TIN THỦY SẢN

Việt Nam phải trở thành cường quốc về tôm

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường thăm cơ sở sản xuất tôm giống thương phẩm tại thị trấn Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận. Ngọc Lê

Năm 2016 được dự kiến tiếp tục là năm thắng lợi của ngành tôm Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu vượt 3 tỷ USD (lớn hơn gạo). Với tầm quan trọng của ngành tôm, hôm nay 15.8, tại Bình Thuận, Bộ NNPTNT đã tổ chức hội nghị quản lý tôm giống nước lợ với sự tham dự của đại diện cả 28 tỉnh, thành ven biển nước ta.

Trước đó, chiều 14.8, đoàn công tác của Bộ NNPTNT do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu  đã tới thăm một số cơ sở sản xuất tôm giống ở huyện Tuy Phong, Bình Thuận.

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), với diện tích thả nuôi tôm nước lợ (tôm sú và tôm thẻ) 680.000ha, hàng nhu cầu con giống cần lên tới 130 tỷ con giống (trong đó 100 tỷ con tôm thẻ và 30 tỷ tôm sú). Khu vực sản xuất tôm giống trọng điểm là 3 tỉnh thuộc duyên hải Nam Trung Bộ là Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận.

Ông Như Văn Cẩn- Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết: “Khó khăn lớn nhất trong phát triển ngành tôm Việt Nam hiện nay là phải phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nguồn tôm giống bố mẹ (đang phải nhập khẩu 95-100%), mỗi năm phải nhập từ 200.000-230.000 con. Do đó, việc phát triển tôm giống thường rất bị động, dẫn tới việc quản lý chất lượng tôm giống còn nhiều bất cập”.

Là một trong những cơ sở sản xuất tôm giống hàng đầu trong nước hiện nay, ông Đặng Quốc Tuấn- Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Việt- Úc cho biết: “Nhu cầu sản xuất tôm giống ở Việt Nam hiện nay rất lớn, song chúng ta lại phải phụ thuộc vào nguồn tôm giống bố mẹ nhập khẩu, mà từ năm 2015 một số đối tác đã cấm xuất khẩu tôm bố mẹ vào Việt Nam, làm cho chúng ta rất bị động. Xác định vấn đề đó, hiện Việt- Úc đã hợp tác với phía Úc để chủ động được 50-55% nguồn tôm giống bố mẹ và tiến tới sẽ chủ động 100%”.

Chia sẻ về cơ hội của ngành tôm Việt Nam hiện nay, ông Tuấn cho biết, Việt Nam có điều kiện sản xuất tôm hết sức thuận lợi và trên thực tế hiện đã vượt Thái Lan về sản xuất tôm từ năm 2013. “Chúng ta có đủ khát vọng để nâng tầm lên trở thành cường quốc sản xuất về tôm, chứ không cam chịu phận… nhược tiểu mãi được”- ông Tuấn giãi bày.


Công nhân một cơ sở sản xuất tôm giống đang kiểm tra chất lượng tôm 3 ngày tuổi.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, để nâng tầm được tôm Việt thì thứ nhất nâng cao giá trị gia tăng, làm sao đảm bảo giá trị tăng liên tục, mà muốn làm như vậy chúng ta phải tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực cho ngành tôm. “Trên thực tế, ngành tôm nước ta hiện không thua kém nhiều so với 2 cường quốc về tôm là Indonesia và Ấn Độ, nên tôi tin Việt Nam đủ khả năng vươn lên bằng, thậm chí vượt hai nước này về sản xuất tôm, trở thành công xưởng sản xuất tôm cho cả thế giới”.

Đánh giá về khả năng phát triển của con tôm Việt Nam, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám cho biết, trong định hướng tái cơ cấu nông nghiệp hiện nay, thủy sản được xác định là ưu tiên hàng đầu, bởi còn rất nhiều dư địa để phát triển, trong đó, con tôm sẽ là ưu tiên số 1. “Xác định tầm quan trọng của việc chủ động nguồn giống tôm bố mẹ, nên Bộ NNPTNT đã thành lập Ban Chỉ đạo phát triển tôm bố mẹ và đã được rất nhiều doanh nghiệp hưởng ứng tham gia. Chúng ta rất vui, bởi đã có đơn vị đầu tiên là Tập đoàn Việt- Úc công bố sản xuất thành công tôm giống bố mẹ và đã được đưa vào danh mục sản xuất tôm tại Việt Nam”- ông Tám nói.

Phát biểu tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp cũng kiến nghị, Bộ NNTNT cần tăng cường kiểm soát nguồn tôm giống, đảm bảo sạch bệnh. Đồng thời, Bộ cũng cần tăng cường quản lý các loại thuốc thú y, chế phẩm nuôi trồng thủy sản đang tràn lan trên thị trường hiện nay.

Nói về quan điểm trong phát triển con tôm, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định: “Con tôm là con đầu tiên có một thị trường tới cả 7 tỷ người trên thế giới, bởi khác với các con khác, rất ít người kiêng ăn tôm. Đó là một thị trường dự báo rất mở rộng. Đặc biệt, trong tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, chúng ta còn có cơ hội biến thách thức thành lợi thế, bởi thủy sản của Việt Nam, nhất là đồng bằng sông Cửu Long khi nước biển dâng, khi hạn mặn thì chúng ta sẽ chuyển một bộ phận từ lúa sang thủy sản và trong thủy sản có “con 7 tỷ người ăn”, đó là con tôm”.

Ngọc Lê Báo Dân Việt, 15/08/2016