TIN THỦY SẢN

Vân Đồn: Tập trung phát triển kinh tế thủy sản

Nuôi hàu Thái Bình Dương tại khu vực nuôi xã Đông Xá, huyện Vân Đồn. Thu Trang

Những năm qua, thủy sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế biển của huyện Vân Đồn. Vì vậy, huyện đã tập trung đầu tư phát triển ngành nuôi trồng thủy sản toàn diện, bền vững với nhiều giải pháp cụ thể.

Phát huy lợi thế ngành kinh tế mũi nhọn

Với gần 160.000ha mặt nước biển, thêm vào đó vùng biển Vân Đồn tiếp giáp với các ngư trường lớn nên tiện lợi cho tàu, thuyền ra, vào đánh cá và trú ẩn khi bão dông. Biển Vân Đồn có nguồn lợi thuỷ, hải sản tự nhiên lớn cả về trữ lượng và chủng loại. Đặc biệt, thiên nhiên ưu đãi cho vùng đất này nhiều hải sản quý có giá trị kinh tế cao như sá sùng, bào ngư...

Hằng năm, từ nguồn lợi thủy, hải sản tự nhiên, ngư dân Vân Đồn đã khai thác được hàng nghìn tấn tôm, cá, mực... Theo thống kê, hiện trên địa bàn huyện có gần 1.196 phương tiện tàu cá, trong đó có 72 tàu công suất máy 90-850CV trở lên. Trên địa bàn huyện có 3 nghiệp đoàn nghề cá (xã Hạ Long, Đông Xá và thị trấn Cái Rồng) hoạt động trong lĩnh vực khai thác xa bờ, phát huy vai trò hỗ trợ nhau trong sản xuất cũng như góp phần bảo vệ an ninh trên vùng biển xa bờ.

Cùng với đó, Vân Đồn còn tạo ra các nguồn lợi từ chính những lợi thế đã có. Vùng biển Vân Đồn được thiên nhiên ưu đãi có nhiều đảo xen kẽ tạo những tùng, áng ít chịu ảnh hưởng của gió bão, có độ sâu trung bình từ 7-15m rất thích hợp nuôi hải sản, đặc biệt là nuôi các loài nhuyễn thể như: Ốc, ngao hoa, hàu Thái Bình Dương...

Những năm gần đây, diện tích nuôi trồng thủy sản của huyện tăng đáng kể. Nếu như năm 2011, toàn huyện có 3.000ha, đến nay đã lên 3.870ha. Đặc biệt, diện tích nuôi nhuyễn thể khoảng 2.310ha, chủ yếu tại các xã: Bản Sen, Hạ Long, Thắng Lợi, Đông Xá, Ngọc Vừng, Quan Lạn. Bên cạnh đó, có khoảng 4.700 ô lồng nuôi cá biển, chủ yếu nuôi các loại cá song, hồng, giò tại các xã Bản Sen, Hạ Long, Ngọc Vừng, Thắng Lợi, Đông Xá và thị trấn Cái Rồng. Nuôi tôm duy trì ổn định với 150ha, nuôi và khoanh nuôi gần 750ha.

Để nâng cao sản lượng nuôi trồng thủy sản, hiện các doanh nghiệp, người dân đã tập trung chuyển hình thức nuôi sang bán thâm canh, các yếu tố kỹ thuật như cải tạo khu vực nuôi, quản lý quá trình nuôi được quan tâm, áp dụng. Đơn cử như nuôi dây treo, khay treo, lồng treo áp dụng với hàu, tu hài, ngao hoa. Hay nuôi lồng thả đáy, đây là hình thức nuôi khá phổ biến đối với tu hài và một số loài ngao có giá trị kinh tế cao. Mô hình này đang phát triển mạnh ở hầu hết các xã đảo và xã ven biển của Vân Đồn.

