'Vua cá' Tây Nguyên với bí quyết bán ra 6.000 tấn/năm
Theo thống kê của cơ sở cá giống Tá Tiến, giai đoạn 2000-2010, cơ sở xuất bán ra thị trường 1.500 tấn cá/năm; nhưng đến giai đoạn 2011-2014, sản lượng cá thịt tăng lên 3.000 tấn/năm và trong 2 năm gần đây
Năm 2016 Tá Tiến đã được Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam tôn vinh là 1 trong 100 thương hiệu vàng…
Cá giống cơ sở xuất bán 15 tấn/năm, còn cá thịt bán ra 6.000 tấn/năm (gồm cả sản lượng cá anh Tá bao tiêu cho hàng trăm hộ dân). Cũng theo anh Tá, hiện có khoảng 250 hộ nuôi cá do anh đầu tư đang có lãi từ 100-250 triệu đồng/năm. Riêng với Nguyễn Hữu Tá, sau khi trừ chi phí, anh thu lãi 1,5 - 2 tỷ đồng/năm.
Tầm sư học nghề
Tá kể rằng, anh theo cha mẹ vào Đăk Hà lập nghiệp lúc mới 10 tuổi. Tốt nghiệp phổ thông, bởi cha mẹ đông con (6 anh em), Tá không có điều kiện học lên, phải tính con đường vừa lập thân vừa giúp cha mẹ. Nhưng lối nào đây?… Rồi ý tưởng một hôm chợt lóe lên: “Sao mình không làm nghề nuôi cá?”. Đăk Hà sông hồ không ít và bây giờ lại thêm bao nhiêu hồ thủy điện. Còn đầu ra khỏi lo với vùng đất cao nguyên mênh mông đang khát cá tươi này…
“Tôi xin vào làm công nhân cho Công ty thủy sản Đăk Lăk - Tá nhíu mày như cố hồi tưởng chi tiết nào đáng nhớ cho câu chuyện. Công việc cũng nhàn nhưng bởi chủ tâm học nghề nên việc nào dù không phải của mình tôi cũng tham gia. Thấy tôi siêng năng, ham học hỏi, ông giám đốc nhiệt tình chỉ bảo, đồng thời giao cho công việc khó nhất là ương giống. Phải nói ông giám đốc là người tay nghề cực giỏi, lại giàu cái tâm. Sau hơn một năm miệt mài tích lũy, cầm chắc trong tay mọi bí quyết nghề nghiệp rồi, tôi xin thôi việc trở về Đăk Hà để theo đuổi ý tưởng…”.
Mở nghề cho cả huyện
Cái nắng như lửa táp cuối mùa khô hắt vào từ mặt đường càng nồng thêm mùi cá… Ngồi với Tá mới chừng nửa giờ, tôi đã đếm được 6 cuộc gọi, 3 lần dừng chuyện vì khách đến lấy hàng… Quản lý nguồn vốn 20 tỷ đồng đầu tư cho 300 hộ nuôi cá; mỗi năm xuất 6.000 tấn cá thịt, hàng chục tấn cá giống, bận rộn là đương nhiên. Tá thở hắt: Ấy là còn nhờ 15 lao động thường xuyên và anh em trong nhà giúp…
“Từ hai bàn tay trắng, 45 tuổi đã trở thành ông chủ quản lý một cơ nghiệp quả cũng đáng nể?” - trả lời câu hỏi của tôi, Tá cười: “Cũng phải nhiều kiên trì, vất vả mới được đó… Năm 1994, sau khi thành nghề ở Đăk Lăk về, ý tưởng khởi nghiệp của tôi tưởng không thể thực hiện được. Mặt bằng không có, diện tích ao nuôi chỉ vỏn vẹn 15m2; vay vốn ngân hàng thì khó khăn mà chỉ được 5 triệu đồng là kịch… Sau nhiều suy nghĩ tôi thấy muốn nuôi được nghề phải đi lên từ nghề. Vậy là tôi quyết định làm dịch vụ để tích lũy vốn. Đầu tiên tôi lấy cá giống các nơi về tuyển chọn lại rồi bán, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ nuôi. Tiến thêm một bước, tôi nhận cung cấp thức ăn, bao tiêu cá cho họ… Mất 6 năm trời mới có được chút vốn để mua đất, xây hồ, gây dựng dần nên cơ sở này…”.
