Vụ tôm 2013: Giống sạch bệnh sẽ thành công
Nông dân các tỉnh ven biển ĐBSCL đang chuẩn bị thả nuôi vụ tôm mới với nỗi lo về chất lượng con giống và nguy cơ dịch bệnh sẽ gây khó khăn...
Thiếu giống
Vụ nuôi tôm nước lợ 2013, tỉnh Kiên Giang có kế hoạch thả nuôi 78.615 ha tôm sú theo hình thức quảng canh (tôm - lúa) ở vùng U Minh Thượng (gồm các huyện An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận) và 2.000 ha tôm công nghiệp (tôm sú và thẻ chân trắng) ở khu vực Hà Tiên - Kiên Lương.
Đến thời điểm này, nông dân vùng U Minh Thượng đã thu hoạch xong vụ lúa, đang lấy nước mặn vào để cải tạo vuông thả tôm giống. Tuy nhiên, nỗi lo lớn nhất của là lượng tôm giống SX tại chỗ còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu về số lượng, chất lượng con giống chưa cao.
Ngoài ra, giá cả vật tư, thức ăn, chế phẩm sinh học, chất xử lý cải tạo môi trường đều tăng, làm tăng chi phí SX. Mặc dù có diện tích thả nuôi tôm rất lớn nhưng toàn vùng chỉ có 16 cơ sở SX tôm sú giống với quy mô nhỏ, mỗi năm cung cấp ra thị trường được trên 100 triệu con giống, đáp ứng được khoảng 3% nhu cầu giống tại địa phương.
Vì vậy, nguồn tôm giống chủ yếu vẫn phải nhập từ các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau và các tỉnh khu vực miền Trung. Trong vùng hiện có 142 cơ sở ương vèo giống tôm sú, trong năm các cơ sở này đã nhập 375 triệu tôm sú giống về ương vèo và phân phối ra thị trường.
Do nguồn tôm giống được nhập từ nhiều nơi về nên không đồng đều, chất lượng kém, giá cả cũng rất khác nhau. Ông Nguyễn Văn Tâm ở xã Thuận Hòa, An Minh có 5 ha nuôi tôm sú theo hình thức quảng canh cho biết: “Thị trường tôm giống bây giờ rất bát nháo, giá nào cũng có, từ 20, 30 đồng đến hơn 100 đồng/con. Tôm nào cũng được giới thiệu là sạch bệnh, có kiểm dịch… Nhưng có khi thả nuôi chưa được 1 tháng đã chết sạch, nông dân lãnh đủ”.
Theo ông Tâm, phần lớn nông dân đều ít vốn, lại ham rẻ nên thường chọn loại tôm giống giá bèo để thả nuôi. Chính vì vậy mà nguồn tôm kém chất lượng vẫn được các thương lái nhập về bán cho dân. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tôm nuôi bi dịch bệnh, chết hàng loạt thời gian qua.
Khó quản lý
Vùng bán đảo Cà Mau có diện tích tự nhiên gần 1 triệu ha, bao gồm hai tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu và một số huyện của tỉnh Kiên Giang như An Biên, An Minh. Với hệ sinh thái đặc thù của vùng là mặn-ngọt-lợ đan xen đã tạo được một thế mạnh rất lớn trong nghề nuôi trồng thủy sản. Do đó, hằng năm bán đảo này cần đến hàng chục tỷ con tôm giống để phục vụ cho nghề nuôi tôm.
Cà Mau là địa phương có diện tích nuôi tôm lớn nhất khu vực ĐBSCL, với diện tích chiếm hơn 260.000 ha. Xác định thủy sản là thế mạnh của tỉnh nên địa phương này đã làm mọi cách để có được con giống sạch (chủ yếu là tôm giống) đáp ứng cho nhu cầu. Nhưng đến nay người nuôi tôm vẫn còn phải đứng trước “ngã ba đường” trong việc chọn lựa con giống.
