Vực dậy con tôm càng xanh
Từ một địa phương đi đầu vùng ĐBSCL về phong trào nuôi tôm càng xanh với diện tích thả nuôi có thời điểm lên đến 650 héc-ta (năm 2007) nhưng sau đó cứ sụt giảm liên tục. Dù biết loài thủy sản này có giá trị rất lớn nhưng người dân không dám đầu tư thả nuôi nhiều bởi năng suất không đạt, dễ thua lỗ. Nếu được hỗ trợ đúng hướng, tôm càng xanh hoàn toàn có thể trở thành mặt hàng chiến lược của tỉnh trong xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.
Nhớ thời hoàng kim
Cách nay khoảng 10 năm, nhiều nông dân ở một số xã vùng trong của huyện Châu Phú xem con tôm càng xanh là hướng đi “đổi đời”. Họ thành lập hẳn Chi hội tôm càng xanh Thạnh Lợi, tập hợp được 35 hội viên cùng nhau thả nuôi hơn 100 héc-ta tôm càng xanh trên ruộng lúa. “Sau khi kết thúc vụ lúa đông xuân, thay vì canh tác tiếp vụ hè thu thì các hội viên bơm nước vào ruộng để nuôi tôm. Thời điểm đó, người nuôi tôm vùng này đặt mua tôm giống của Trung tâm Giống thủy sản An Giang (TTGTS AG), bình quân thả 100.000 con giống/héc-ta có thể thu hoạch đạt trên 2 tấn tôm thịt, hiệu quả gấp nhiều lần lúa. Sau này, con giống thiếu hụt, nông dân phải tự tìm đến các trại giống ngoài tỉnh nhưng do con giống không đạt chất lượng nên năng suất tôm rớt dưới 1 tấn/héc-ta. Thấy nuôi không có lời nên lần lượt các hộ bỏ nghề, chuyển qua làm lúa như cũ” - ông Lê Công Danh, Chi hội trưởng Chi hội tôm càng xanh Thạnh Lợi, nhớ lại.
Tương tự, thời điểm 2006 – 2007 được coi là thời hoàng kim của vùng tôm Phú Thuận (Thoại Sơn) khi diện tích được mở rộng lên 615 héc-ta, thu hút rất nhiều người về đây thuê đất ruộng để nuôi tôm. UBND huyện Thoại Sơn đã xây dựng Đề án nuôi tôm càng xanh và được Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phê duyệt với kinh phí hỗ trợ 60 tỷ đồng, dự kiến mở rộng lên 1.500 héc-ta sang các xã Vĩnh Khánh và Vĩnh Chánh. Tuy nhiên, chỉ vài năm sau đó, do giá tôm liên tục biến động, chi phí đầu tư cao, việc tiếp cận vốn vay gặp khó, trong khi con giống không đảm bảo chất lượng, năng suất giảm khiến diện tích nuôi tôm bị thu hẹp dần.
Tìm giải pháp
Qua nghiên cứu của các ngành chuyên môn, viện, trường, điều kiện ở An Giang rất thích hợp với nghề nuôi tôm càng xanh. Vấn đề cần giải quyết là cải tạo chất lượng con giống, cung ứng nguồn thức ăn đạt chuẩn, ứng dụng kỹ thuật nuôi mới, hỗ trợ vốn vay, xử lý vấn đề nguồn nước ô nhiễm… Đây cũng là những nội dung được đề cập đến tại hội thảo đánh giá thực trạng nghề sản xuất giống và nuôi tôm càng xanh ở An Giang, do Sở NN-PTNT phối hợp các chuyên gia của Trường đại học Nông lâm (ĐHNL) TP. Hồ Chí Minh và Trường đại học Cần Thơ (ĐHCT) đồng chủ trì tổ chức.
