Vẹn tình với Cần Giờ
Nếu không có Cần Giờ/Thành phố sẽ không có biển - đó là lời bài hát, còn với người dân ở huyện Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) họ như những hàng dương, thích đứng bên biển bao la chứ không muốn “tìm đường vào phố”.
THÁNG CÓ MƯỜI NGÀY CON NƯỚC
Biển Cần Giờ lạ hơn tất cả những vùng biển tôi đã đến. Bãi biển bằng phẳng như cái khuôn bánh khổng lồ, đi mãi ra xa nước cũng chỉ lấp xấp mắt cá chân, lớp bùn mỏng như bột mịn loang rộng trên bề mặt.
Bà Hai người Cà Mau về bãi biển này sinh sống đã gần 20 năm. Bà mở quán nước bên hàng dương, ngày đêm nghe biển rì rào, gió đưa ru giấc ngủ. Mái lợp lá dừa nước, phên thưng cũng là lá, mặt hàng: nước trà, cà phê, mì gói... Không nhằm khách du lịch, chỉ bán cho những người trong xóm ấp bắt ốc, cào nghêu. Định hướng kinh doanh vậy nên bà cứ giữ mãi cái sự tuềnh toàng mà bây giờ lại thành của hiếm. Mang cho tôi ly cà phê: “Khách lạ ở đâu về đắt hàng cho dì Hai vậy”? Tôi đùa, con về Cần Giờ bắt ốc, cào nghêu. Dì Hai cười: “Dỡn hoài. Tướng tá như con mà bắt được ốc, chắc ốc lên tới 300 ngàn một ký”! Tôi cự: dì coi thường con ha.
Cơn mưa kèm theo gió lớn lại kéo dài suốt buổi chiều nên vắng bóng khách vãng lai. Chỉ còn lại biển và những người con của biển. Bóng tối từ ngoài biển khơi về với hàng dương xanh. Ngày dần đi qua, đêm về trong dào dạt. Để xe ở quán nước, anh Dũng gọi li trà. Ngồi nhâm nhi cùng với “đồng nghiệp” bắt ốc của mình. Họ nói chuyện với nhau như biển kia không giấu sóng. Anh Dũng xem lại đèn cho vợ, cho mình. Ngư cụ của hai vợ chồng anh là hai cái xô nhựa, hai cái đèn đeo. Tôi hỏi sao anh không mang cái xô to hơn bắt cho được nhiều. Anh cười, bắt được già nửa xô này cũng còn khó. Mà bắt chi nhiều thương lái ép giá.
Đến giờ “ra khơi”, anh Dũng buộc bình ắc quy sau lưng, treo đèn lên trên trán. Tôi xin đi cùng để chụp hình. Anh nói mang theo áo mưa kẻo ướt người, máy hỏng. Bờ lùi dần về phía sau, biển mờ mịt trước mặt, thỉnh thoảng vài hạt mưa rơi. Anh Dũng kể câu chuyện đầy chất liêu trai. Đã có người đi bắt ốc đêm mưa không định hướng được đường về rồi bị chết dạt đó. Mấy năm trước có người hợp vía, ông (ma) dẫn đi luôn, hôm sau cả làng tìm xác. Tôi rợn người!... Nay, chuyện đó đã không còn. Với anh Dũng trực giác đã quen, mưa to, tối trời kiểu chi anh cũng vào bờ được. Anh nói vậy và dặn tôi đừng say mê chụp hình mà phải bám theo anh.
Nhiều người trong thôn ấp xã Long Hòa này đi bắt ốc đêm. Họ chỉ bắt những con ốc mỡ to, bán được giá. Ốc nhỏ để cho lớn. Đây là cách làm thân thiện bảo vệ cho mùa sau. Xoay vần theo con nước kiếm ốc, cào nghêu. Nước cạn ngày đi ngày, cạn đêm đi đêm. Mỗi tháng có mười ngày con nước. Mười ngày bắt ốc, mười ngày cào nghêu. Hai mươi ngày còn lại làm đồng muối, trồng cây. Xoài, mãng cầu Cần Giờ trồng trên đất phèn chua. Do thổ nhưỡng của đất nên hai loại trái cây này ngon nổi tiếng. Người trên thành phố đến đây du lịch thường mua trái cây này làm quà.
HẨM HIU CÓ NHAU
Người Cần Giờ gây ấn tượng với tôi là chú Bảy Ngọt ấp Long Thạnh (xã Long Hòa). Chú sinh ra lớn lên trong thời chiến. Khi hòa bình lập lại, rừng Sác xác xơ. Chú cùng với bà con hưởng ứng cuộc vận động khôi phục lại cánh rừng bị tàn phá bởi chất độc da cam. Nay cây đước lớn lên trả màu xanh cho đất. Con đường cắt ngang rừng Sác với những cây cầu bê-tông bắc qua những dòng sông xanh khiến không gian dài rộng, bí ẩn đến lạ lùng.
