TIN THỦY SẢN

Vì sao cá cảnh Việt Nam mất nhiều bạn hàng lớn?

Cá dĩa – một loài cá cảnh có giá trị cao của Việt Nam.  Ảnh:  T.H Thuận Hải

Dù được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển do khí hậu thuận lợi, điều kiện thức ăn tự nhiên phong phú… ngành cá cảnh Việt Nam sau nhiều năm vẫn èo uột, kim ngạch xuất khẩu hằng năm hiện chỉ đạt 10 – 12 triệu USD.

Tiềm năng vẫn trong tiềm thức

Theo Hội Nghề cá Việt Nam, tính đến năm 2015, cả nước có khoảng 505 cơ sở sản xuất, ương nuôi cá cảnh, tập trung ở một số thành phố lớn như TP.HCM, Cần Thơ, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa)…

Ông Nguyễn Việt Thắng – Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam đánh giá, nằm ở khu vực trung tâm của Đông Nam Á, Việt Nam thuộc một trong ba trung tâm cá cảnh của thế giới là Nam Mỹ, châu Phi và Đông Nam Á. Với khí hậu nhiệt đới, nguồn lợi thủy sinh tự nhiên phong phú và có hệ thống sông ngòi và kênh rạch đa dạng, Việt Nam có thể nuôi sống gần như tất cả các loại cá cảnh trên thế giới.

Tuy vậy, sau nhiều năm phát triển, cá cảnh Việt Nam vẫn chỉ đạt kim ngạch từ 10 – 12 triệu USD trong khi doanh số giao dịch cá cảnh trên toàn thế giới ước đạt 8 tỷ USD/năm; riêng Singapore là nước có xuất phát điểm sau Việt Nam trong hoạt động nuôi, xuất khẩu cá cảnh nhưng đến nay đã đạt kim ngạch 400 triệu USD/năm.

Đại diện Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, dù có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, nhưng những tiềm năng này nhiều năm qua vẫn còn trong… tiềm thức. Ngành cá cảnh vẫn èo uột do vướng mắc nhiều khó khăn và gần như từ nước dẫn đầu, nay đã bị các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Indonesia qua mặt.

“Nếu người chơi mua 1 triệu đồng cá cảnh thì phải mất thêm 2 – 3 triệu đồng để mua các vật tư đi kèm khác. Mà các dịch vụ này đang phát triển rất kém. Hơn nữa, trong nghề chơi cá cảnh, ngoài làm đẹp cho không gian sống, còn có ý nghĩa phong thủy. Do đó, ở các nước họ có đội ngũ hướng dẫn, chăm sóc cá, thiết kế hồ… cho khách hàng, trong khi ở ta hoàn toàn thiếu khâu này” - ông Thắng giải thích thêm.

Nhập khó, xuất cũng khó

Ông Lê Hữu Thiện – Tổng Giám đốc Công ty CP Sinh vật cảnh Thiên Đức cho rằng, việc nhập khẩu con giống từ nước ngoài về để cải thiện nguồn giống trong nước gặp nhiều khó khăn, thường bị đánh thuế cao hoặc hải quan không cho nhập khẩu do lo ngại các vấn đề về sinh vật ngoại lai.

Ông Thiện ví dụ, chỉ nói riêng loại cá 7 màu có đến 50 loại khác nhau trên thế giới, trong đó Thái Lan cũng đã nhân nuôi rất nhiều giống mới, đẹp. Tuy nhiên, trong danh mục miễn, giảm thuế của Hải quan Việt Nam không có cá cảnh giống, và áp thuế từ 15 – 20% giá trị.

“Có nhiều loài cá cảnh mà các nước sản xuất hàng chục năm, chất lượng tốt, giá thành cạnh tranh nhưng Việt Nam vẫn không cho phép nhập khẩu về làm giống. Doanh nghiệp muốn nhập cá cảnh giống chỉ có cách mua chui về nước” - ông Thiện bức xúc.

Do đó, ông Thiện đề nghị mở cửa hoặc miễn thuế 5 năm tới nhằm hỗ trợ doanh nghiệp “làm mới” nguồn giống trong nước, làm phong phú các chủng loại cá cảnh Việt Nam. Ông Tống Hữu Châu – Chủ trang trại cá cảnh Châu Tống (quận 12, TP.HCM) cũng cho biết, việc hạn chế nhập khẩu nguồn cá giống trong khi công tác lai tạo, thu thập mới còn hạn chế khiến Việt Nam mất nhiều bạn hàng lớn.

Ông Châu kể, trước đây Việt Nam xuất khẩu cá sim đá đi Mỹ với giá 0,7–0,8USD/con với số lượng khá tốt, nhưng sau đó khách hàng không đặt hàng nữa, dù giá giảm xuống chỉ còn 0,5USD/con. “Tôi tìm hiểu thì biết phía nhập khẩu họ yêu cầu chiều dài con cá sim phải đạt 4 – 5cm trong khi cá sim Việt Nam chỉ 3cm là hết lớn. Khách hàng chuyển sang nhập hàng Thái, chấp nhận mức giá 0,9USD” - ông Châu nói.

Ông Châu cũng cho rằng người nuôi cá cảnh hiện cần một trung tâm hoặc địa chỉ chính thống để nhờ hỗ trợ, giúp đỡ khi cá gặp bệnh dịch… Hiện tại, người nuôi cá cảnh chỉ biết tự mò mẫm khi gặp các vấn đề về dịch, bệnh…

  Đến hết tháng 10.2015, kim ngạch xuất khẩu cá cảnh đạt 9,6 triệu con, tập trung chủ yếu ở TP.HCM. Dự báo, số lượng cá cảnh xuất khẩu năm 2015 của TP. HCM đạt 12 triệu con, kim ngạch 11 triệu USD, tăng mạnh so với mức 8,8 triệu con và 7 triệu USD trong năm 2011. 

Thuận Hải Báo Dân Việt, 24/11/2015