Mỗi năm thu lãi ròng 1,5 đến 2 tỷ đồng cũng là lớn, nhưng nếu chỉ lấy tiền để tuyệt đối hóa thước đo thì Tá phải đứng sau nhiều “đại gia” nghề nông ở xứ cao nguyên. Thế nhưng, điều không ai làm được như Tá là anh mở nghề rồi mang lại nghề mới cho cả một huyện, thậm chí đang lan tỏa ra cả tỉnh…
Công bằng thì trước Tá một số hộ công nhân cà phê ở Bắc vào cũng đã nuôi cá, nhưng là nuôi nhỏ lẻ, năng suất thấp, chi phí cao. Chính Tá đã mang lại cho họ kỹ thuật nuôi công nghiệp. Nếu trước đây nuôi kiểu truyền thống, năm chỉ thu một vụ, sản lượng mỗi ha mặt nước chỉ chừng 1 tấn, thì nay với kỹ thuật nuôi mới, năm họ thu 2 lứa, năng suất đạt tới 50 tấn/ha…
Tá “hạch toán” cho tôi nghe: Mỗi kg cá đầu tư khoảng 20.000 đồng nhưng bán ra được 30.000 đồng. Lấy sản lượng trung bình 50 tấn/ha nhân với số lãi thì dễ dàng tính được nuôi cá cho lãi gấp 7 lần so cùng một diện tích cà phê. Chẳng thế mà nhiều hộ nhờ Tá đầu tư đã trở thành tỷ phú…
Bày cách cho... “vua cá”
Trong số 300 hộ do Tá đầu tư 250 hộ có lãi từ 100 – 250 triệu đồng/năm. Điều đặc biệt có ý nghĩa là không chỉ với người Kinh, chính Tá đã mang lại “nghề chưa từng có” cho đồng bào dân tộc… Năm 2015, tin ở xã Đăk Uy đang phát triển nghề nuôi cá đã khiến tôi tò mò tìm đến và người ta đã giới thiệu cho tôi “vua cá” A Thoại. “Vua cá” có một ao nuôi rộng chừng 2.000m2, vừa thu hoạch xong lãi được 20 triệu đồng. Ông hồ hởi: “So với người Kinh ăn thua gì đâu, nhưng ở đây thì mình nhất đấy”. Rồi ông tặc lưỡi: “Lời lãi chưa nói, cứ có được con cá tươi ăn là sướng đã. Hồi trước bà con dân tộc muốn có cá ăn chỉ biết ra sông ra suối mò. Giờ thì ưng lúc nào là có lúc ấy. Cũng là nhờ Tá bày cách cho”. Thì ra Tá ấy chính là… Nguyễn Hữu Tá.
Nghe tôi kể, Tá cười: “Tôi mở nghề cho 30 hộ, hỗ trợ giống cho cả 2.000 hộ đồng bào ở các huyện ấy chứ. Phần lớn bà con chỉ mới dừng lại ở mức tự cung tự cấp, nhưng mỗi bữa ăn họ có được chút cá tươi, lúc hội hè không phải đi mua thứ cá bán rao đắt đỏ cũng là tốt lắm rồi…”.
Mang lại nghề cho cả huyện đã tỏ cái “tâm”, nhưng với Tá, giúp họ giữ nghề, làm giàu được bằng nghề mới là trọn vẹn. Thế nên, bỏ vốn hai chục tỷ đồng, bao trọn vẹn từ kỹ thuật, con giống, thức ăn, đến đầu ra mà Tá không tính lãi của ai một đồng. Làm ăn, tất nhiên không ai không mưu lợi, nhưng với Tá thì khác. Anh kiếm lợi nhưng không phải từ công sức người nuôi - nghĩa là những người được anh đầu tư đó chỉ có một nghĩa vụ là bán cá cho anh theo giá thỏa thuận; còn lời lỗ sau đó là do nỗ lực của anh trên thương trường.
Làm ăn thời buổi bây giờ, đã không phải bỏ vốn, lại yên tâm về đầu ra của sản phẩm, còn gì hơn thế? Chưa hết, với những hộ khó khăn, Tá luôn tính giá đầu tư thấp hơn; người nghèo thì chỉ bằng 30 – 50%. Hướng dẫn kỹ thuật tại gia rồi, Tá còn tổ chức những lớp tập huấn tập thể lúc đông đến 300 người, bao cả ăn uống. Hộ nuôi cá giỏi, Tá tặng cả quạt, tivi… Không giữ riêng cho mình bí quyết nghề nghiệp gì, Tá còn chuyển giao cả “bảo bối” kỹ thuật ươm giống cho 15 hộ. Hỏi sao không giữ độc quyền, Tá chỉ gọn lỏn: “Tôi chẳng ham tiền”.
Bây giờ tôi đã hiểu vì sao người ta đặt tên cá của anh là “Tá Tiến” (Tiến là con trai Tá). Đã rõ là một thương hiệu, nhưng sâu xa – nó còn là sự hàm ơn – mộc mạc dân dã họ cảm nhận được từ cái “tâm” của một con người biết sống và biết cho...