Vĩnh Trung: Nuôi cá vèo vào mùa nước nổi
Cứ mỗi mùa nước nổi người dân sống ven kênh rạch trên địa bàn xã Vĩnh Trung thường chọn nuôi cá lóc vèo để góp phần tăng thêm thu nhập cho nông hộ vào mùa nước nổi.
So với những năm trước đây thì năm nay số lượng hộ nuôi cá lóc vèo trên địa bàn xã đã giảm đi rất nhiều, hiện tại có khoảng 20 hộ nuôi, do trong những năm qua giá cá lóc nuôi thường không cao lắm nên người nuôi có lời ít, chủ yếu lấy công làm lời, tuy nhiên nó cũng góp phần giúp người nuôi có thêm thu nhập vào mùa nước nổi.
Thật ra, cá lóc vèo có thể nuôi quanh năm, nhưng thường các hộ chọn thả cá vào mùa nước là để tận dụng nguồn thức ăn trong tự nhiên (cá nhỏ, tạp vụn) và sẽ có cá thịt bán vào dịp Tết. Vào mùa nước nổi, nếu mỗi gia đình nuôi 2.000 con thì cũng kiếm được thu nhập 5 - 10 triệu đồng.
Mùa lũ năm nay tận dụng nguồn thức ăn cua, tép, cá, ốc… sẵn có trong tự nhiên, anh Nguyễn Đình Thương ở ấp 7, xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy bỏ ra 550.000 đồng mua 1.000 con cá lóc giống đem về nuôi trong vèo lưới dưới dòng kênh trước cửa nhà. Anh Thương cho biết: “ Đến nay đàn cá đã được 2 tháng tuổi, nhìn chung cá phát triển mạnh, ăn khỏe. Khoảng hơn 1 tháng nữa tôi có thể thu hoạch khoảng 500kg cá. Nếu bán với giá 28.000 - 30.000 đ/kg lời ít cũng được 6 - 7 triệu đồng, còn nếu giá cao hơn cũng kiếm được hơn chục triệu”.
Vụ nuôi năm nay anh rút được nhiều kinh nghiệm, vì là vụ thứ 3 thả nuôi. “Kỹ thuật nuôi cá lóc trong vèo rất đơn giản, nhưng điều cần chú ý là chọn mua con giống tốt và nuôi trong môi trường nước sạch. Cũng cần chú ý nguồn thức ăn cho cá phải tươi sống… Nếu đáp ứng những yêu cầu đó cá sẽ phát triển mạnh, tỷ lệ hao hụt thấp”, anh Thương nói.
Còn anh Dương Thanh Hải tại ấp 2 cho biết, năm nào anh cũng nuôi cá lóc vèo vào mùa nước nổi, bởi vì tháng nước nổi ở địa phương thường không có việc gì làm cho nên anh tận dụng thời gian nhàn rỗi đi giăng lưới, kéo lưới,…để kiếm mồi nuôi cá, góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình. Ngoài ra, phía ngoài vèo cá lóc anh Hải còn thả cá trê lai ở vèo ngoài để tận dụng cặn bã thức ăn dư thừa trôi dạt ra làm thức ăn cho cá trê. Như vậy, khi thu hoạch anh sẽ có thêm một phần thu nhập nữa.
Anh Lê Hoàng Lăng, ấp 6, xã Vĩnh Trung, một hộ nuôi cá vèo quanh năm, anh cho biết: “ Tôi nuôi cá lóc trong vèo lưới quanh năm. Năm nào cũng kiếm được vài chục triệu để mua phân thuốc cho các vụ lúa. Vụ này tôi thả nuôi 2.000 con. Sau 2 tháng đạt 300 - 400 gram/con. Nuôi không tốn tiền thức ăn, vì mùa này tôi đi bắt ốc và cá đồng để làm mồi cho cá nuôi. Còn các vụ khác tìm thức ăn khó nên tôi mua cá mồi cho ăn thêm, tuy chi phí cao hơn nhưng bán được giá cao hơn nên cũng có lời”. Theo kinh nghiệm của anh nuôi cá trong mùng (vèo) nhỏ, cá phát triển tốt hơn nuôi trong ao, mương. Vì cá nuôi trong mùng ít di chuyển so với cá nuôi trong ao hầm. Mặt khác, khi thả thức ăn xuống cá trong vèo ăn đủ, phát triển đều hơn.
Mô hình nuôi cá lóc trong vèo có ưu điểm là không cần diện tích lớn, tận dụng một số diện tích mặt nước trong ao, hồ hoặc mép kênh để làm vèo nuôi. Mặc dù cá nuôi trong vèo nhưng thức ăn cho cá từ nguồn cá biển và cá tạp tự nhiên nên thịt cá chắc và ngon. Đây là mô hình cho hiệu quả kinh tế khá, bà con nên tận dụng mùa nước nổi để nuôi cá lóc trong vèo lưới hay các đối tượng thủy sản khác vì thời điểm này, thức ăn có sẵn trong tự nhiên như cua, ốc, cá tạp nhiều, bà con có thể tận dụng để hạn chế chi phí, nâng cao lợi nhuận.