Tôi hỏi chú Bảy ở ấp Long Thạnh có nhiều người lên thành phố làm công nhân hay buôn bán gì không? Chú nói, tao đọc báo thấy làm công nhân lương triệu mấy hai triệu, ngần ấy tiền thuê nhà, ăn tiêu sao đủ. Ở đây, bà già đi cào nghêu ngày cũng được năm ba chục. Nhà của mình, xóm chung quanh mình đi đâu cho cực. Cũng dễ sống lắm con ơi nếu mình không chê quê. Ở biển, nắng một tí, gió một tí, da cũng đen đi một tí nhưng hạnh phúc được trọn vẹn. Đi ra, xa vợ, xa chồng lủng củng lắm. Chị Trần Thị Gái tham gia hội phụ nữ của xã, từng sáng tác bài hát về biển Cần Giờ. Chị vui chuyện, cũng nhiều người đi lắm, nhưng sáng đi chiều về liền. Vợ chồng xa nhau không chịu nổi. Bon chen chi thị thành đất chật người đông.
Chiều nắng, biển cạn. Bãi nghêu hiện lên như một sân vận động lớn, đông người. Già trẻ gái trai... tung tăng. Họ hớt trứng nghêu lẫn với cát đem về nuôi trong những ao vuông. Ao được đắp bờ, căng bạt phía dưới cho nước mặn vào. Trứng nghêu nuôi thế này gọi là nghêu bạt. Cùng với Gò Công Đông (Tiền Giang), Bình Đại, Ba Tri (Bến Tre), biển Cần Giờ cũng là một trong vài bãi biển có nghêu về đẻ trứng. Nghêu đẻ quanh năm nên người Long Hòa, Cần Thạnh chẳng lo. Cứ ra biển hớt trứng nghêu về nuôi lớn bán giống nghêu. Biển mặn cho muối, bãi bùn cho nghêu, nước chua đất chát khiến cây trái ngọt. Người ở đây biết dựa thiên nhiên, dưỡng thiên nhiên để sống và đoàn viên.
MẶN MÒI VỚI BIỂN
Sau chiến tranh, rừng Sác cháy tan hoang vì chất độc da cam. Nay đã hồi sinh, những cây đước, bần, mắm, vẹt, rang, ô rô, dừa lá... rễ đâm sâu vào bùn đen, lá cành tỏa bóng. Rễ cây kết chùm vững chắc trên những sình lầy, cây vươn lên đón gió biển, đón nắng mưa của trời.
Lang thang trong rừng Sác, gặp những người dân Cần Giờ bắt ong, đào cua, bươi chạch, thả lưới. Nghèo nên phải kiếm sống trên ngọn cây, dưới sình lầy rừng Sác. Mỗi ngày lội bùn mấy cây số. Đi nhiều nên quen. Họ là người của các xã An Thới Đông, Long Hòa, Lý Nhơn, Tam Thôn Hiệp... Nghèo không than, thấy người sang không phân bì. Họ như cây đước không chê đất bùn, như hàng dương hát những mặn mòi với biển... Nói về mục tiêu phát triển của Cần Giờ những năm tới, Chủ tịch UBND huyện Huỳnh Cách Mạng cho hay: “Vốn quý nhất của Cần Giờ là con người và vị trí địa lý.
Quan tâm lo lắng hàng đầu của huyện là chăm lo nguồn nhân lực để xây dựng nông thôn... Ước mơ, huyện sẽ thành một huyện giầu, mạnh”. Ước mơ! Phải có ước mơ mới dám đánh cược mình với thiên nhiên để vươn lên.
Chia tay biển Cần Giờ vào một buổi chiều biển vơi, nước cạn. Nhìn về biển như thấy một cánh đồng. Ở đó không có mùa lúa, bắp nhưng có mùa nghêu, mùa ốc... Không quản ngày, đêm, mưa, nắng. Không ngại nước mặn, đồng chua. Đôi lúc gió gào, biển xô vẫn chỉ là cơn qua của biển. Không chạy trốn, không kiếm tìm những chân trời xa xôi khác. Người dân Cần Giờ như rễ cây bám sâu vào đất. Nhìn họ khiến tôi nhớ đến câu thơ của nhà thơ Mỹ Oan Uýt-man: Dù dở dù hay, tôi ấp ủ trong thiên nhiên tha hồ phát biểu/... Mãi mãi giống nhau, mãi mãi khác nhau, làm sự sống đâm chồi.
Cứ để cho thiên nhiên phát biểu. Thiên nhiên Cần Giờ là mầu xanh và người Cần Giờ phát biểu rằng họ vẫn muốn ở quê bởi thiên nhiên nơi đó là của họ!