Vụ tôm 2019 – Vẫn chưa hết cơ hội
Sau lần tăng giá nhẹ vào ngày 11-6 đến nay, giá tôm gần như không có biến động gì lớn trong khi hầu hết các vùng nuôi tôm trọng điểm ở ĐBSCL đều đã vào thời điểm thu hoạch rộ. Còn theo dự báo của các doanh nghiệp, sớm nhất cũng phải đến đầu tháng 8 giá tôm mới tăng trở lại.
Theo bảng giá niêm yết của các doanh nghiệp, tôm thẻ loại 100 con/kg thấp nhất cũng được 78.000 đồng/kg, còn cao nhất lên đến 92.000 đồng/kg, nhưng trên thực tế mức giá mà người nuôi tôm bán được tại ao gần đây phổ biến trong khoảng 75.000 – 80.000 đồng/kg. Riêng tôm thẻ cỡ lớn (30 con/kg) luôn được giá cao hơn nhờ thị trường đang tiêu thụ mạnh cỡ tôm này nên nhìn chung chỉ có những diện tích nuôi tôm theo mô hình thâm canh hay ứng dụng công nghệ cao thu hoạch tôm cỡ lớn người nuôi mới có lời khá, còn phần lớn người nuôi tôm nhỏ lẻ đều cho biết vụ nuôi năm nay không có lời, thậm chí nhiều hộ nuôi bị thua lỗ.
Những diện tích nuôi tôm thâm canh vẫn còn cơ hội thu lợi nhuận cao từ đợt tăng giá những tháng cuối năm.
Từ trung tuần tháng 6, khi giá tôm loại 100 con/kg không nhiễm kháng sinh được doanh nghiệp thu mua với giá 80.000 đồng/kg và dự báo sẽ còn tăng thêm nhưng vẫn chưa đủ sức làm cho người nuôi yên tâm vì theo họ, với mức giá trên, nếu nuôi không khéo, gặp thời tiết thất thường vẫn không có lời, thậm chí còn bị lỗ. Ông Mai Văn Đấu – Giám đốc HTX Toàn Thắng cho biết: “Đầu năm đến giờ giá tôm quá thấp nên có rất ít người nuôi có lời, còn phần lớn là huề vốn hoặc thua lỗ. Ngay cả tôm nuôi trúng theo ASC mức lợi nhuận cũng không bằng những năm trước. Vừa rồi, tôi có nghe nói đến tháng 8 hoặc tháng 9 giá tôm sẽ tăng trở lại, nhưng lúc đó đâu có bao nhiêu người còn tôm”.
Nguyên nhân giá tôm ở mức thấp theo các doanh nghiệp chủ yếu là do các tỉnh đang vào vụ thu hoạch rộ, sản lượng tôm nhiều, trong khi các nhà máy thiếu hụt công nhân và rất khó trong việc khuyến khích công nhân tăng ca. Mặt khác, cùng thời điểm này, Thái Lan và Trung Quốc cũng vào vụ thu hoạch tôm nên các hợp đồng xuất khẩu được ký kết vẫn chưa có được mức giá tốt như mong đợi. Hiện tại, số diện tích đang còn tôm của Sóc Trăng là khá lớn, nhưng tại các tỉnh nuôi tôm trong khu vực ĐBSCL là không nhiều nên theo các doanh nghiệp khả năng gần như chắc chắn là từ cuối tháng 7 trở đi, lượng tôm sẽ bắt đầu khan hiếm trong khi nhu cầu mua vào của doanh nghiệp tăng lên, giá tôm sẽ tăng trở lại.
Một thông tin khác củng cố thêm khả năng giá tôm sẽ tăng từ cuối tháng 7 là việc Ấn Độ đang giảm diện tích nuôi khá mạnh, có thể lên đến 20% - 30% do nông dân nuôi tôm của họ bị thua lỗ vì giá thấp suốt những tháng đầu năm. Theo ông Võ Văn Phục – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, từ cuối tháng 7, sản lượng tôm thu hoạch sẽ ít đi, trong khi nhu cầu thu mua, chế biến phục vụ các đơn hàng đã ký kết trong quý II đến nay của các nhà máy sẽ tăng lên. Như vậy, những diện tích đang còn tôm, nếu chăm sóc tốt và đạt năng suất, người nuôi sẽ có cơ hội đạt lợi nhuận cao hơn.
Chia sẻ thêm về thông tin Ấn Độ giảm diện tích và sản lượng tôm, ông Phục cho biết: “Ấn Độ họ có rất nhiều vùng nuôi nên để có thông tin chính xác về diện tích cũng như sản lượng tôm của họ là rất khó. Tuy nhiên, có một điều gần như chắc chắn là sản lượng tôm cỡ lớn của họ năm nay sẽ không bằng mọi năm do họ nuôi không đạt. Vì vậy, gần đây, giá tôm thẻ cỡ lớn không còn sụt giảm mạnh như đầu năm mà tương đối ổn định nên những người nuôi đạt tôm thẻ cỡ lớn đều có lợi nhuận khoảng 30% trở lên”.
Còn theo ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, chuyện giá tôm tăng trở lại với các kích cỡ tôm trong thời gian tới là điều đã được dự báo trước, nhưng còn mức tăng bao nhiêu chưa thể nói trước được, bởi thị trường vẫn rất khó đoán định. Cũng theo ông Lực, sản lượng tôm chế biến của Sao Ta trong 5 tháng đầu năm có phần sụt giảm so với cùng kỳ, nhưng đã bắt đầu tăng trở lại từ tháng 6 do Sao Ta đã bắt đầu có nhiều đơn hàng hơn. Cụ thể, ngay trong tháng 6, Sao Ta bắt đầu khởi động sự tăng tốc bằng mức doanh số bán hàng 14,6 triệu USD, tăng 2 triệu USD so với tháng 5. Tuy nhiên, do đơn giá xuất khẩu tôm trong 6 tháng đầu năm thấp nên doanh số tiêu thụ tôm trong 6 tháng đầu năm của công ty chỉ đạt 73,2 triệu USD, bằng 97% so với cùng kỳ, dù sản lượng tiêu thụ bằng 106,7% so với cùng kỳ.
Hiện nay, phần lớn diện tích nuôi nhỏ lẻ đều đã ngưng thả nuôi, một phần do giá tôm thấp, phần khác do độ mặn tại nhiều vùng nuôi đã không còn phù hợp, trong khi các diện tích này đều không có hệ thống ao lớn để tích trữ nước mặn. Điều này cũng đồng nghĩa với cơ hội sẽ rõ rệt hơn, lớn hơn đối với những vùng nuôi còn độ mặn, những diện tích nuôi thâm canh, siêu thâm canh khi nhu cầu của các nhà máy chế biến tăng cao vào những tháng cuối năm.