Viết lên câu chuyện đẹp về đời mình bằng bàn tay cụt
Dù bị cụt một chân, một tay nhưng anh Lê Minh Phong (SN 1978, thôn Lâm Thượng, xã Đức Phong, Mộ Đức, Quảng Ngãi) vẫn viết lên câu chuyện đẹp về đời mình, khiến nhiều người ngưỡng mộ.
Bỏ đại học đi bán... vé số
Nằm cuối con đường đất ở bãi biển thôn Dương Quang, xã Đức Thắng (Mộ Đức, Quảng Ngãi), một căn chòi rộng chừng 12m2 cùng với hồ nuôi thủy sản hơn 1 ha. Đấy là tài sản của anh Phong, một người đàn ông tật nguyền.
Tôi gặp anh khi mặt trời gần khuất rừng phi lao ven biển, dưới hồ nước mặn trong xanh, một người đàn ông đang đeo kính ngụp lặn. Ngỏ ý muốn được nói chuyện, anh bảo: Chờ tôi lát, cho ốc ăn xong đã. Phía dưới hồ, mực nước chừng 1,2 m, người đàn ông đó cứ ngụp lặn liên hồi. Mỗi lần nổi lên mặt nước thì bốc thức ăn thả xuống đáy hồ. Sau 30 phút, anh lại đi xung quanh hồ, nhặt từng mớ rong vứt lên bờ. Trông anh làm việc, chẳng khác gì một người bình thường, rất nhanh nhẹn.
Đứng trước tôi, một người đàn ông trung niên có làn da đen sạm. Trên cơ thể anh, cánh tay trái bị cụt, bàn chân trái cũng vậy. Anh là con đầu trong gia đình 5 anh em. Số phận của anh là do chiến tranh để lại. Bởi từ năm 1972, ba anh, ông Lê Minh Thông và mẹ là Bùi Thị Vân đều tham gia kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường miền Nam, sau đó sang Campuchia thực hiện nhiệm vụ quốc tế. Hòa bình lập lại, ông Thông, bà Vân trở về quê hương lập nghiệp. Hai ông bà mang trên mình nhiều vết thương của bom đạn. Năm 1978, ông bà hạ sinh đứa con trai đầu lòng. Giấy phút đó đáng lẽ là niềm hạnh phúc của vợ chồng thương binh, ai ngờ họ nhận lấy những giọt nước mắt mặn chát.
Đứa con họ sinh ra bị dị tật bẩm sinh, mất một cánh tay, một bàn chân không có. Nhưng đã sinh, đã là con người, ông bà chấp nhận số phận. Tuy nhiên, rất may, 4 người con tiếp theo, ông bà sinh ra đều lành lặn.
Chàng trai tật nguyền Lê Minh Phong
Sinh ra mang kiếp tật nguyền nhưng Phong vẫn đến trường như bao bè bạn cùng trang lứa. Kết thúc khóa học phổ thông, anh thi đậu vào một trường đại học, thế nhưng Phong chọn cho mình lối đi riêng, anh vào Sài Gòn bán vé số. Tôi hỏi: Sao anh không đi học vậy? Anh đáp: Gia đình nghèo khó, sau còn 4 đứa em. Nếu mình đi học, lấy tiền đâu, chẳng lẽ để đám em thất học?
Những ngày ở Sài Gòn, anh rong ruổi khắp nơi bán vé số, rồi những đồng tiền đó, anh tích góp gửi về cho ba mẹ, nuôi các em ăn học. Có lẽ, anh đã hi sinh cho bản thân mình rất nhiều để đổi lấy 4 người em đều ăn học đến nơi, đến chốn. Ai cũng tốt nghiệp đại học, cao đẳng.
Những tháng ngày bán vé số, Phong có một suy nghĩ, chẳng lẽ, cứ ở nơi đây miết. Nơi đó kiếp làm người lang thang ngoài đường suốt ngày, đêm về ở trong căn nhà trọ chật chội. Ở nơi đó, cuộc sống qua ngày được chăng hay chớ, nhất là việc bán vé số ngày càng nở rộ. Người bình thường họ đi nhiều, bán được nhiều hơn, còn anh tay cụt, chân què chắc chắn không qua được họ.
Và năm 2006, có ông dượng nuôi tôm ở xã Đức Phong ăn nên làm ra, ông rủ Phong về giúp ông chăm sóc hồ tôm. Nghe vậy, anh nhận việc ngay. Nhưng anh vẫn không chấp nhận là người làm thuê, chỉ được 2 năm, đến 2008 anh ra vùng đất Đức Thắng, huyện Mộ Đức thuê ao nuôi tôm thẻ chân trắng bằng phương pháp lót bạt trên cát.