Ông Châu Công Bằng, PGĐ Sở NN-PTNT Cà Mau, cho biết toàn tỉnh có hơn 800 trại SX tôm giống (trong đó ngoài quy hoạch hơn 200 trại), mỗi năm cần đến gần 18 tỷ tôm giống. Tuy nhiên, nguồn tôm giống cung ứng tại chỗ chỉ đáp ứng gần 50%, số còn lại là phải nhập tỉnh.
Nói về chất lượng con giống của các trại SX trong tỉnh, ông Bằng nhận định: “Chất lượng giống so với trước đã cao hơn nhiều. Ước đạt giống có chất lượng tốt chiếm khoảng 60%. Còn đối với nguồn tôm giống nhập tỉnh thì khó có thể kiểm soát được chất lượng của chúng”.
Ông Nguyễn Văn Vượng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Bạc Liêu nói: “Toàn tỉnh có gần 400 cơ sở SX tôm giống, hằng năm cung cấp ra thị trường khoảng 9 tỷ con giống, đáp ứng được hơn 40% nhu cầu của hộ nuôi tôm trên địa bàn. Trong số tôm giống SX ra hàng năm có 3 - 4% bị bệnh nguy hiểm, còn lại là một số bệnh thông thường như còi, chậm lớn…”.
Theo ông Vượng, sở dĩ số lượng tôm giống kém chất lượng chiếm con số khá lớn như vậy là do chỉ có khoảng 20% số cơ sở SX dám bỏ tiền đầu tư quy mô, sử dụng nguồn tôm bố mẹ tốt. Còn đối với các trại òn lại tuy có đầu tư nhưng không đáng kể nên cho ra con giống đủ kiểu chất lượng.
Trao đổi với NNVN về việc làm sao để quản lý nguồn giống nhập tỉnh vào các địa phương với số lượng lớn, ông Bằng và ông Vượng đều khẳng định là khó có thể quản lý. Nguyên nhân chính là do không thể kiểm tra được nguồn tôm giống nhập tỉnh tại gốc.
Một phần là do địa bàn rộng lớn, giống nhập tỉnh bằng nhiều con đường khác nhau trong khi lực lượng chuyên ngành thì còn quá mỏng…Bên cạnh đó thì ý thức chọn lựa của người nuôi cũng là một trong những nguyên nhân chính. Đa phần bà con còn ham mua nguồn giống trôi nổi, càng rẻ tiền càng tốt mà không quan tâm đến chất lượng.
Giá cả con giống chênh lệch lớn
Tôm giống tốt được xem là nguyên nhân dẫn đến thành bại của nghề nuôi tôm. Nếu như nguồn giống tốt tỷ lệ rủi ro chỉ chiếm khoảng 30%, nhưng đối với nguồn tôm giống trôi nổi thì tỷ lệ rủi ro lên đến hơn 70%. Dù biết thế, nhưng đa phần người nuôi vẫn chọn mua con giống trôi nổi hơn là vào các cơ sở SX có uy tín, vì giá cả có phần chênh lệch tương đối lớn.
Ông Huỳnh Thúc Bình, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Năm Căn (Cà Mau), cho biết, hiện tại tôm giống ở một số cơ sở có uy tín trên địa bàn có giá từ 60 - 75 đ/con, trong khi nguồn tôm giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc thì có giá “bèo”, chỉ khoảng 15-20 đ/con.
Ở Bạc Liêu, tôm giống có chất lượng cũng đang có giá đắt đỏ. Ông Hoàng Thể, PGĐ DNTN Tôm giống Kim Sa (TP Bạc Liêu), thông tin, hiện tại tôm sú giống của DN có giá bán 70 đ/con, thẻ chân trắng là 75 đ/con.
Trao đổi với NNVN về sự chênh lệch giá cả giữa con giống được kiểm dịch và con giống có nguồn gốc trôi nổi ngoài thị trường, nhiều người nuôi tôm ở Cà Mau đều có chung nhận định rằng, giống nào có chất lượng hay không chất lượng thì đối với họ cũng như “mù màu”. Thôi thì mua được càng nhiều con giống thả nuôi thì càng tốt.
