TIN THỦY SẢN

Về Vũng La

Một góc Vũng La - Ảnh: M.H.NAM Mạnh Hoài Nam

Từ quốc lộ 1 rẽ ngã ba Trung Trinh đi qua Vũng Mắm, Vũng Dông, Vũng Sứ, Vũng Chào… dài 9 cây số rồi trườn lên dốc cao ngoằn ngoèo qua động núi, xổ xuống chân dốc dài thêm 3 cây số nữa là đến Vũng La (xã Xuân Phương, TX Sông Cầu).

Vũng La nằm tiếp giáp với biển. Chỗ xóm Giành nơi chân núi chòm ra biển thì xóm nhà “thượng” trên cao, dựa lưng vào núi đá và ngửa mặt ra biển. Ra đến xóm Bãi Rạng là thấy dãy nhà cất nhô lên sát mé biển.

Đứng ở Vũng La nhìn chếch về hướng tây nam là Gành Đỏ (phường Xuân Đài) nhìn xuống hướng đông là Từ Nham (xã Xuân Thịnh), còn nhìn lên hướng tây bắc là Vũng Me (xã Xuân Phương).

Hiện nay, gần trăm hộ dân ở quanh vùng đến Vũng La làm nghề nuôi tôm hùm bằng lồng bè, mỗi bè nổi cất chòi phía trên là nơi người nuôi tôm trú ngụ. Vì vậy có những xóm chòi nhấp nhô trên biển Vũng La.

Xóm chòi nhìn rất nên thơ, trên mái chòi dù nhỏ hay lớn đều có rui mè rồi phủ tấm bạt. Tôi vào căn chòi của ông Năm Hiên, ngay cạnh cửa chui ra chui vào, ông đặt cái kệ - là nơi để xoong nồi và đối diện là cái sạp nằm ngủ. Có khách, lo bữa trưa, ông Năm Hiên đổ nồi nước bắc lên bếp nấu canh chua. Nước sôi, ông nhỏm người đứng dậy với tay rút trong mái rui gói bột ngọt, tiêu, nêm xong gói lại nhét vô chỗ cũ. Ông nói vui: Trên bè cất chòi làm bằng rui mè hết. Mái rui là nơi tận dụng nhét chai dầu gió, gói đường, hành tiêu ớt tỏi... để khi cần dùng là có ngay.

Chòi của ông Ba Mai nằm chếch về hướng Gành Đỏ trông “sang” hơn, lai ra phía trước mấy tấm tôn, để bộ bình chén. Ngồi nhâm nhi ly trà, ông Ba Mai cho hay: Sáng sớm, cả trăm người sống ở trên bè đều lắc thúng chai vào bờ đi chợ mua thức ăn cho tôm. Thường thì mờ sáng xe tải chở thức ăn cho tôm từ quốc lộ 1 rẽ xuống đầu xóm Giành, nhiều người lắc thúng chai vào rồi xúm lại mua cá, cua, ốc… làm thức ăn cho tôm hùm. Đi chợ mua thức ăn cho tôm rất nhanh, người bán xúc bằng rổ, mỗi rổ có giá 20.000 đồng, người nuôi tôm hùm số lượng ít mỗi lần đi chợ bỏ ra trên 100.000 đồng, nuôi nhiều thì 300.000 đồng... Bán xong điểm này, xe tải “dời chợ” đến xóm Bãi Rạng để bỏ mối cho hạn hàng khác.

Cho tôm ăn xong, ông Bảy Liệu ngồi trên bè, tâm sự: Tôm hùm ăn thức ăn tươi sống nên ngày nào cũng phải bỏ tiền ra mua. Người nuôi tôm chịu khó ngày nào cũng đi chợ, sau này nếu nuôi thành công thì 18 tháng mỗi lồng nuôi kiếm 20 triệu đồng; còn nếu nuôi giáp năm, bán tôm nhỏ thì mỗi lồng kiếm từ 5 triệu đến 7 triệu đồng.

Quê anh Nguyễn Toán ở xã An Dân (huyện Tuy An), anh ra khu vực này nuôi tôm gần 10 năm. Nhớ lại ngày đầu đến vịnh Xuân Đài, anh Toán kể liền một mạch: Hồi trước ở quê, tôi nuôi bò, còn vợ thì ở nhà chăm con và mở quán nhỏ. Hàng ngày, cánh cửa tre được chống lên, treo mấy bì kẹo, nải chuối, gói mì… Có hôm bán cả ngày, tính hết vốn lẫn lời không được mười ngàn. Tôi nghe người anh họ ở Vũng La nói nuôi tôm hùm “trúng” lắm. Sau khi bàn qua tán lại với vợ, sáng ra tôi bán con nghé cái lấy tiền hùn vốn nuôi tôm. Năm đầu lãi 5 triệu đồng, mấy năm sau đầu tư thêm, lãi 10 triệu đồng. Cứ thế hàng năm, tôi “chắc mót” vốn nuôi tôm hùm, số còn lại tôi gửi về nhà nuôi con ăn học.

Tôm ăn một ngày một lần vào buổi sáng, chiều rảnh, mấy người nuôi lại lắc thúng chai tụ tập uống nước trà, mỗi bè “đăng cai” một chiều. Ông Năm Vinh, cười tươi rói: Xuống Vũng La quá “tréo” đường vì vòng qua các vũng rồi lên rừng mới xuống biển, thế nhưng ai đã đến đây theo nghề nuôi tôm hùm thì đều ở lại bám biển. Những lúc ngồi trên bè uống trà, anh em bạn nghề không chỉ truyền đạt kinh nghiệm nuôi tôm mà còn bàn về tình hình biển Đông. Vừa rồi, nghe Trung Quốc tiếp tục xây dựng đường băng trên quần đảo Trường Sa của mình, lòng anh em càng sục sôi. Mong sao Đảng và Nhà nước có cách sớm giải quyết, chớ để như vầy thì gay go quá!

Đến Vũng La, tôi còn biết, hàng ngày anh em nuôi tôm hùm ở đây mỗi chiều lại rủ nhau lắc thúng chai qua lại các bè tranh thủ gom chai lọ trôi dạt để góp phần giữ sạch đẹp biển quê hương…

Mạnh Hoài Nam Báo Phú Yên, 26/09/2015