TIN THỦY SẢN

Vị trí và giữ vị trí

Giữ vị trí là quốc gia đứng thứ 4 về xuất khẩu tôm là điều khó khăn Nam Việt

Có người nói rằng, thời gian qua là lúc "đen” nhất của người nông dân, khi nhiều loại nông sản rớt giá thê thảm, không bán được; có người chặt cả cây lâu năm cũng bởi do không còn lợi nhuận. Trong khi đó, chúng ta vẫn tự hào là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, là nước có sản lượng cao su thứ 3 thế giới, thứ 4 về xuất khẩu tôm và một số mặt hàng thủy sản khác, thứ 5 về xuất khẩu chè… Chúng ta có quyền tự hào về một nền nông nghiệp đa dạng, nhưng cũng thật lo khi đã có vị thế cao thì làm gì để giữ vững.

Vẫn còn đó nỗi buồn hàng ngàn xe tải chở dưa hấu ùn ứ ở cửa khẩu. Còn tại ruộng, người trồng dưa khóc ròng. Với hơn 60.000 tấn hành tím tồn đọng, người ta phải kêu gọi tới "tình thương” của người tiêu dùng. Theo ý kiến của các chuyên gia ngành nông nghiệp, đó là sự "không may” đã được báo trước. Không chỉ bởi sự phát triển diện tích cây trồng vỡ quy hoạch, mà còn bởi sản phẩm đó không thể phát triển quá lên được, với ước muốn giành ngôi đầu, trở thành "thủ phủ dưa” hay là "thủ phủ hành” đi chăng nữa. Xét cho cùng, dưa (hay là thanh long và những loại trái cây khác) ăn là để thưởng thức lấy ngon, chứ không phải là thực phẩm ăn lấy no. Còn hành (dù tím hay không tím) thì cũng chỉ là đồ gia vị, gia giảm cho món ăn, nên không thể một xã trồng tới cả trăm tấn.

Thông tin mới đây về việc gần 30.000 tấn gạo xuất sang Trung Quốc bị ứ đọng ở cửa khẩu Lào Cai, lại một lần nữa cho thấy việc khó khăn để giữ ngôi nhất nhì về xuất khẩu gạo. Tại châu Phi, Trung Đông, hạt gạo Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với gạo Ấn Độ, Pakistan... Còn với thị trường châu Âu, Trung Quốc, gạo Myamar, Campuchia cũng đang gây áp lực lên gạo Việt Nam.

Về thủy sản, nói như Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh thì từ Nhật Bản tới Âu, Mỹ đều có sự suy giảm rất bất lợi. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này trong 4 tháng qua đã chỉ đạt 8,5 tỷ USD, giảm 5,1% so với cùng kỳ. Như vậy, con tôm, con cá basa, cá ngừ đại dương… của ta sẽ gặp nhiều khó khăn khi "bơi” vào thị trường nước ngoài. Việc giữ vị trí đứng hàng đầu là hết sức khó khăn đối với chính những  mặt hàng nông sản chúng ta có lợi thế.

Cũng cần thấy rằng, lợi thế (hay là vị trí) đó đất nước có được là do mấy chục năm qua người nông dân nỗ lực, doanh nghiệp nỗ lực, cơ quan quản lý nhà nước nỗ lực. Cách đây hơn 30 năm, ngay đến hạt gạo đủ ăn hàng ngày cũng là khó. Bấy giờ, bụng đói, ai nào dám mơ đến một ngày kia Việt Nam lại có gạo xuất khẩu, mà lượng xuất khẩu lại thuộc nhóm hàng đầu thế giới. Phấn đấu vào "top” là muôn vàn khó khăn, nhưng đến nay lại phải cố gắng duy trì cũng là hết sức khó. Ý kiến nhiều chuyên gia nông nghiệp cảnh báo, nếu chúng ta chỉ chạy theo số lượng mà không quan tâm tới chất lượng thì vị thế hạt gạo Việt Nam sẽ bị rơi vào tay nước khác. Điều đó càng rõ hơn khi đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, thị trường châu Phi không thích hợp với loại gạo trắng Việt Nam, trong khi đó 50% loại gạo này nằm trong số 1 triệu tấn gạo thu mua tạm trữ. Như vậy, làm sao mở rộng thị trường, chinh phục thị trường và giữ ngôi vị thế cao.

Việc phấn đấu đạt được vị trí cao và giữ cho được vị trí cao có thể nói là khó ngang nhau. Trước tình hình khó khăn của nông sản xuất khẩu, có thể nói trách nhiệm rất lớn thuộc về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng Bộ Công thương. Làm ra sản phẩm, số lượng thế nào, chất lượng thế nào là của Bộ NNPTNT; nhưng còn bán nó ra sao, mở rộng thị trường nào, thu hẹp thị trường nào, cách gì để vượt qua những hàng rào kĩ thuật và cả những cuộc chiến pháp lý ở nước ngoài- đó lại là việc của Bộ Công thương.

Vì thế, rất mong có cái bắt tay thật chặt giữa hai Bộ then chốt này, để chúng ta vừa có vị trí vừa giữ được vị trí.

Nhân chuyện này, lại nhớ đến những "kỉ lục” khác. Trong khi chúng ta cố gắng đổ mồ hôi sôi nước mắt để đạt được những vị trí cao trong xuất khẩu đem lại lợi ích kinh tế cho đất nước, cải thiện đời sống nhân dân, thì cũng lại có không ít  người, không ít nơi mắc bệnh sĩ, khao khát đạt vị trí cao ở những sản phẩm rất đâu đâu. Người ta bỏ tiền ra để làm chiếc bánh chưng to nhất, chiếc bánh tét to nhất, hay là cái chảo to nhất… Không biết làm sản phẩm ấy để làm gì, khi mà- như thiên hạ nói, thì có được danh hiệu đó cũng chẳng bổ béo gì. Lạ nỗi là hội chứng "nhất” tuy bị chê cười nhưng vẫn không chừa, nhiều người vẫn cứ thích "nhất”, nhất gì cũng được. Nhưng, nhất mà ích nước lợi nhà mới hay, còn thì "nhất” chỉ để "chém gió” lấy oai, thì cũng chẳng hay ho gì để mà tự hào.

Nam Việt Báo Đại Đoàn Kết, 12/05/2015