Việt Nam sẽ phải cạnh tranh nhiều hơn với Ấn Độ trong xuất khẩu thuỷ sản
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ phải cạnh tranh nhiều hơn với Ấn Độ khi xuất khẩu thủy sản (đặc biệt là mặt hàng tôm sú) sang thị trường truyền thống của mình là Nhật Bản.
Ấn Độ đang đặt mục tiêu tăng gấp 3 lần sản lượng thủy sản nội địa bằng cách đẩy mạnh thực hiện các dự án liên quan đến sản xuất giống.
Hiện Ấn Độ đã có 4 trại sản xuất giống được xây dựng với năng lực sản xuất 250.000 con cá giống nước ngọt và 4,35 triệu con tôm giống. Ngoài ra, các trại sản xuất ở Kulathupuzha và Kanatharkulam đã được Chính phủ Ấn Độ phê duyệt hỗ trợ 49 triệu rupee và 95 triệu rupee cho giai đoạn 2.
Ấn Độ cũng đã phê duyệt kế hoạch cải thiện các nguồn nước chưa được sử dụng để dùng cho nuôi trồng thủy sản với dự kiến sẽ có 700 cơ sở nuôi lồng được hưởng lợi từ kế hoạch này.
Bên cạnh đó, nước này dự định sẽ tập trung vào việc đẩy mạnh nuôi tôm sú truyền thống tại Tây Bengal, Kerala và Karnataka nhằm đẩy mạnh thương mại tôm sang thị trường Nhật Bản, đặc biệt trong Thế vận hội Olympics Tokyo 2020 - sự kiện được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tiêu dùng thủy sản tại Nhật Bản.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 3 năm 2019 ước đạt 645 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 3 tháng đầu năm 2019 ước đạt 1,8 tỷ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2018.
Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2019, chiếm 52,8% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh là Mexico tăng 35,6%; Philippines tăng 25%; Malaysia tăng 21,6%; Anh tăng 16,6% và Canada tăng 13,7%.
Cũng trong tháng 3/2019, ước giá trị nhập khẩu mặt hàng thủy sản đạt 152 triệu USD, đưa tổng giá trị thủy sản nhập khẩu 3 tháng đầu năm 2019 đạt 416 triệu USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2018.
Cũng theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, tại thị trường trong nước, cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 3/2019 có xu hướng giảm giá khá mạnh, hiện chỉ còn 24.000 - 25.000 đồng/kg đối với cá tra loại I (800- 900g/con), giảm khoảng 3.000 đồng/kg so với tháng trước, do chưa có nhiều đơn hàng xuất khẩu. Đồng thời, giá cá giống cũng có xu hướng đi xuống tại một số vùng, hiện ở mức 25.000 đồng/kg đối với mẫu 30 con.
Đối với thị trường tôm, trong tháng 3/2019 giá tôm sú sống tại chợ có xu hướng giảm sau nhiều ngày tăng liên tục trước và sau Tết Nguyên đán. Giá tôm sú ướp đá cũng giảm do các đơn hàng xuất khẩu đầu năm chưa cao nên doanh nghiệp giảm giá thu mua. Tại Bạc Liêu, giá tôm sú sống (oxy) cỡ 20 - 40 con/kg giảm 40.000 - 70.000 đồng/kg so với tháng trước, hiện đang dao động ở mức 190.000 – 300.000 đồng/kg; tôm sú ướp đá cỡ cỡ 20- 30 con/kg có giá từ 145.000-215.000 đồng/kg, giảm 30.000 đồng/kg.
Giá tôm thẻ ướp đá tăng 6.000- 8.000 đồng/kg so với tháng trước. Cụ thể, tôm cỡ 60 con/kg có giá 108.000 - 110.000 đồng/kg; cỡ 70 con/kg có giá 98.000-100.000 đồng/kg; cỡ 100 con/kg giá 86.000 - 88.000 đồng/kg.