Văn bản trừng phạt, phí đè doanh nghiệp
Nhiều doanh nghiệp thủy sản đang gặp bế tắc trước những quy định mang tính “trừng phạt” trong Thông tư 55 của Bộ NN&PTNT. Quy định khiến chi phí kiểm nghiệm, kiểm tra nhà nước với các lô hàng thủy sản tăng gấp nhiều lần.
Hỗ trợ hay tận thu?
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), hơn một năm rưỡi “kiến nghị lên, xuống”, nhưng những bất cập với doanh nghiệp (DN) thủy sản quy định trong Thông tư 55 (ngày 3/8/2011) về kiểm tra, chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) thủy sản vẫn chưa được tháo gỡ.
Mặt khác, trong dự thảo sửa đổi (Thông tư 55), cơ quan soạn thảo là Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản-Nafiqad (Bộ NN&PTNT), vẫn “bảo thủ”, chưa tiếp thu nhiều kiến nghị của Vasep và cộng đồng DN.
Ông Trương Đình Hòe- Tổng thư ký Vasep, cho biết, một trong những nội dung khiến DN phản ứng mạnh (trong Thông tư 55, và cả dự thảo sửa đổi) đó là: Cơ sở sẽ bị “ngừng xuất khẩu nếu có quá 3 lô hàng cùng nhóm sản phẩm tương tự trong 6 tháng bị cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu cảnh báo về chất lượng, ATTP”.
Theo ông Hòe, đây là một biện pháp có tính trừng phạt, và vượt quá các nội dung của Luật ATTP và Nghị định 91/2012/NĐ-CP, ngày 8/11/2012 của Chính phủ (quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP). Lô hàng bị cảnh báo không đảm bảo an toàn theo mức quy định của nước nhập khẩu, tuyệt đối “không phải là thực phẩm gây ngộ độc, truyền bệnh” và cũng chưa “lưu thông trên thị trường”, như Luật ATTP quy định, nên không đủ cơ sở cấm xuất khẩu.
Thực tế, các nước nhập khẩu ngày càng tạo ra nhiều rào cản kỹ thuật, thậm chí phi khoa học, việc lô hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam bị kiểm tra, cảnh báo từ các nước này sẽ thường xuyên hơn. Trong khi đó, việc các lô hàng này không vi phạm quy định ATTP theo luật của Việt Nam, được kiểm tra chứng nhận trước khi xuất khẩu, lại bị ngưng xuất khẩu là quá nặng nề và không có cơ sở.
Còn nhiều chuyện lắm
Cũng theo Vasep, “điểm nổi bật” của Thông tư 55 là khiến các khoản chi phí của DN bị đội lên do tần suất kiểm tra, số lượng mẫu lấy nhiều hơn, một số chỉ tiêu có đơn giá cao hơn phòng kiểm nghiệm bên ngoài. Khoản này, DN phải trả cho Nafiqad. Nhiều DN cho biết, từ khi có quy định mới, đơn giá kiểm nghiệm các chỉ tiêu kim loại nặng của các trung tâm vùng thuộc Nafiqad cao hơn 2-2,5 lần so đơn giá kiểm nghiệm bên ngoài.
Ví dụ, nếu xuất đi EU, hàng Seafood mix là 3.595.000 đồng/container, nay tăng lên 8.375.000 đồng, tức tăng 2,3 lần. Nếu xuất đi EU hàng Seafood mix và tôm PD (chung container), từ 5.255.000 đồng/container, nâng lên mức 15.525.000 đồng/container, tăng gần 3 lần...
Vasep cho biết, phí kiểm nghiệm phải trả cho các trung tâm vùng (thuộc Nafiqad) trung bình 5-15 triệu đồng/lô hàng xuất khẩu, tùy thuộc vào chủng loại hàng, thị trường. Mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu khoảng 1,2 triệu tấn (tương đương khoảng 60.000 lô), nếu tính sơ bộ khoảng 20% số lô hàng phải kiểm tra nhà nước, sẽ tương đương 12.000 lô, chưa kể lượng thủy sản xuất khẩu tăng lên mỗi năm. Tổng mức toàn ngành thủy sản phải chi trả cho hoạt động kiểm nghiệm của Nafiqad là rất lớn.
Trước những bất cập của Thông tư 55, so với Luật ATTP và thông lệ quốc tế, mới đây Vasep đề nghị Cục Kiểm tra Văn bản Quy phạm Pháp luật - VBQPPL (Bộ Tư pháp) hỗ trợ pháp lý. Trao đổi với Tiền Phong, TS Lê Hồng Sơn- Cục trưởng Kiểm tra VBQPPL, cho rằng, liên quan Thông tư 55 “còn nhiều chuyện lắm”, và hiện đang cho rà soát, đối chiếu, cân nhắc và tới đây sẽ công bố cho các đơn vị liên quan.
Theo TS Sơn, riêng về kiến nghị tạm ngừng xuất khẩu đối với DN có quá 3 lô trong 6 tháng bị nước nhập khẩu cảnh báo, khi áp từ Luật ATTP xuống thông tư của Bộ NN&PTNT, là chưa thuyết phục. Ông Sơn cho hay, sẽ nghiên cứu trực tiếp Thông tư 55, nếu bất hợp lý, chưa hợp pháp thì hủy nội dung “3 lô 6 tháng”.