TIN THỦY SẢN

Vụ tôm thẻ chân trắng Quãng Ngãi: Mất mùa, rớt giá

"Mất mùa, rớt giá" nên nhiều hộ nuôi tôm đã "treo hồ", dù hồ nuôi được đầu tư kiên cố. Mỹ Hoa

Giá tôm thương phẩm liên tục rớt giá, nên người nuôi tôm thẻ chân trắng trong tỉnh không mặn mà đầu tư, tổ chức nuôi thâm canh như những năm trước.

Đìu hiu vùng tôm

Lẽ ra vào thời điểm này, những vùng nuôi tôm trên cát sẽ vào vụ thu hoạch chính. Tuy nhiên, tại những “vựa tôm” một thời như Đức Minh (Mộ Đức), Tịnh Khê và Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi), Phổ Quang (Đức Phổ) lại khá vắng vẻ, vì giá tôm giảm mạnh.

“Thời tiết và giá bán đều không ủng hộ người nuôi tôm, nên sản lượng thấp, giá tôm nguyên liệu lại giảm sâu nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Vì vậy, người nuôi tôm thua lỗ nặng”, ông Võ Y, ở xã Phổ Quang cho biết.

Theo ông Y, thời điểm sau tết Nguyên đán đến tháng 8 hằng năm được xem là “mùa vui” của người nuôi tôm. Thế nhưng, những năm gần đây, nhất là từ sau tết Nguyên đán đến nay, giá tôm thương phẩm liên tục giảm mạnh, có thời điểm chỉ còn 70 - 75 nghìn đồng/kg (loại 100 con/kg). Không những mất mùa, rớt giá, nhiều diện tích tôm còn bị dịch bệnh, do thả nuôi trái vụ, nên người nuôi tôm bị thiệt hại kép.

Theo Chi cục Thủy sản, trong 6 tháng đầu năm, diện tích thả nuôi tôm thẻ chân trắng trên 409ha, nhưng có đến 80ha thả nuôi trước vụ, nên nhiều diện tích tôm bị bệnh và chết sớm. “Hầu hết các vùng nuôi tôm trên cát chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước cấp và nước thải đạt yêu cầu. Vì vậy, sau một thời gian nuôi, môi trường nước và xung quanh có biểu hiện ô nhiễm, tôm thường xuyên bị bệnh”, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đỗ Thị Thu Đông lý giải.

Nguyên nhân do đâu?

Nguyên nhân xảy ra thực trạng trên, theo Chi cục Thủy sản là do nhiều thị trường nhập khẩu tôm nguyên liệu của nước ta đã đầu tư mở rộng quy mô nuôi; đồng thời siết chặt các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm của tôm nguyên liệu nhập khẩu. Bên cạnh đó, tôm thẻ chân trắng có ưu thế là thời gian thu hoạch nhanh (quay vòng 3 vụ nuôi/năm), năng suất vượt trội và thị trường dễ tiêu thụ hơn so với tôm sú. Vì vậy, một thời gian dài, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng phát triển ồ ạt, nên sản lượng tôm nguyên liệu trong nước bị thừa, dẫn đến tình trạng ứ đọng.

Để giảm thiểu rủi ro và thiệt hại, nhiều hộ nuôi tôm trong tỉnh đã theo dõi sát tình hình thời tiết và thực hiện theo các khuyến cáo của ngành chức năng. Đó là, chỉ nuôi thâm canh 2 vụ/năm, nuôi xen ghép tôm với cá dìa, cá chẽm... hay áp dụng phương thức nuôi sinh học, hạn chế sử dụng thức ăn tổng hợp và thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời và rất ít hộ có nguồn lực áp dụng, còn phần lớn vẫn nuôi theo kiểu phong trào.

Chính vì vậy, để ổn định nghề nuôi tôm trên cát, về lâu dài, Chi cục Thủy sản đã xây dựng các dự án nuôi tôm tập trung; đồng thời tham mưu Sở NN&PTNT kiến nghị UBND tỉnh xem xét bố trí kinh phí đầu tư đồng bộ hạ tầng vùng nuôi, để thuận lợi trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào nuôi tôm, đảm bảo sản lượng và chất lượng, cũng như các tiêu chí về an toàn thực phẩm.

Đề xuất xây dựng vùng nuôi tôm tập trung

Đó là 7 dự án: Xây dựng hạ tầng vùng nuôi tôm trên cát; nuôi tôm sử dụng điện năng lượng mặt trời tại xã Phổ Khánh (Đức Phổ), với diện tích 74ha; nuôi tôm công nghiệp vùng đất cát xã Đức Minh (Mộ Đức), với diện tích 50ha; Đầu tư hệ thống xử lý nước thải nuôi tôm trên cát xã Đức Phong (Mộ Đức), với diện tích 25ha; Đầu tư hạ tầng vùng nuôi thủy sản tập trung trên biển Lý Sơn, với 30 bè nuôi; Hạ tầng vùng nuôi tôm xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa), với diện tích 26,5ha; Khu sản xuất giống thủy sản mặn lợ tập trung tại xã Đức Phong, với diện tích 20ha.

Mỹ Hoa Báo Quảng Ngãi