Nhờ phát huy tiềm năng, thế mạnh trong đánh bắt, nuôi trồng, lượng thủy sản của huyện có xu hướng tăng qua các năm. Năm 2017, tổng sản lượng thủy sản đạt 23.602 tấn, trong đó sản lượng khai thác đạt 13.010 tấn, nuôi trồng thủy sản đạt 10.592 tấn, trong đó nuôi nhuyễn thể đạt trên 6.750 tấn. 9 tháng năm 2018, tổng sản lượng thủy sản đạt 19.835 tấn, bằng 79% kế hoạch năm, trong đó, khai thác 9.820 tấn, bằng 75% kế hoạch, bằng 105,7% so với cùng kỳ; nuôi trồng đạt 10.015 tấn, bằng 83,5% kế hoạch và bằng 121% so với cùng kỳ...


Chế biến ruốc hàu tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thuỷ sản Quảng Ninh.

Tập trung phát triển nuôi trồng bền vững

Thực tiễn cho thấy, ngành Thủy sản của Vân Đồn được quan tâm, chú trọng và có đóng góp lớn cho phát triển kinh tế của huyện trong những năm qua, song do xuất phát điểm của ngành thấp, công tác lập quy hoạch chi tiết còn chậm, chưa theo kịp yêu cầu phát triển; ngành Thủy sản chủ yếu vẫn khai thác tự nhiên, nghề cá ở dạng quy mô nhỏ, tập trung khai thác ven bờ dẫn tới làm suy giảm nguồn lợi. Cùng với đó, nhiều lao động thiếu trình độ kỹ thuật; nuôi trồng thủy sản phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nhưng phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như điều kiện môi trường, nguồn nước có dấu hiệu ô nhiễm, phát sinh dịch...

Để khai thác những tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế thủy sản, huyện đã ban hành nghị quyết phát triển kinh tế thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu: Phát triển thủy sản Vân Đồn toàn diện cả về nuôi trồng, khai thác, chế biến và dịch vụ hậu cần theo hướng công nghiệp, sản xuất hàng hóa phục vụ du lịch, dịch vụ, đẩy mạnh xuất khẩu, đưa ngành Thủy sản chiếm tỷ trọng chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp của huyện; chủ động sản xuất giống chất lượng cao, nuôi trồng các loài thủy sản theo vùng tập trung, đẩy mạnh khai thác xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, đi đôi với bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Phấn đấu đến năm 2020, sản lượng thủy sản đạt 25.000-30.000 tấn, bình quân tăng trưởng từ 5-7%/năm; giá trị sản xuất bình quân tăng từ 7-9%/năm...

Theo ông Nguyễn Quang Ninh, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện, để đạt được mục tiêu trên, huyện Vân Đồn đã đề ra những giải pháp cụ thể trên từng lĩnh vực. Huyện sẽ phát triển nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch, hình thành các vùng nuôi tập trung, áp dụng nuôi trồng theo hướng VietGAP tập trung vào các sản phẩm chủ lực là nhuyễn thể, cá và các loại đặc sản như hải sâm, sá sùng, bào ngư… Tiếp tục phối hợp với chủ đầu tư xây dựng Trung tâm giống nhuyễn thể, phấn đấu đến năm 2020, huyện chủ động sản xuất được trên 45% con giống hải sản chủ lực.

Đồng thời, cơ cấu lại lượng tàu khai thác thủy sản, khuyến khích khai thác xa bờ, xây dựng các mô hình tổ chức liên kết để khai thác thủy sản theo hình thức tổ, đội, nghiệp đoàn; gắn việc chế biến với các vùng nguyên liệu nuôi trồng, khai thác nhằm nâng cao giá trị, từng bước hình thành chuỗi giá trị, liên kết sản xuất từ nuôi trồng, khai thác đến chế biến sản phẩm và đầu tư xây dựng 1 chợ đầu mối thủy sản tại huyện. Bên cạnh đó, huyện cũng xây dựng và đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản; kêu gọi, tạo nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế và kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển thủy sản...

Thu Trang Báo Quảng Ninh