TIN THỦY SẢN

Vùng nuôi cá tra khép kín quy mô lớn ở Đồng Tháp

Nuôi cá tra là ngành nghề chủ lực của tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Công Hân Nhất Linh

Nghề nuôi cá tra là một trong 6 ngành nghề nằm trong khuôn khổ tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp và hiện nay tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô lớn tại các huyện Thanh Bình, Tam Nông, Tân Hồng, Châu Thành và huyện Cao Lãnh.

Nhận diện vùng nuôi thông qua mã số

Tỉnh Đồng Tháp đã cấp mã số nhận diện vùng nuôi với gần 100% diện tích nuôi cá tra thương phẩm (hơn 1.509ha); trong đó, 60% diện tích thả nuôi cá tra đạt chuẩn quốc tế (quy chuẩn VietGAP, GlobalGAP và ASC), có 96 cơ sở thực hiện cam kết sản xuất thực phẩm an toàn, cơ sở sản xuất, kinh doanh giống, sát hạch kiến thức về an toàn thực phẩm cho 328 lượt người là chủ cơ sở và người quản lý trực tiếp.


 60% diện tích thả nuôi cá tra đạt chuẩn quốc tế (quy chuẩn VietGAP, GlobalGAP và ASC). Ảnh: Tepbac.

Để kịp thời khuyến cáo, cảnh báo cho người nuôi các yếu tố bất lợi và áp dụng biện pháp kỹ thuật để phòng tránh tỉnh đã chủ trương cấp 41 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Vùng sản xuất trên địa bàn tỉnh

Vùng sản xuất cá tra giống ở tỉnh Đồng Tháp được tập trung ở các huyện Hồng Ngự, Châu Thành và Cao Lãnh với tổng diện tích 880ha, 70 cơ sở sản xuất giống, 78 cơ sở sản xuất và kinh doanh giống thủy sản về việc thực hiện công bố theo tiêu chuẩn cơ sở và ghi nhãn hàng hóa theo quy định và 1.270 cơ sở sản xuất và ương dưỡng giống cá tra.


Vùng sản xuất cá tra giống ở tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Tepbac.

Mỗi năm, các cơ sở sản xuất 25 tỷ con cá tra bột và 1,8 tỷ con cá tra giống. Năng suất cá tra từ 213 tấn/ha năm 2014, đến nay lên 222 tấn/ha năm nhờ việc ứng dụng khoa học kỹ thuật và kỹ thuật mới trong nuôi trồng. Bên cạnh đó, chuỗi liên kết và hợp tác trong sản xuất cá tra tại tỉnh đã phát triển tương đối bài bản và khép kín. Tỉnh hiện có 2 hợp tác xã, 1 tổ hợp tác và 1 hội quán hoạt động sản xuất và dịch vụ phục vụ ngành hàng cá tra và 20 doanh nghiệp nuôi cá tra xuất khẩu.

Liên kết thông qua hợp tác xã

Hình thức nuôi gia công, nổi bật các công ty tham gia đặt hàng nuôi cá tra gia công với người dân như Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Chế biến Thủy sản Hoàng Long, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đa quốc gia IDI, Công Ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hùng Cá…


Phổ biến hình thức nuôi cá tra liên kết hoặc gia công cho doanh nghiệp chế biến. Ảnh: Ablephoto

Lợi ích lớn nhất của việc thành lập các HTX, THT là tạo ra sự liên kết giữa các hộ dân, mở rộng quy mô nuôi trồng, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, chọn lựa con nuôi có giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện môi trường đất đai, nâng cao được sức cạnh tranh trên thị trường và tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Các hộ nuôi nhìn chung đều có hợp đồng liên kết hoặc gia công cho các doanh nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh theo hình thức hợp tác trực tiếp hoặc thông qua HTX, THT.

Hoạt động chế biến và xuất khẩu

Việc chế biến cá tra ngày càng phát triển. Hoạt động chế biến và xuất khẩu cá tra đã được cải thiện, quản lý chất lượng hàng xuất khẩu ngày càng nghiêm ngặt. Cơ cấu sản phẩm đã thay đổi, tăng số lượng sản phẩm giá trị gia tăng, phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng và sử dụng phụ phẩm cá tra chế biến thức ăn gia súc.


Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh: Cảnh Kỳ

Nhìn chung, thị trường xuất khẩu của cá tra hiện nay rất đa dạng - từ các thị trường yêu cầu thấp như châu Á-Trung Đông, Trung Quốc đến các thị trường cao cấp hơn như châu Âu, Mỹ. Tính đến nay mặt hàng cá tra của tỉnh đã mở rộng thị trường xuất khẩu sang 134 quốc gia. Đối với năm 2022, tỉnh Đồng Tháp đưa ra mục tiêu thả nuôi 2.200ha diện tích cá tra, tăng 4,7% so với năm 2021 với sản lượng 495.000 tấn, tăng 1,8% so với năm 2021. Sản lượng cá tra bột 24 tỷ con, tăng 28,3% so với năm 2021. Sản lượng cá tra giống hơn 1,7 tỷ con, tăng 55,4% so với năm 2021.

Ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành hàng cá tra trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Tỉnh sẽ tập trung phát triển ngành hàng cá tra theo hướng bền vững, hiện đại dựa trên việc áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất và quản lý để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, có giá trị cao, đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng và an toàn thực phẩm của thị trường trong nước và xuất khẩu.  

Nhất Linh