TIN THỦY SẢN

Vai trò cây lúa trên nền ao nuôi tôm ở Mỹ Xuyên (Sóc Trăng)

Trồng lúa trên đất nuôi tôm. Văn Hòa

Khôi phục vùng nuôi tôm nước lợ để phát triển vùng nuôi tôm an toàn, hiệu quả và bền vững là mục tiêu của ngành Nông Nghiệp và chính người nuôi cũng cần nâng cao ý thức cộng đồng để giữ an toàn vùng nuôi, hạn chế mầm bệnh lây nhiễm. Vùng nuôi có điều kiện phát triển được quy trình luân canh tôm – lúa cũng cần được phát huy, bởi đây là giải pháp môi trường rất quan trọng.

Huyện Mỹ Xuyên chủ trương giữ vững quy trình luân canh tôm – lúa bền vững, nhằm đảm bảo an toàn môi trường vùng nuôi, vừa giúp nông dân tăng thu nhập. Trước xu thế phát triển tôm thẻ chân trắng, nhiều hộ vẫn tiếp tục duy trì một diện tích nhất định để nuôi, nhưng bà con vẫn tập trung xuống giống trên nền ao nuôi tôm.

Thời gian này là giai đoạn tập trung sản xuất nên bà con vùng tôm – lúa Mỹ Xuyên đang khẩn trương làm đất, xuống giống hoặc gieo mạ để khi thu hoạch tôm sẽ cấy lắp lại nhằm đảm bảo mùa vụ. Một số vùng có diện tích nuôi thâm canh, bán thâm canh lớn, như Ngọc Tố, Hòa Tú 2 tiến độ xuống giống lúa  còn chậm do ao nuôi tôm chưa thu hoạch dứt điểm.

Chính sách khuyến khích, hỗ trợ giống lúa cho nông đang được triển khai ở các địa phương để tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, các tổ hợp tác kịp thời xuống giống lúa đặc biệt là giống lúa thơm đặc sản ST5. Năm nay, khả năng lắp lại cây lúa trên nền ao nuôi tôm ở huyện Mỹ Xuyên chỉ đạt khoảng 70 đến 80% , do bà con vẫn tiếp tục thử nghiệm nuôi tôm thẻ chân trắng đối với ao nuôi thâm canh, bán thâm canh ở một diện tích nhất định. Quy trình luân canh tôm – lúa đã mang lại lợi ích kinh tế, lợi ích môi trường cho nông dân và hiệu quả của quy trình này được khẳng định trong những năm khó khăn của nghề nuôi tôm những năm gần đây. Ông Trần Văn Chính,  Xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên cho biết “Ở đây bà con không bỏ tôm – lúa. Cho dù thế nào bà con cũng phải làm lúa vì mấy năm qua môi trường quá xấu, nếu không làm lúa thì nghề nuôi sẽ khó khăn. Chúng tôi cũng thấy được tính bền vững của mô hình này”.

Kỹ thuật canh tác lúa trên nền ao nuôi tôm tuy thuận lợi nhưng bà con phải chú ý đến nhiều biện pháp chăm sóc lúa phù hợp để tiết kiệm và khống chế dịch bệnh phát sinh. Vấn đề giống, thời vụ canh tác là rất quan trọng vừa phù hợp với điều kiện canh tác, thổ nhưỡng, vừa phù hợp với thời điểm lúa cho năng suất, hiệu quả cao.

Vùng tôm – lúa huyện Mỹ Xuyên được đánh giá là vùng lúa có chất lượng cao, ít tốn chi phí nên hiệu quả kinh tế mang lại cho nông dân cao hơn vùng chuyên lúa do bà con ít sử dụng phân hóa học, hạn chế thấp nhất biện pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Việc ứng dụng công nghệ sinh học trong canh tác lúa trên nền ao nuôi tôm cũng được khuyến cáo chặt chẻ để đảm bảo môi trường ao nuôi, hạn chế tối đa tồn lưu hóa chất có thể gây ảnh hưởng đến nuôi tôm.

Nông dân Mỹ Xuyên ứng dụng tốt quy trình luân canh tôm – lúa đã và mang lại lợi nhuận kép, vừa tăng thêm thu nhập, vừa giữ cho môi trường vùng nuôi an toàn, bền vững. Xu thế nuôi tôm thẻ chân trắng trong mùa mưa đan xen trong vùng tôm –lúa là một biểu hiện tự phát rất đáng lo ngại và dấu hiệu thiệt hại cũng đang xảy ra. Do vậy bà con nuôi tôm trong thời điểm này phải hết sức tận trọng, không nuôi theo phong trào mà phải tuân thủ lịch thời vụ mà ngành chuyên khuyến cáo, đặc biệt là phải duy trì tốt quy trình luân canh tôm – lúa ,để giảm bớt áp lực môi trường từ sau vụ nuôi tôm để lại.

Văn Hòa ĐÀI PT-TH SÓC TRĂNG