TIN THỦY SẢN

Vựa tôm miền Tây hướng đến sản xuất lớn

Doanh nghiệp và người nuôi tôm miền Tây đã và đang có cách nghĩ, cách làm hướng đến sản xuất lớn. Ảnh: X.TRƯỜNG Nguyễn Tiến

Vùng ĐBSCL có 621.000ha nuôi tôm, chiếm 91,2% tổng diện tích nuôi cả nước, tập trung ở các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang với 2 loài là tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Biến đổi khí hậu và nước biển dâng vừa là nguy cơ nhưng cũng là cơ hội ĐBSCL phát triển nghề nuôi tôm. Trước thực trạng này, lãnh đạo các tỉnh, doanh nghiệp và người nuôi tôm miền Tây đã và đang có cách nghĩ, cách làm hướng đến sản xuất lớn.

Hợp tác, liên kết

Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết: "UBND tỉnh có quyết định thành lập Tổ công tác nhằm rà soát, xây dựng đề án nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững nghề nuôi tôm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030".

Hiện tại, Cà Mau có khoảng 278.000ha nuôi tôm, chiếm 40% diện tích nuôi tôm cả nước. Trong đó, nuôi tôm siêu thâm canh 175ha, thâm canh 9.600ha, quảng canh cải tiến 95.000ha và nuôi tôm quảng canh truyền thống 173.000 ha. Hiện nay, Cà Mau có 34 nhà máy chế biến với công suất 150.000 tấn tôm thành phẩm/năm. Năm 2016, sản lượng tôm Cà Mau đạt 146.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu tôm gần 1 tỉ USD, chiếm 33% kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước.

Đầu năm 2017, Tập đoàn thủy sản Minh Phú- nhà sản xuất và xuất khẩu tôm hàng đầu, đã quyết định thành lập Công ty cổ phần xã hội chuỗi tôm- rừng Minh Phú, với vốn đầu tư 18 tỉ đồng, tại ấp Biện Nhạn, xã Viên An Đông (huyện Ngọc Hiển, Cà Mau). Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn thủy sản Việt- Úc nói: "Chúng tôi cùng bà con nuôi tôm cho ra sản phẩm đặc trưng tôm sinh thái, giá trị gia tăng, có sức cạnh tranh cao. Nhu cầu tôm sinh thái rất lớn vì có giá trị dinh dưỡng cao và người ăn tôm có cách ứng xử bảo vệ môi trường. Chuỗi tôm- rừng vừa nâng giá trị con tôm, vừa bảo vệ rừng".

Hiện tại, Cà Mau được các tổ chức quốc tế chứng nhận sản phẩm sinh thái tôm- rừng trên 11.000ha mặt nước, với giá bán cao hơn 20% tôm cùng loại. Ông Lê Văn Quang nói: "Tiềm năng phát triển tôm sinh thái tại Cà Mau rất lớn, không giới hạn 30.000ha mặt nước rừng ngập mặn mà còn diện tích lúa- tôm đang rộng mở. Công ty cổ phần xã hội chuỗi tôm- rừng Minh Phú xem ao nuôi tôm của bà con là địa chỉ cung cấp nguyên liệu. Chúng tôi giúp bà con chọn con giống sạch, kỹ thuật nuôi, qui trình thu hoạch... theo tiêu chuẩn quốc tế, có chỉ dẫn địa lý, có xuất xứ rõ ràng và lo thủ tục chứng nhận. Khi đã được chứng nhận sinh thái tôm- rừng thì mỗi công đoạn sẽ là một sao, tăng dần giá trị".

Xây dựng mô hình hiệu ứng

Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, nói: "Bạc Liêu chủ động phát huy vai trò gắn kết tôm vùng ĐBSCL bằng cách xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu. Bên cạnh đó, tỉnh xây dựng vùng an toàn dịch bệnh về tôm xuất khẩu sang Úc và phát triển vùng nuôi tôm sạch". Bạc Liêu đứng thứ 2 cả nước về diện tích nuôi tôm, sản xuất tôm giống đứng nhất vùng ĐBSCL và đứng đầu cả nước về ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm.

Đề án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Bạch Liêu có vị trí tại xã Hiệp Thành, TP Bạc Liêu với diện tích 418,91ha. Trong đó, Khu trung tâm do nhà nước đầu tư hạ tầng và quản lý, rồi chuyển đổi dần mô hình sang doanh nghiệp quản lý. Ông Dương Thành Trung cho biết: Mục tiêu của đề án là hỗ trợ, tác động, lan tỏa ngành công nghiệp tôm cho tỉnh Bạc Liêu nói riêng và bán đảo Cà Mau, ĐBSCL nói chung. Những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao là tư vấn, chuyển giao công nghệ, trình diễn, phổ biến nhân rộng mô hình, ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, huấn luyện, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nông dân nuôi tôm công nghệ cao... "Lợi thế của Bạc Liêu là trung tâm vùng trọng điểm nuôi tôm cả nước, là tỉnh đi đầu nuôi tôm trên theo nền tảng công nghệ cao, siêu thâm canh" - ông Dương Thành Trung khẳng định.

Từ năm 2011, Công ty Việt Úc- Bạc Liêu nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kín, tại xã Vĩnh Thịnh (Hòa Bình), quy mô 50ha. Hiện nay, Công ty triển khai nuôi tôm siêu thâm canh thêm 300ha tại xã Vĩnh Trạch Đông (thành phố Bạc Liêu). Ông Đặng Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Phó Tổng Giám đốc Công ty, nói: "Thành công của Công ty là nhờ làm chủ nguồn tôm bố mẹ thông qua công nghệ gene, phát triển công nghệ Novack trong thức ăn (chiết xuất vi sinh vật biển để cấy vào phụ phẩm nông nghiệp như trấu, bã mía...nuôi và sấy khô làm thức ăn cho tôm), công nghệ nuôi trong nhà kín (nhà màng Israel) và lọc nước tuần hoàn, chủ động kiểm soát về môi trường, đảm bảo an toàn sinh học, ứng dụng điện toán đám mây để tự động hóa quản lý đo lường, cảnh báo các chỉ số môi trường, cho tôm ăn tự động...". Công ty Việt Úc- Bạc Liêu xây dựng vùng đệm phục vụ nuôi tôm an toàn dịch bệnh theo các tiêu chí, tiêu chuẩn của phía Úc. Tôm nuôi từ vùng này sẽ được phép xuất khẩu nguyên con sang Úc, mở ra "cánh cửa" đi vào các thị trường có tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe khác như Mỹ, EU... và mang thương hiệu tôm Việt Nam do Công ty Việt Úc- Bạc Liêu xây dựng.

Tại vùng ven biển xã Vĩnh Trạch Đông (thành phố Bạc Liêu), Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trúc Anh (Cty Trúc Anh) đầu tư nuôi tôm thẻ thâm canh trong nhà kính, thử nghiệm thành công mô hình nuôi 2 giai đoạn, không sử dụng kháng sinh, hóa chất (chỉ sử dụng vi sinh, công nghệ Bioblock). Kỹ sư Lê Anh Xuân, Giám đốc Cty Trúc Anh cho biết: Ưu điểm của mô hình là ít phải thay nước, thân thiện môi trường, giảm chi phí và tăng năng suất. Hệ số sử dụng 0,85-1kg thức ăn/kg tôm thành phẩm (các mô hình khác là 1,4-1,6), sản lượng nuôi đạt 100-120 tấn/ha/năm. 

Nguyễn Tiến Báo Cần Thơ, 28/02/2017