Vị thế ngành kinh tế chủ lực
Cà Mau sau 20 năm tái lập, lĩnh vực chế biến thủy sản xuất khẩu của tỉnh được đánh giá phát triển mạnh nhất cả nước, góp phần quan trọng trong việc đưa kim ngạch xuất khẩu của tỉnh nhà tăng trưởng những năm gần đây.
Thủy sản tăng trưởng cao và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm khoảng 28% GRDP của tỉnh và là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực I. Nếu như năm 1997 sản lượng thủy sản 331,116 tấn thì năm 2016, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 530.000 tấn, tăng 198,9 tấn; diện tích nuôi tôm công nghiệp trên 9.832ha, tôm nuôi quảng canh cải tiến 81.913 ha.
Con tôm Cà Mau ngày càng khẳng định vai trò cũng như vị trí trong sự phát triển kinh tế tỉnh.
Sau khi có chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi sản xuất theo Chỉ thị số 09/CT/TU, ngày 7/7/2000 của Tỉnh ủy Cà Mau khóa XII về việc đầu tư sản xuất từ nông - ngư - lâm sang ngư - nông - lâm, đặc biệt là chủ trương chuyển đổi một số diện tích trồng lúa sang nuôi tôm, làm cho bức tranh nông nghiệp của tỉnh Cà Mau trở nên đa dạng hơn.
Dây chuyền, công nghệ ở các nhà máy chế biến thủy sản trong tỉnh được đầu tư theo hướng hiện đại.
Toàn tỉnh Cà Mau hiện có trên 268 ngàn hecta nuôi tôm, với 5 loại hình chính gồm: Nuôi tôm công nghiệp, tôm quảng canh cải tiến, tôm - lúa, tôm - rừng, còn lại là quảng canh kết hợp. Năng suất bình quân tôm sú 5 tấn/ha/vụ, tôm thẻ 9,5 tấn/ha/vụ. Với diện tích và năng suất tăng lên qua từng năm làm cho sản lượng tôm từ 35 ngàn tấn năm 1997 tăng lên khoảng 150 ngàn tấn tôm nuôi vào năm 2016. Đồng thời, sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thị trường mở ra rộng lớn để thủy sản Cà Mau xuất khẩu sang các nước trên thế giới.
Tôm của Cà Mau đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, an toàn vệ sinh thực phẩm và được khách hàng quốc tế tín nhiệm, đặc biệt là tôm sinh thái Cà Mau. Hiện nay, sản phẩm thủy hải sản của Cà Mau đã có mặt ở 40 nước, vùng lãnh thổ trên thế giới, tập trung ở các thị trường lớn, đòi hỏi chất lượng sản phẩm cao như: Mỹ, Nhật, EU, Hàn Quốc…
Khi mới tái lập năm 1997, tỉnh Cà Mau chỉ có 7 doanh nghiệp, kim ngạch xuất khẩu khoảng 70 triệu USD. Đến nay, toàn tỉnh có 28 công ty, kim ngạch xuất khẩu năm 2016 ước đạt 1,3 tỷ USD, tăng gấp 15 lần so với thời điểm tái lập tỉnh. Đó là thành tích vượt bậc của ngành chế biến thủy sản Cà Mau.
Tỉnh Cà Mau đã và đang triển khai Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Đây là tiềm năng và cơ hội để ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản không ngừng phát triển khi ngành hàng tôm được xem là ngành hàng chủ lực của tái cơ cấu. Khi đó sẽ hình thành nên chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và người nuôi, tạo nên sản phẩm an toàn, đáp ứng được yêu cầu của các thị trường xuất khẩu khắt khe; đồng thời, ổn định và tăng sản lượng cho xuất khẩu thời gian tới.
Hiện tại, Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do với các nước: Úc, Nhật, EU, Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á Âu… Thuế suất đối với các mặt hàng được giảm dần về 0%, khi đó không còn lệ thuộc vào thị trường lớn thuế suất đang cao như hiện nay, mở rộng thêm hàng trăm thị trường, là cơ hội để xuất khẩu thủy sản tỉnh Cà Mau tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.
20 năm, một hành trình dài để ngành Thủy sản khẳng định vai trò mũi nhọn và chắc chắn sẽ luôn vững vàng ở vị trí số 1 trong những năm tiếp theo, đóng góp chủ lực cho sự phát triển của nền kinh tế Cà Mau.
“Trình độ quản lý của doanh nghiệp hiện nay phát triển vượt bậc, tiếp cận nhanh với thị trường, đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về rào cản kỹ thuật, kể cả thuế quan. Máy móc thiết bị của các nhà máy chế biến thủy sản đã được đầu tư xứng tầm khu vực, tiên tiến hơn các nước khác; tay nghề công nhân được nâng cao, chế biến được các mặt hàng giá trị gia tăng. Khi tái lập tỉnh, đa phần chỉ xuất hàng thô, chỉ có khoảng 10% hàng tinh chế; đến nay đã xuất trên 60% hàng tinh chế, thời gian tới đây hàng giá trị gia tăng có thể lên trên 80%.”
Ông Ngô Thanh Lĩnh, Tổng thư ký Hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Cà Mau (CASEP)