Vùng nuôi thủy sản An Đức “hụt hơi"
Từng là thế mạnh trong phát triển sản xuất nông nghiệp của xã An Đức (Ninh Giang) nhưng hiện nay vùng nuôi thủy sản tập trung ở đây đang phải đối mặt với nhiều khó khăn vì nguồn nước ô nhiễm.
Lỗ nhiều, lãi ít
Hơn 10 năm nay, nguồn thu nhập chính của gia đình bà Lê Thị Phượng ở thôn Ứng Mộ dựa vào 8 sào ao nuôi cá thương phẩm. Trước đây, khi mới chuyển từ cấy lúa sang nuôi cá, bà Phượng thấy rõ hiệu quả kinh tế của mô hình này song vài năm gần đây, lợi nhuận từ nuôi cá giảm rõ rệt, thậm chí nhiều vụ còn thua lỗ. Bà Phượng thở dài nói: “Ngày trước nuôi cá lãi gấp 5lần cấy lúa, còn bây giờ nếu may mắn thì được gấp đôi nhưng lại tốn công sức hơn nhiều. Nguồn nước nuôi ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng làm cá dễ nhiễm bệnh và chết nhiều. Do không có nguồn thay thế nên tôi chỉ còn cách mua hóa chất để xử lý. Dù tốn kém nhưng không cải thiện được là bao, cá vẫn kém ăn, chậm lớn. Năm ngoái, ao cá của nhà tôi chết quá nửa đến giờ vẫn chưa thu lại được vốn”.
Đầu năm 2018, gia đình ông Nguyễn Văn Tới ở cùng thôn phải đầu tư gần 20 triệu đồng làm 2 giếng khoan để tạo nguồn nước sạch nuôi cá. Theo ông Tới, nguồn nước phục vụ nuôi thủy sản của xã phụ thuộc hoàn toàn vào sông Cửu An. Mấy năm nay, chất lượng nước tại con sông này đi xuống đã ảnh hưởng lớn đến các hộ nuôi cá. Vì không còn lựa chọn khác nên người dân vẫn phải sử dụng nước ô nhiễm và dùng hóa chất, men vi sinh để khắc phục. Điều kiện nuôi thả không bảo đảm đã làm phát sinh nhiều dịch bệnh trên cá. Do đó, để hạn chế thiệt hại, nông dân đã giảm mật độ nuôi nhưng kết quả vẫn không được như mong đợi. Theo tính toán của ông Tới, hiện chi phí đầu tư nuôi cá đã đội lên gấp 7 lần song lợi nhuận lại giảm 2 lần so với thời điểm 5năm trước. “Nước sông Cửu An ô nhiễm quanh năm, khi thì đen đặc, lúc lại xanh rớt. Vì vậy, cá sống được chủ yếu nhờ hóa chất và sục khí. Đầu tư công sức, tiền bạc lớn mà lỗ nhiều hơn lãi nên một số hộ chán nản, chỉ nuôi cầm chừng. Chúng tôi đã đổi hết ruộng trong đồng để dồn ra vùng nuôi thủy sản, dù biết là không có lãi nhưng vẫn phải gắng gượng. Nếu tình trạng ô nhiễm kéo dài thì e rằng nhiều hộ sẽ bỏ ao”, ông Tới nói.
Chưa có giải pháp khắc phục
Vùng nuôi thủy sản của xã An Đức được xây dựng từ năm 2003 với diện tích 164 ha. Sau một thời gian phát huy hiệu quả, đến nay vùng sản xuất này đang có dấu hiệu “hụt hơi” do chất lượng nước không bảo đảm. Hiện tại, người dân mới chỉ tìm cách hạn chế ô nhiễm cho nước đưa vào ao mà chưa có giải pháp khắc phục triệt để, lâu dài.
Vì phụ thuộc vào nước sông Cửu An nên các hộ phải chờ lúc triều cường, hệ thống Bắc Hưng Hải lấy nước ngược từ sông Luộc và sông Thái Bình qua cống Cầu Xe, An Thổ mới bổ sung nước vào ao nuôi. Thế nhưng, hệ thống Bắc Hưng Hải chỉ lấy nước ngược theo từng đợt, do vậy những hộ nuôi cá không trông mong nhiều vào biện pháp này. Việc đào giếng khoan để sử dụng nguồn nước ngầm cũng không phù hợp với nhiều hộ. Mặt khác, nguồn nước đưa vào và nước thải đưa ra đều dùng chung một hệ thống mương nên mầm bệnh từ ao này sẽ lây lan sang ao kia, nguy cơ bùng phát dịch bệnh, gây thiệt hại lớn là rất cao.
Theo ông Đoàn Đình Úy, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tam Cường, gần 300 hộ nuôi thủy sản của xã An Đức đang loay hoay tìm cách khắc phục những bất lợi do nguồn nước ô nhiễm gây ra. Tuy nhiên, mới chỉ xử lý được phần ngọn chứ chưa giải quyết được tận gốc. Vì thế, hiệu quả kinh tế từ nuôi cá ngày càng giảm. Nếu như trước kia, người dân An Đức có thể thu hoạch 2 lứa cá/năm với năng suất khoảng 12tấn/ha thì nay dù chăm sóc cẩn thận, bài bản nhưng phải mất 8 tháng cá mới cho thu hoạch và năng suất chỉ đạt từ 6-7 tấn/ha. “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị chính quyền các cấp khẩn trương có biện pháp để giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước sông Cửu An. Mặc dù vậy, chất lượng nước không những không được cải thiện mà còn ngày càng ô nhiễm hơn. Nếu không nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc này thì việc duy trì vùng nuôi thủy sản tập trung sẽ gặp khó”, ông Úy khẳng định.