Là một chuyên gia đến từ Israel, đất nước nổi tiếng về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có công nghệ tôm càng xanh toàn đực, ông Eyal Avioz (Tập đoàn Tiran) cảm thấy lo lắng trước tình trạng ô nhiễm môi trường. “Các bạn được thiên nhiên ưu đãi nguồn nước ngọt dồi dào, thích hợp nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, ý thức bảo vệ nguồn tài nguyên này của người dân vẫn còn kém. Tôi đi dọc theo các con sông, thấy rác nổi lềnh bềnh. Trong các ao nuôi tôm hoặc cá, nguồn nước cũng ô nhiễm” – ông Eyal Avioz chia sẻ. Vị chuyên gia Israel đã thành lập Công ty TNHH New Horizon Việt Nam (thuộc Tập đoàn Tiran) để hỗ trợ giải quyết vấn đề này. “Tại Israel, công nghệ xử lý nước NBS được sử dụng rất phổ biến. Nguyên lý của công nghệ này là sử dụng một loại cây tự nhiên có khả năng lọc nguồn nước ô nhiễm thành nước sạch. Chi phí đầu tư cho công nghệ NBS tuy hơi lớn nhưng có thể sử dụng liên tục trong 30 năm. So với các giải pháp lọc nước chỉ dùng được một vài lần, công nghệ NBS cho hiệu quả cao hơn rất nhiều” - ông Eyal Avioz nhấn mạnh.
Theo Chi cục Thủy sản An Giang, đến cuối năm 2006, thời điểm nghề nuôi tôm càng xanh đang phát triển mạnh thì trên địa bàn tỉnh có 19 cơ sở sản xuất giống, năng lực sản xuất khoảng 30 – 40 triệu con post/năm. Tuy nhiên, số lượng này chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu con giống của người nuôi tôm trong tỉnh, 50% còn lại mua trôi nổi trên thị trường, giống chưa qua kiểm dịch, chất lượng không ổn định. Đến nay, toàn tỉnh chỉ còn duy nhất 1 cơ sở đang hoạt động là Trại sản xuất giống tôm càng xanh toàn đực của TTGTS AG, hợp tác sản xuất với Công ty TNHH New Horizon Việt Nam. Tuy nhiên, năng lực cung cấp của Trại sản xuất giống chỉ đạt 20 triệu post/năm, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người nuôi. Theo ông Trần Phùng Hoàng Tuấn, Phó Giám đốc TTGTS AG, để giải quyết bài toán con giống, đơn vị đề xuất Bộ Khoa học – Công nghệ (KH-CN) hỗ trợ thực hiện đề tài nghiên cứu lựa chọn giống tôm càng xanh bố mẹ có chất lượng tốt cung cấp cho các trại giống sản xuất tôm của tỉnh An Giang để nâng cao chất lượng con giống. “Về lâu dài, chúng tôi đề xuất Sở NN-PTNT, Sở KH-CN hỗ trợ TTGTS AG thực hiện xã hội hóa sản xuất con giống tôm càng xanh toàn đực theo hình thức trại giống tôm cành xanh 2 cấp. Trong đó, cấp 1 là TTGTS AG, nơi cung cấp ấu trùng, tập huấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ sản xuất tôm càng xanh toàn đực và hỗ trợ tiêu thụ tôm giống cho các trại cấp 2 (trại vệ tinh). Trại giống tôm cấp 2 là các cơ sở sản xuất giống tôm trong tỉnh, có đủ cơ sở vật chất và nguồn nhân lực để tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ TTGTS AG. Thông qua cách làm này, TTGTS AG có thể đảm bảo cung cấp đủ 100% nhu cầu giống tôm càng xanh toàn đực cho tỉnh” – ông Tuấn nhấn mạnh.
Bên cạnh quy hoạch vùng chuyên canh tôm càng xanh ứng dụng công nghệ cao ở Thoại Sơn và Châu Phú, tỉnh còn triển khai dự án tăng cường khả năng thích ứng và quản lý nước cho vùng thượng nguồn sông Cửu Long (vốn vay của WB). Dự kiến đến năm 2021, sẽ quy hoạch vùng nuôi tôm càng xanh ở An Phú với diện tích 1.000 héc-ta.