Anh Phong vệ sinh ao hồ
Cứ tưởng rằng, cái nghề này sẽ kiếm tiền rất béo bở nhưng không phải vậy. Nuôi tôm, giống như đánh cược với trời, cơ hội luôn 50-50, thậm chí trắng tay. Và trong vòng xoáy đó, anh đã vấp ngã. Năm 2013, tôm bị bệnh, hết thuốc này đến thuốc nọ đổ xuống hồ nhưng không ngăn được cảnh tôm nổi trắng mặt nước. Và trái đắng đã đến, anh lỗ mất 120 triệu đồng.
“Nghề nuôi tôm lãi rất lớn nhưng rủi ro cao, song ở đây biết làm nghề gì hơn nữa. Ngôi nhà nằm giữa làng, đất chỉ làm được căn nhà để ở. Con tôm thua lỗ nên từ 2 năm nay, tôi đã chuyển qua nuôi ốc hương. Nó ít dịch bệnh, dễ nuôi hơn nhiều. Từng ấy diện tích, 1 năm 2 vụ, nếu không có sự cố xảy ra, trừ chi phí kiếm được hơn 400 triệu đồng”, anh Phong chia sẻ.
Hàng ngày, anh Phong ngụp lặn cho ốc và kiểm tra dịch bệnh.
Tôi buột miệng: Bản thân tật nguyền, bị nhiễm chất dioxin, có lúc nào anh rơi vào bi kịch không? Anh đáp: “Tôi sinh ra không có tay, chân nhưng chưa lúc nào nghĩ đến việc đó. Tôi luôn nghĩ là người bình thường, mình không có đủ bộ phận trên cơ thể, không làm được như bằng họ thì chấp nhận làm chậm, làm lâu hơn.
Ai làm được cái gì, tôi đều làm được hết. Thú thực, tôi không muốn trở thành gánh nặng cho ai, mình còn sức, còn nghị lực thì nuôi sống được bản thân. Tôi luôn nghĩ, cuộc sống như một con đường, nếu có đam mê, tôi sẽ đi đến đích”.
Tình yêu qua tin nhắn
Bước vào nghề nuôi ốc hương chưa lâu nhưng cái nghề này cực thật. Sáng, anh ngâm mình xuống hồ vệ sinh, rong rêu được vớt lên bờ. Chỉ với một cánh tay, làm rất khó khăn, nhưng anh vẫn hoàn thành.
Trưa đến, anh tự loay hoay nấu cơm cho bản thân; chiều, cho cá vào máy cắt khúc. Sau đó, đưa xuống hồ cho ốc ăn. Công việc này không đơn giản, số thức ăn cho vào thùng rồi đi bỏ khắp hồ. Bỏ xong phải lặn xem ốc nơi nào ít, nơi nào nhiều để tăng thêm thức ăn. Còn đêm xuống, khi nhiệt độ xuống thấp, anh lại tháo nước và hút vào hồ cho đến khuya mới được đi ngủ. Những công việc đó, một người bình thường đã rất khó, vậy mà anh Phong đảm nhận tất cả.
Căn chòi nhỏ bên hồ nuôi
Tôi hỏi: Thế vợ con sao rồi? Anh cười tươi: Hạnh phúc lắm, vợ tôi chồng đến nay có 3 người con. Bọn trẻ sinh ra đều lành lặn. Tôi hỏi tiếp: Thế ngày nên duyên vợ chồng, có gặp trắc trở gì không? “Có chứ! Người tật nguyền như mình, lấy vợ rất khó. Nhưng cũng có người thương để rồi về chung sống trong một mái nhà”, anh nói.
Anh cho biết thêm, ngày đến đây thuê đất nuôi tôm, anh được một người làm mai mối. Chưa gặp nhau lần nào nhưng anh mạnh dạn nói yêu qua điện thoại. Cứ lạ thành quen, người con gái miền biển Đỗ Thị Mỹ Lệ (SN 1982, ở xã Đức Thắng) xuôi lòng. Ngày anh đến xin ba mẹ Lệ cưới thì phía gia đình phản đối rất nhiều.
Nhưng, khi hai người đã phải lòng nhau, họ vượt qua ngăn cản để nên duyên vợ chồng. Từ ngày cưới đến nay, dưới mái nhà đó, người chồng thường xuyên vắng mặt. Ngày ngày, anh theo chân con tôm, nay con ốc hương để kiếm thu nhập nuôi các con.
“Rồi mình sẽ già yếu sẽ không còn sức bám trụ ở ao hồ, nay mai khi có vốn tôi sẽ mua một miếng đất nằm ở trung tâm. Lúc đó sẽ giải nghệ về buôn bán, giờ mỗi ngày trôi qua chỉ mong con ốc không bị bệnh để ước mơ đó sớm thành hiện thực”, anh Phong tâm sự.