VASEP cáo buộc Mỹ thiếu minh bạch khi đưa tôm vào danh sách "đen"
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tôm nuôi của Việt Nam đã được áp dụng quy trình chứng nhận và truy xuất nguồn gốc nghiêm ngặt. Các quy trình này rất phù hợp để loại tôm nuôi ra khỏi danh sách các loài bị dán sai nhãn và gian lận.
Hôm qua (21/9), VASEP chính thức lên tiếng về dự thảo các nguyên tắc hoạt động của Nhóm đặc trách (Task Force) của Mỹ nhằm xác định các loài cá hay hải sản có dấu hiệu gian lận thương mại hay có nguy cơ bị khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), cũng như dự thảo danh sách “các loài có nguy cơ”.
Cụ thể, bản thông báo Liên bang của NOAA hôm 03/8/2015 đã đưa ra danh sách “các loài có nguy cơ” bao gồm: bào ngư, cá tuyết Đại Tây Dương, ghẹ xanh, cá nục heo, cá mú, cua huỳnh đế, cá tuyết Thái Bình Dương, hải sâm, cá mập, tôm, cá kiếm và cá ngừ.
Theo VASEP, bản dự thảo danh sách các loài có nguy cơ mà Nhóm đặc trách đưa ra thiếu minh bạch và thiếu cụ thể. Kết luận của Nhóm đặc trách được đưa ra dựa trên các ý kiến mơ hồ không cho phép các bên liên quan có đủ thông tin để đưa ra các ý kiến quan trọng, gây ảnh hưởng đến hiệu lực và hiệu quả chương trình của của Nhóm công tác và Nhóm đặc trách.
"Chúng tôi yêu cầu Nhóm đặc trách sửa đổi bản dự thảo “danh sách các loài có nguy cơ”, cụ thể bỏ tôm ra khỏi danh sách này, trừ khi Nhóm đặc trách có thể đưa ra luận chứng đầy đủ cho các thông tin và lý do của mình.”, VASEP khẳng định.
Ngoài ra, VASEP cho rằng, sản phẩm tôm nuôi của Việt Nam đã được áp dụng quy trình chứng nhận và truy xuất nguồn gốc nghiêm ngặt. Các quy trình này phù hợp để loại tôm nuôi ra khỏi danh sách các loài bị dán sai nhãn và gian lận.
VASEP cũng cáo buộc nhóm công tác vi phạm các quy định pháp lý của WTO. Bởi chương trình đòi hỏi có sự tham gia của ít nhất là các cơ quan như Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới (CBP), Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA). NOAA trong việc thực thi và giám sát, gây tốn kém cho các DN XK. Chương trình sẽ áp đặt các rào cản đáng kể đối với thương mại thủy sản và sản phẩm thủy sản NK vào Mỹ, trong khi các sản phẩm sản xuất tại Mỹ không bị cản trở. Điều này vi phạm nguyên tắc đối xử quốc gia.
"Dự thảo về các nguyên tắc và dự thảo về danh sách các loài "có nguy cơ cao" như hiện nay sẽ gây ra nhiều khó khăn cho các DN XK nước ngoài khi NK vào Mỹ. Do đó VASEP đánh giá cao cơ hội được nhận xét trên cả 2 bản dự thảo và mong muốn hợp tác với các bên liên quan khác để đảm bảo rằng 2 dự thảo đạt được công bằng, và phù hợp với luật pháp quốc tế", VASEP nhấn mạnh.
Mỹ là thị trường nhập khẩu lớn của con tôm Việt Nam trong nhiều năm qua. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2014, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường này là 1 tỉ USD, chiếm 25% tổng giá trị xuất khẩu của toàn ngành.
Trong tháng 7/2015, xuất khẩu tôm vào Mỹ đạt 50,9 triệu USD – mức cao nhất trong các tháng kể từ đầu năm 2015 đến nay tuy nhiên XK trong 7 tháng đầu năm nay đạt 313,6 triệu USD, giảm 51% so với cùng kỳ năm 2014.
Nguyên nhân giảm chủ yếu là do mặt hàng tôm giảm 51% do giá tôm giảm và cạnh tranh khó khăn về nguồn cung và giá với tôm Ấn Độ và Indonesia.