Vệ tinh - Thiết bị tái quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản trong tương lai
Vệ tinh đang dần trở thành một công cụ hiệu quả để tái quy hoạch khu vực nuôi giúp đưa ngành nuôi thủy sản đạt được các mục tiêu về năng lượng tái tạo và phục hồi hệ sinh thái.
SeaWarden một công ty mới thành lập, chuyên phát triển các thiết bị và công nghệ giám sát từ xa các hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển. Đã giới thiệu dự án phát triển nguồn năng lượng tái tạo và khôi phục hệ sinh thái rừng ngập mặn tại một khu vực ven biển ở miền nam Thái Lan.
Theo Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WFF), sản xuất lương thực và nuôi trồng thủy sản toàn cầu đang là mối đe dọa lớn nhất đối với tự nhiên. Hai hoạt động này được cho là nguyên nhân của 70% đa dạng sinh học và hơn 73% diện tích rừng bị mất đi, 38% diện tích đất và gần 70% lượng nước được sử dụng mỗi năm cho mục đích canh tác và nuôi thủy sản hằng năm. Thay đổi phương pháp và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo là một trong những giải pháp cấp thiết.
Dựa trên những phân tích hiện tại, nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng việc tái thiết lập vùng nuôi theo như đề xuất vừa đảm bảo được hiệu quả về mặt kinh tế vừa tận dụng nguồn năng lượng tái tạo cũng như giảm thiểu gánh nặng về vấn đề năng lượng.
Trên thực tế, để dự án này được triển khai và chấp thuận lại là một vấn đề khá khó khăn bởi vì sự thiếu đồng thuận của các bên liên quan (bao gồm chủ đất, nông dân, hộ nuôi, nhà đầu tư, chính phủ và các nhà nghiên cứu). Việc tiến hành di dời và tái định cư ở khu vực được quy hoạch cũng như sự đồng thuận từ các hộ nuôi trong việc cho phép lắp đặt các tấm pin mặt trời ngay trong khu vực của họ là những vấn đề cần có sự can thiệp của các cấp chính quyền địa phương.
Để thực hiện dự án, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thiết lập bản đồ của khu vực được khảo sát thông qua các hình ảnh chụp từ vệ tinh và các thuật toán chuyên sâu. Kết quả cho thấy khu vực này có diện tích 16 km2 gồm 292 ao nuôi thủy sản với tổng diện tích ghi nhận được là 134 héc-ta (Hình 1). Bên cạnh đó việc xác định và phân tích chính xác về hình dạng của các ao nuôi và các thiết bị hỗ trợ, cũng như phân biệt giữa ao sản xuất và ao xử lý hoặc trữ nước là những yếu tố quan trọng để xây dựng bản đồ quy hoạch được tối ưu nhất.
Theo như ước tính diện tích đất thủy sản của khu vực sẽ bị thay thế là 15% so với tổng diện tích đất ban đầu. Trong đó, các ao nuôi có năng suất thấp gần bờ biển sẽ được dùng để trồng 21 héc-ta rừng ngập mặn. Các tấm pin sẽ được lắp đặt bên cạnh các ao không sản xuất của các trang trại, đồng thời chức năng của các ao này vẫn được giữ và không bị ảnh hưởng đáng kể.
Hình ảnh minh họa ví trí lắp đặt tấm pin mặt trời (các ô màu cam) và vị trí trồng rừng ngập mặn (các ô màu xanh lá cây).
Sau khi dự án hoàn thành lượng carbon mà rừng ngập mặn có thể hấp thụ hằng năm lên đến 168 tấn chưa kể nguồn lợi thủy sản mà hệ sinh thái này mang lại. Với tổng diện tích của các tấm pin được lắp đặt rơi vào khoảng 21 héc-ta, sản lượng điện được tạo ra hằng năm lên đến 24,3 gigawatt giờ. Lượng điện năng này đủ để phục vụ hoạt động nuôi trồng thủy sản của toàn khu vực.
Nhìn chung dự án trên là một giải pháp tiềm năng để phát triển ngành thủy sản theo hướng thân thiện với môi trường cũng như khôi phục hệ sinh thái tự nhiên. Trong tương lai, vệ tinh sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động khác của ngành nuôi trồng thủy sản.
Nguồn: Zack Dinh and Shelby Oliver. How satellites can support the sustainable intensification of shrimp farms, The Fish Site, .1/03/2022