TIN THỦY SẢN

Về quê tính kế làm ăn

Cánh đồng Lút hoang hóa giờ đã trở thành trang trại tổng hợp mang lại nguồn thu nhập cao - Ảnh: Ngọc Minh

Sau 3 năm học cao đẳng nông nghiệp, Trịnh Quốc Oai trở về lập nghiệp trên vùng đất chiêm trũng ở xã Hà Vinh, H.Hà Trung, Thanh Hóa. Giờ đây, Oai là chủ một trang trại nuôi cá diêu hồng lớn.

Đưa chúng tôi đi thăm trang trại tổng hợp được tổ chức khá quy mô với hồ ao nuôi cá, vườn cây ăn quả và chuồng trại nuôi gia cầm, gia súc ở cánh đồng Lút, xã Hà Vinh, Trịnh Quốc Oai tâm sự: “Tốt nghiệp cao đẳng, em định xin đi làm ở các cơ quan, doanh nghiệp cho đỡ vất vả, nhưng tìm việc khó quá nên em quyết định về quê tính kế làm ăn. Lúc đầu chỉ định mở trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhưng do tình hình dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp nên em mới xoay sang nuôi cá diêu hồng”. Vào thời điểm đó (2009), thấy bạn bè của con đều xin được việc làm ở các cơ quan, doanh nghiệp, còn Oai thì về quê làm ruộng, rồi tham gia sinh hoạt Đoàn ở thôn, bố mẹ Oai lo lắm. Vì vậy, lúc đầu khi biết anh có ý định thuê cánh đồng hoang hóa đầy cỏ lác để làm ăn, gia đình ai cũng phản đối. Nhưng với quyết tâm làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, cuối cùng Trịnh Quốc Oai cũng thuyết phục được gia đình hỗ trợ để anh khởi nghiệp.

Năm 2010, Oai làm thủ tục thuê lại 5 ha đất ở cánh đồng Lút vốn chỉ gieo cấy bấp bênh 1 vụ trong năm đã bị người dân bỏ hoang từ lâu để mở trang trại tổng hợp. Có đất trong tay, nhưng Oai lại gặp khó khăn về vốn, bởi chẳng ngân hàng nào dám cho một thanh niên vay vốn chỉ với một cánh đồng hoang mang ra thế chấp. Vì vậy, anh phải quay sang huy động toàn bộ vốn liếng của anh em trong nhà được hơn 300 triệu đồng cũng như vay mượn thêm bạn bè để tiến hành thuê máy móc đào đắp hồ ao nuôi cá. Sau gần một năm đầu tư xây dựng, trang trại tổng hợp của Oai dần hình thành với 9 hồ ao nuôi cá, một dãy chuồng trại chăn nuôi gia cầm, gia súc và khu vườn trồng cây ăn quả… Thấy trang trại của Oai được đầu tư, quy hoạch một cách bài bản với quy mô lớn, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Trung đã đồng ý cho anh vay 500 triệu đồng để đầu tư mua con giống và thức ăn, tổ chức sản xuất.

Oai kể: “Năm đầu tiên do nguồn nước bị nhiễm phèn nên cá không lớn được, lời lãi không được bao nhiêu. Từ đầu năm 2012, tôi tiến hành cải tạo, xử lý triệt để nguồn nước, sau đó mới thả giống. Hiện hơn 30 vạn con cá diêu hồng và rô phi đơn tính đang sinh trưởng khá tốt với trọng lượng đạt gần 1 kg/con và đã bắt đầu xuất bán được. Đến bây giờ tôi có thể khẳng định là mình đã đầu tư đúng hướng và bước đầu thực sự mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt”.

Dự tính, từ nay đến tết, trang trại của anh sẽ cung cấp cho thị trường khoảng 30 tấn cá, trong đó có khoảng 18 tấn cá diêu hồng và 12 tấn cá rô phi đơn tính. Với giá bán 60.000 đồng/kg cá diêu hồng và 35.000 đồng/kg cá rô phi mà các khách hàng đã đặt cọc, năm nay Oai sẽ thu về gần 2 tỉ đồng. Trừ tất cả chi phí từ giống, thức ăn, tiền thuê đất, thuê nhân công, Oai thu về hơn 250 triệu đồng tiền lãi. Trang trại của Oai hiện đang giải quyết việc làm cho 7 lao động thường xuyên và 20 lao động thời vụ, với mức lương trung bình 3 triệu đồng/tháng. Năm 2012, UBND H.Hà Trung đã chọn trang trại của Oai làm trang trại điểm để nhân rộng mô hình kinh tế trang trại tổng hợp, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác.

Với việc áp dụng những kiến thức học được trong trường để làm giàu cho gia đình, anh còn tích cực hướng dẫn, hỗ trợ cho các hộ gia đình thanh niên trong vùng làm ăn hiệu quả. Hiện đã có nhiều thanh niên trong xã được Oai giúp vốn, kỹ thuật và kinh nghiệm để làm kinh tế trang trại mang lại hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ năng nổ, sáng tạo trong làm ăn kinh tế, Oai còn là người rất nhiệt tình tham gia các hoạt động Đoàn Hội. Hiện Oai đang là Phó bí thư Đoàn xã Hà Vinh. Với những thành tích của mình, năm 2012 Trịnh Quốc Oai được bình chọn là một trong những “Nhà nông trẻ xuất sắc” nhất toàn quốc và vinh dự được T.Ư Đoàn trao tặng Giải thưởng Lương Định Của lần thứ 7.

Thanh niên