TIN THỦY SẢN

Viện III chuyển giao kỹ thuật nuôi sá sùng

Sá sùng. NTN

Sáng ngày 06/10/2022, tại thị trấn Ngô Mây (huyện Phù Cát), Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III đã tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nuôi sá sùng cho 30 hộ dân của xã Cát Minh và xã Cát Khánh.

Theo đó, sá sùng có nhiều nhất ở vùng biển Móng Cái hoặc tại đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Ngoài ra, sá sùng còn thấy ở vùng biển có cát pha ở vịnh Bắc Bộ, Côn Đảo, Nha Trang hoặc tại bãi biển Vạn Mỹ, Đông Hưng, Trung Quốc.


Toàn cảnh hội thảo chuyển giao. Ảnh: NTN

Sá sùng có tên gọi khác là sa trùng, là một loài hải sản họ Sipuncula (họ sá sùng). Hình dạng của sá sùng giống với một loài giun khổng lồ nhiều màu sắc, thường dài khoảng 5 - 10cm khi còn tươi hoặc thậm chí có con lên đến 15 - 40cm. Bên cạnh đó, đường kính trung bình của sá sùng thường xấp xỉ 20 cm và có cân nặng từ 1 – 3 kg. Khi bắt chúng lên mặt biển, sá sùng sẽ tự động thu mình, trở thành một hình tròn như quả bóng và có miệng nhỏ như lỗ van bơm khí. Đặc biệt hơn, da của sá sùng rất mềm, mát và có thể thay đổi màu sắc phụ thuộc vào môi trường xung quanh. Ngoài ra, sá sùng có bộ ruột giống với giun đất, chỉ gồm một đường ống dài từ đầu đến đuôi và bên trong không có tim, gan, phổi.

Chia sẻ tại lớp tập huấn, thạc sỹ Nguyễn Văn Giang, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III cho biết, sá sùng là đối tượng dễ nuôi, có thể nuôi ghép với tôm, cá,…  vì sá sùng chủ yếu vùi trong đáy và sử dụng mùn bã hữu cơ làm thức ăn nên không ảnh hưởng đến các đối tượng nuôi khác. Sau 4 – 6 tháng nuôi, sá sùng có thể đạt kích cỡ thương phẩm 7 – 11 gam/con. Trong thời gian tới, Viện sẽ tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện quy trình nuôi thương phẩm sá sùng tại Bình Định vì đây là loại hải sản quý, sẽ góp phần đa dạng hóa loài nuôi, đồng thời sẽ giúp người nuôi trồng thủy sản nâng cao  hiệu quả kinh tế cao, cải thiện đời sống.

NTN