TIN THỦY SẢN

Viết cho ngày nghề cá Việt Nam

Nghề cá bền vững Hình minh họa LỆ THỦY

Ngày 1/4/1959, chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm các làng cá và ngư dân trên đảo Tuần Châu (Quảng Ninh), Cát Bà, Cát Hải (Hải Phòng), đến ngày 18/3/1995, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 1/4 hàng năm là ngày truyền thống của ngành thủy sản Việt Nam.

Khái niệm nghề cá: là từ chung dành để chỉ những ngành nghề liên quan đến thủy sản như khai thác, đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản.

Lịch sử nghề cá tại Việt Nam.

Nước ta có nhiều sông, hồ, đầm, phá, kênh rạch chằng chịt và bờ biển dài với vùng biển dồi dào nguồn tài nguyên. Do đó sự gắn bó giữa người Việt với nghề cá có từ ngàn đời.

Từ sau những năm 1950, trên cơ sở đánh giá đúng vị trí ngày càng quan trọng và sự đóng góp mà nghề cá có thể mang lại cho nền kinh tế đất nước, Đảng và Nhà nước đã quan tâm phát triển nghề cá và hình thành các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Từ đó, nghề cá - ngành Thuỷ sản - đã dần hình thành và phát triển như một ngành kinh tế- kỹ thuật có vai trò và đóng góp ngày càng lớn cho đất nước.

Hiện trạng nghề cá Việt Nam

Tính đến tháng 3 năm 2017 khu vực ĐBSCL đã thả nuôi 536.440 ha tôm và diện tích này không ngừng tăng trong tương lai. Ngành nuôi trồng đã phát triển và nhân giống được hầu hết các loài thủy sản tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người. Kim ngạch xuất khẩu tôm bình quân mỗi năm chỉ đạt 3,1 tỉ USD. Sản lượng khai thác thủy sản cũng không ngừng gia tăng riêng quý 1/2017 ước sản lượng khai thác hải sản của cả nước đạt 651,9 ngàn tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu tích cực cho ngành thủy sản trên cả 3 phương diện Nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản.

Nghề cá và sự phát triển bền vững.

Để phát triển đúng hướng và nâng cao vai trò của nghề cá với nền kinh tế thì việc phát triển nghề cá theo hướng bền vững là điều tất yếu và đúng với quy luật.

Sự phát triển bền vững của nghề cá phải gắn gắn với:

 Khai thác thủy sản bền vững theo hướng bảo vệ nguồn lợi:

Ngành khai thác thủy sản mỗi năm vẫn cung cấp hàng ngàn tàu đánh bắt cá nhưng hầu hết đều đánh bắt gần bờ và theo phương thức khai thác tận diệt.

Khai thác thủy hải sản bề vững: nâng cao nhận thức của người dân về khai thác bền vững, vận động người dân nâng cấp, cải hoán tàu thuyền có công suất lớn, dùng ngư cụ có kích thước mắt lưới lớn, đánh bắt có chọn lọc, tập trung đánh bắt xa bờ.

 Nuôi trồng thủy sản bền vững tức là nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ môi trường

Hiện nay nuôi trồng thủy sản phát triển các loài nuôi không theo nhu cầu thực tế, ồ ạt thả giống làm nguồn cung dư thừa làm giá cả biến động làm người nuôi thua lỗ nặng.

Để ngành nuôi trồng thủy sản bền vững cần gắn với thị trường trong nước tạo chuỗi liên kết trong sản xuất, nuôi trồng thủy sản theo các tiêu chuẩn được chứng nhận nhân rộng mô hình nuôi sinh thái và quan trọng nhất nuôi trồng thủy sản phải không ngừng nâng cao công nghệ và gắn việc nuôi tôm với bảo vệ môi trường.

 Chế biến thủy sản bền vững: chế biến thủy sản phát triển phù hợp đáp ứng ngành nuôi trồng và khai thác.

Ngành chế biến thủy sản không ngừng phát triển và cải thiện quy trình chế biến nhằm nâng cao giá trị sản phẩm chế biến. Song chế biến còn theo mùa vụ và không đồng nhất giá cả giữa các công ty xuất khẩu, cạnh tranh gay gắt giữa các công ty làm giảm chất lượng sản phẩm và còn phụ thuộc rất nhiều vào thị trường nước ngoài.

Để ngành chế biến thủy sản bền vững cần liên kết với người nuôi nhằm truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng sản phẩm từ đầu vào, tăng cường phát triển thị phần trong nước nhằm tạo sự ổn định cho chế biến.

 Bảo vệ các loài cá bản địa hệ sinh thái tự nhiên

Tình trạng xâm nhập và sự phát triển của các loài ngoại lai đang gây ảnh hưởng rất lớn đến hệ sinh thái tự nhiên, lây lan mầm bệnh nguy hiểm và quan trọng hơn là đe dọa các loài thủy sản bản địa.

Bảo vệ các loài cá bản địa bằng cách nâng cao nhận thức của người dân về viêc thả các sinh vật ngoại lai ra môi trường, khuyến cáo về tác hại của sinh vật ngoại lai và quan trọng nhất là tuyên truyền ngư dân về việc khai thác tận diệt các loài bản địa vào mùa sinh sản.

Tạm kết:

Để nghề cá Việt Nam phát triển và đứng vững trên thương trường quốc tế không những cần có sự Lãnh đạo đúng đắn của  Nhà nước, sự nhìn nhận và định hướng của chính quyền địa phương cũng như các doanh nghiệp chế biến mà còn phụ thuộc rất nhiều vào ý thức và trách nhiệm của một ngư dân, nông dân Việt Nam. Hãy chung tay vì một nghề cá Việt Nam vững bền.

LỆ THỦY