng không được người nuôi quan tâm, thiết kế. Đây là điều mà các ngành chức năng lo lắng cho sự thành công của vụ nuôi, nhất là trong mùa khô.
Trước tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi ngày càng phức tạp, biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng môi trường nước, diện tích NTCN phát triển ồ ạt nhưng không theo quy trình, quy hoạch... đòi hỏi việc sản xuất phải theo khuyến cáo của ngành chuyên môn.
Theo quy trình kỹ thuật NTCN thì diện tích của ao lắng chiếm từ 20-30% trong tổng diện tích ao nuôi. Với diện tích này thì đa số hộ nuôi tôm không đáp ứng được do diện tích đất hẹp, ao nuôi ít, phần lớn các diện tích mới cải tạo thành ao NTCN từ ao nuôi cá bống tượng, cá chình và vườn tạp. Một phần người nuôi tôm chưa hiểu hết tầm quan trọng của ao lắng nên chưa quan tâm đúng mức.
Nhất là trong thời tiết khắc nghiệt như hiện nay, tình hình nắng nóng làm nước bốc hơi nhanh, độ mặn tăng cao, môi trường ao nuôi ngày càng diễn biến phức tạp... thì ao lắng sẽ quyết định thành công của vụ nuôi rất cao bởi nó đáp ứng được yêu cầu như cấp nước cho ao nuôi.
Do đó, người nuôi tôm cần tuân thủ quy trình kỹ thuật nuôi tôm là phải có một phần diện tích cho ao lắng để bảo đảm cho vụ nuôi thành công.
Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho rằng, nếu trong ao lắng nuôi cá phi thì lượng mùn bã hữu cơ là nơi chứa các vi khuẩn gây bệnh được cá phi ăn làm cho môi trường nước trong ao lắng tốt hơn. Qua đó, góp phần cho vụ nuôi thành công hơn.
Ao lắng còn là nơi lắng lọc các chất kim loại nặng do các nhà máy chế biến thuỷ sản, thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp, nhất là khi mưa trái mùa xuất hiện, triều cường dâng. Đặc biệt, đối với sự lây lan mạnh của mầm bệnh thì ao lắng là công cụ đắc lực giải quyết cơ bản những mối nguy hại trên.
Do đó, Sở NN&PTNT đã yêu cầu các địa phương cần tuyên truyền sâu rộng trong Nhân dân, đặc biệt những hộ nuôi tôm ngoài quy hoạch cần tuân thủ đúng kỹ thuật là phải có ao lắng, có ao nuôi và ao xả thải.
Không nên sử dụng ao lắng vào mục đích khác mà chỉ được thả cá nuôi như: cá phi, cá đối, cá măng mà không được thả tôm, cua. Có như vậy mới cắt được sự lây lan của mầm bệnh./.