Nói về vấn đề này, lão nông Nguyễn Văn Đành, ngụ huyện Cái Nước khẳng định: “Đối với những hộ có vốn thì không nói gì, còn đối với những hộ ít vốn thì chuyện mua con giống là chuyện phải đắng đo. Ví dụ như cầm 5 triệu đồng mà mua giống bên ngoài được một trăm, thậm chí vài trăm ngàn con, trong khi đến các cơ sở uy tín chỉ mua được chưa đầy 50 ngàn con, thì bà con chọn con số nhiều là cái chắc”.
Khi nói về mong muốn của mình, nhiều bà con nông dân cho rằng bên cạnh việc tăng cường kiểm soát nguồn tôm giống kém chất lượng ào ạt nhập vào tỉnh thì ngành chức năng cũng cần tính đến chuyện bình ổn giá cả mới là vấn đề quan trọng.
Dịch bệnh tiềm ẩn rủi ro
Trong khi nông dân nuôi tôm quảng canh lo ngại về chất lượng con giống thì các Cty nuôi công nghiệp lại lo về nguy cơ dịch bệnh. Phần lớn các Cty đầu tư nuôi tôm lớn đều khép kín từ khâu sản xuất giống, nuôi và chế biến XK nên chất lượng con giống được đảm bảo.
Theo ông Trần Chí Viễn, PGĐ Sở NN-PTNT Kiên Giang thì quy trình nuôi tôm - lúa đã có cả chục năm, quá trình nuôi đã bộc lộ một số hạn chế, dễ phát sinh dịch bệnh trên diện rộng. Vì vậy, Sở đang chỉ đạo các đơn vị chuyên môn xây dựng quy trình nuôi mới, hiệu quả hơn để chuyển giao cho dân.
Trước mắt, nông dân nên tuân thủ theo khuyến cáo, thả nuôi đúng lịch thời vụ, chọn mua con giống ở những cơ sở có uy tín, được kiểm dịch trước khi thả nuôi nhằm hạn chế rủi ro.
Ông Nguyễn Danh Hiện, Giám đốc Cty TNHH Thủy hải sản Minh Phú, Kiên Giang cho biết, diện tích ao nuôi của Cty là 500 ha. Tuy nhiên, đến giờ này chưa thả tôm giống được. Nguyên nhân do bất cập về hệ thống thủy lợi, các cống ven biển vẫn đóng để giữ nước ngọt cho SX lúa nên nước mặn không thể vào được, dẫn đến nhiều Cty nuôi tôm trong khu vực không có nước mặn để nuôi tôm.
Ngoài ra, tình trạng tôm nuôi bị dịch bệnh chết hàng loạt trong năm vừa qua cũng khiến cho các đơn vị nuôi tôm rất dè dặt. “Do chưa xác định được nguyên nhân tôm chết nên không thể đưa ra quy trình phòng ngừa dịch bệnh được. Vì vậy, trước mắt Cty chỉ thả nuôi một số ao thử nghiệm, nếu hiệu quả thì mới mở rộng ra toàn diện tích”, ông Hiện cho biết.
Ông Nguyễn Vân Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Kiên Giang cho biết, đến thời điểm này các đơn vị nuôi tôm công nghiệp trong tỉnh mới chỉ thả nuôi được 230/2.000 ha. Nguyên nhân chủ yếu là do năm qua tình hình dịch bệnh xảy ra nhiều, nhưng vẫn chưa xác định được nguyên nhân.
Do đó, vụ tôm mới này các đơn vị chưa mạnh dạn thả nuôi. Bên cạnh đó, hệ thống thủy lợi còn bất cập, chưa có hệ thống lấy nước mặn riêng biệt nên khó chủ động về nguồn nước, khiến nhiều đơn vị vào vụ chậm.