Vòng tròn Gạc Ma cho cá tra
Ngày 14 Tháng 3 năm 1988, Trung Quốc đã đột ngột dùng vũ lực đánh chiếm bãi đá ngầm Gạc Ma trong cụm đảo Sinh Tồn của Việt Nam.
Dẫu bị những kẻ vẫn tự xưng là “bạn” đánh úp, những người lính Việt, trong tay chỉ có cuốc, xẻng, xà beng, đã dũng cảm đương đầu với lưỡi lê, đại liên và pháo 100 li của hải quân Trung Quốc. Kiềm chế không nổ súng, tránh để địch có cớ leo thang xung đột, các chiến sĩ ngực trần trên đảo không chịu lùi, đã nắm chặt tay nhau, kết thành vòng tròn bảo vệ lá cờ Tổ quốc, để giữ đảo. Vồng ngực trẻ trai của các anh đã dựng nên “Vòng tròn Gạc Ma” thiêng liêng, biểu tượng mãi mãi bất tử trong lòng các thế hệ mai sau.
Trong cuộc tàn sát dã man đó của kẻ thù, 64 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Biển Đông từ ngày ấy dường như càng thêm mặn đắng, bởi máu những người đã khuất và nước mắt những người hôm nay. Nhưng sự hy sinh đó của các anh không vô ích. Chấp nhận hy sinh không nổ súng trong năm 1988 các anh đã tránh cho đất nước một cuộc chiến không cân sức, có đủ thời gian để phá thế bao vây gọng kìm, củng cố lực lượng, vượt qua thời khắc ngặt nghèo, tạo điều kiện để dân tộc đứng vững được trên toàn đất nước và cả 21 đảo của Trường Sa hiện nay.
Chuyện xảy ra 25 trước tại Trường Sa vẫn còn nguyên ý nghĩa thời sự, bởi dẫu bối cảnh đã nhiều dâu bể, nhưng dã tâm bành trướng vẫn chẳng đổi thay. Cúi đầu thắp nén tâm hương trước anh linh của các anh hùng, ta tâm niệm sẽ nhắc mình và các thế hệ nối tiếp phải cảnh giác, luôn đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết, kiên quyết chống ngoại xâm, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì chủ quyền đất nước, vì bình yên, cơm áo, hạnh phúc của nhân dân. Điều khấn nguyện đó là cần thiết trong mọi cuộc chiến đấu, kể cả trên những trận tuyến không tiếng súng.
Và có phải là sự ngẫu nhiên đầy tính nhắc nhở của lịch sử hay không, ngày 14 tháng 3 năm nay Việt Nam lại phải chịu một đòn “đánh úp” khác, lần này là trên thị trường cách nửa vòng trái đất, đặt cộng đồng DN và người nuôi cá tra Việt Nam trước những thách thức cam go mới.
Ngày 14/3/2013, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) thông báo quyết định cuối cùng của đợt rà soát hành chính lần thứ 8 (POR8), từ 1/8/2010 đến 31/7/2011, đột ngột áp mức thuế chống bán phá giá cao khủng khiếp đối với philê đông lạnh cá tra Việt Nam, trái ngược hoàn toàn với mức thuế sơ bộ rất thấp hoặc bằng 0, công bố ngày 12/9/2012. Chịu sức ép của Hiệp hội Chủ trại Cá nheo Mỹ (CFA), DOC đã sử dụng ngón “đòn ngầm” pháp lý lắt léo, vô cớ thay đổi quốc gia thay thế từ Bănglađet thành Inđônêxia, khiến mức thuế tăng vọt vô lý. Rõ ràng, đây là hành động cố tình “đánh úp”, khiến các DN Việt Nam không kịp trở tay, vì khác với quyết định sơ bộ, chúng ta chỉ có 5 ngày để phản ứng mà đã mất hai ngày nghỉ cuối tuần họ không làm việc.
Trong hơn 10 năm phát triển, ngành cá tra Việt Nam đã phải chịu vô số đòn thù. Đòn mới này từ phía Mỹ chắc chắn còn gây nhiều thiệt hại. Nhưng những người sản xuất cá tra Việt Nam đã “dạn đòn” đâu chịu bó tay! So với 10 năm trước, ngành cá tra Việt Nam đã trưởng thành, đã có thêm nhiều kinh nghiệm đấu tranh pháp lý quốc tế, sản phẩm cá tra đã đến với bao nhiêu thị trường khác. Sản xuất cá tra đã đạt những tiêu chuẩn bền vững quốc tế cao nhất như GlobalG.A.P, BAP, ASC, … để thành loại sản phẩm được người tiêu dùng chọn lựa.
Thương trường gian khổ và nghiệt ngã không kém chiến trường, và thắng lợi sau cùng không giành cho kẻ tráo trở, lọc lừa! Cộng đồng DN Việt Nam cần có tinh thần của những chiến sĩ Gạc Ma 25 năm trước, ngoan cường và đoàn kết bảo vệ ngành cá tra bằng mọi hoạt động thiết thực. Để có thể thắng trong cuộc chiến đầy cam go không ngừng nghỉ này, cần biết mấy “Vòng tròn Gạc Ma” thiêng liêng được liên kết bằng những bàn tay xiết chặt của các DN VASEP!