VietGAP giúp nghề nuôi thủy sản bền vững hơn
Việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất tốt (VietGAP) trong nuôi thủy sản đang được ngành Nông nghiệp khuyến khích và tiến tới bắt buộc áp dụng đối với một số loài thủy sản chủ lực trong thời gian tới. Chính vì vậy, các vấn đề liên quan đến áp dụng VietGAP như chi phí, lợi ích và cách thức áp dụng đã được đưa ra bàn luận tại hội thảo “Hợp tác và kết nối thị trường các sản phẩm đạt chứng nhận VietGAP” vừa được Tổng cục Thủy sản tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh.
Áp dụng VietGAP có lợi gì?
VietGAP là quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt hướng đến sản xuất bền vững, trong đó phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), hạn chế dịch bệnh, bảo vệ môi trường và đảm bảo các vấn đề xã hội.
Bà Lê Bảo Ngọc, Giám đốc kinh doanh Công ty CP Chứng nhận và Giám định Vinacert cho rằng, việc áp dụng quy trình sản xuất theo VietGAP sẽ giúp giảm chi phí sản xuất và tạo được thương hiệu với nhà nhập khẩu.
Tuy nhiên, hiện phần lớn các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên cả nước có quy mô nhỏ, sản xuất manh mún nên việc bắt buộc áp dụng VietGAP khó có thể thực hiện. Hơn nữa, điều quan trọng quyết định sự thành công của VietGAP là sản phẩm đạt VietGAP phải có giá bán và hiệu quả kinh tế cao hơn sản phẩm truyền thống, chất lượng sản phẩm VietGAP được người tiêu dùng tin tưởng…
Về vấn đề chi phí sản xuất, ông Như Văn Cẩn, Phó vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết, so với kiểu sản xuất truyền thống thì chi phí sản xuất theo VietGAP không cao hơn nhiều, bởi sản xuất theo VietGAP đòi hỏi diện tích phải lớn và đầu tư một lần.
Do đó, nếu cơ sở tiếp tục duy trì sản xuất theo VietGAP sau khi được chứng nhận thì chắc chắn lợi nhuận các vụ nuôi sau sẽ cao hơn. Ở đây, vấn đề quan trọng cần giải quyết để khuyến khích người dân xã hội hóa VietGAP là phải tiết giảm được chi phí chứng nhận và có những hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ổn định.
Cùng nhận định như trên, ông Philipe Bacac, Tổng Giám đốc Metro Cash & Carry Việt Nam cho biết, kinh nghiệm nhiều năm làm việc với các nhà cung ứng đã chỉ ra rằng việc sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn không làm tăng chi phí nhưng đầu ra của sản phẩm được đảm bảo ổn định.
Trên thực tế, hiện Metro đang thu mua sản phẩm đạt tiêu chuẩn MetroGAP (Tiêu chuẩn do Metro kết hợp với Tổng cục Thủy sản xây dựng) với giá ngang bằng với các sản phẩm sản xuất theo kiểu truyền thống trên thị trường nhưng đầu ra của nhà sản xuất được bao tiêu.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản, việc áp dụng VietGAP sẽ giúp sản xuất bền vững hơn, từ đó mang lại nhiều cơ hội, lợi ích cho nhà sản xuất. Cũng theo Tổng cục Thủy sản, người nuôi thủy sản cần tránh tư tưởng sản xuất theo VietGAP để bán với giá cao hơn hay được Nhà nước hỗ trợ mà cần xem đây là nền tảng cơ bản cho sản xuất bền vững.
Hiệu quả trước hết của VietGAP là hạn chế dịch bệnh trong hoạt động nuôi thủy sản do môi trường được đảm bảo, chất lượng sản phẩm tốt dẫn đến thị trường tiêu thụ rộng mở. Những lợi ích này sẽ góp phần làm nên sự ổn định trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm mà trước nay người nuôi thủy sản luôn mong muốn.
Kết nối với thị trường
Theo Cục Quản lý chất lượng Nông - Lâm sản và Thủy sản, từ trước tới nay việc kiểm soát chất lượng thủy sản chỉ được thực hiện ở khâu cuối cùng nên mang tính bị động, gây tốn kém cho xã hội. Vì vậy, hiện Việt Nam là một trong những nước có lô hàng thủy sản bị trả về nhiều nhất với giá trị thiệt hại hàng năm lên đến 14 triệu USD.
Áp dụng quy trình sản xuất theo VietGAP sẽ giúp giảm chi phí sản xuất và tạo tạo được thương hiệu với nhà nhập khẩu (Ảnh chụp ở ấp Bình, xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè).
Áp dụng quy trình sản xuất theo VietGAP sẽ giúp giảm chi phí sản xuất và tạo tạo được thương hiệu với nhà nhập khẩu (Ảnh chụp ở ấp Bình, xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè).
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho biết, hiện nay Việt Nam có 477 nhà máy chế biến thủy sản đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường EU, đứng thứ 2 trong số những nước có nhiều nhà máy đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường khó tính này. Điều này cho thấy các nhà máy đã đáp ứng tốt với các tiêu chuẩn về ATVSTP trong quá trình chế biến.
Do đó, vấn đề còn lại để thực hiện tốt vấn đề ATVSTP trong thủy sản Việt Nam là kiểm soát ngay từ các yếu tố đầu vào và trong quá trình nuôi trồng mà VietGAP là một trong những quy trình sản xuất tốt giúp đảm bảo điều đó.
Tuy nhiên, theo ông Trương Đình Hòe, hiện các tiêu chuẩn VietGAP còn quá cao nên cho dù năm 2012 đã có 7-8 doanh nghiệp đăng ký thực hiện VietGAP nhưng đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào được chứng nhận. Do đó, ông Hòe cho rằng VietGAP cần được đơn giản hơn như là một tiêu chuẩn tối thiểu mà nếu cơ sở nào không đạt tiêu chuẩn này thì chứng tỏ quá trình sản xuất tại cơ sở có vấn đề về việc đảm bảo chất lượng, ATVSTP.
Hiện nay, VietGAP đang là tiêu chuẩn khuyến khích áp dụng đối với các đối tượng thủy sản xuất khẩu chủ lực như tôm sú, tôm thẻ chân trắng và cá tra. Trong thời gian tới, VietGAP sẽ bắt buộc áp dụng đối với những đối tượng chủ lực này. Đối với cá tra có thể sẽ bắt buộc áp dụng từ năm 2015 theo dự thảo nghị định về quản lý sản xuất và tiêu thụ cá tra. Mặt khác, người tiêu dùng trong nước là đối tượng cần được quan tâm và đảm bảo ATVSTP nên VietGAP trong thủy sản phải giải quyết nhu cầu này.
Đến nay, sản phẩm đạt chuẩn VietGAP đã được nhiều nhà phân phối các sản phẩm thủy sản trong nước quan tâm, trong đó có tập đoàn Metro Cash & Carry (gọi tắt là Metro). Ông Philip Bacac, Tổng giám đốc Metro cho biết, bên cạnh các sản phẩm thủy sản đã đáp ứng yêu cầu MetroGAP, thời gian tới Metro sẽ lựa chọn thêm các nhà cung cấp thực phẩm tươi sống đạt chứng nhận VietGAP đưa vào bán tại siêu thị này.
Theo ông Philip Bacac, bộ tiêu chuẩn VietGAP ra đời sau và có nhiều quy định chi tiết các tiêu chí kiểm soát về kỹ thuật và các yêu cầu trong sản xuất hơn MetroGAP. Tuy nhiên, tiêu chuẩn VietGAP lại có quá nhiều cơ quan được phép thẩm định và cấp giấy chứng nhận sản phẩm VietGAP nên chưa có sự thống nhất.
Do đó, ông Philip Bacac kiến nghị Bộ NN&PTNT cần nhanh chóng ban hành các quy định cụ thể về cơ quan được phép thẩm định, đồng thời ra được mẫu nhãn hiệu VietGAP theo quy chuẩn chung để Metro và người tiêu dùng có căn cứ phân biệt.