Vùng nuôi tôm công nghiệp hiệu quả cao ở Hải Đông
'Trước đây, nhiều hộ dân trong xã chỉ sản xuất nông nghiệp và làm muối, vừa vất vả mà thu nhập không cao, ráo mồ hôi là hết tiền. Khoảng chục năm trở lại đây, nhờ phát triển nghề nuôi tôm thẻ chân trắng phương thức công nghiệp, nhiều hộ trong xã đã có mức thu nhập từ vài trăm triệu đến trên 1 tỷ đồng/năm'. Đó là chia sẻ của anh Nguyễn Văn Hạo, xóm Hợp Thành, xã Hải Đông (Hải Hậu) khi nói về nghề làm giàu mới của gia đình và hàng chục hộ dân trong xã.
Nằm ở phía đông nam huyện Hải Hậu, xã Hải Đông có 5,2km bờ biển với 5 cửa cống thông ra biển. Từ năm 2003 trở về trước, kinh tế chủ đạo của xã là sản xuất nông nghiệp và làm muối nên đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Khi tỉnh có chủ trương khuyến khích chuyển đổi những diện tích đất sản xuất nông nghiệp, diêm nghiệp kém hiệu quả sang sản xuất đối tượng khác có tiềm năng thì xã quyết định quy hoạch chuyển những diện tích ruộng lúa và làm muối ở các xóm Hợp Thành, Xuân Hà sang nuôi thủy sản cua biển, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, vạng. Ngoài tạo điều kiện về mặt bằng, thủ tục hành chính, hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn tín dụng, để phát triển kinh tế thủy sản bền vững, hằng năm xã còn thường xuyên phối hợp với các sở, ngành chức năng tổ chức từ 4-5 lớp tập huấn kỹ thuật, phổ biến thông tin thị trường cho các hộ tham gia. Trong quá trình phát triển nuôi thủy sản, con tôm thẻ chân trắng dần khẳng định ưu thế phù hợp trở thành đối tượng nuôi chủ lực.
Đến nay, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng của xã được mở rộng ra 35ha, thu hút trên 70 hộ tham gia. Từ chỗ chỉ nuôi quảng canh, nhỏ lẻ, bán công nghiệp, đến nay, vùng nuôi tôm thẻ chân trắng của xã đã được các hộ nuôi đầu tư quy mô, theo hướng công nghiệp nên năng suất thường đạt 11 tấn/ha/năm; tổng sản lượng tôm thẻ chân trắng mỗi năm đạt trên 400 tấn. Nhờ phát triển nuôi tôm công nghiệp, nhiều hộ trong xã như các ông: Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Văn Hạo, Lê Văn Côi, Nguyễn Văn Lân, Lê Văn Đông... đã có khoản thu nhập từ vài trăm triệu đến trên 1 tỷ đồng/ha/năm.
Đưa chúng tôi tham quan khu ao nuôi tôm thẻ chân trắng vừa thu hoạch, anh Hạo cho biết: Năm 2012, sau khi hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, xã Hải Đông có chủ trương chuyển đổi một số diện tích đồng muối kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản để nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích. Được sự tạo điều kiện của xã, anh Hạo đã nhận thầu 1.600m2 đồng muối ở xóm Hợp Thành để cải tạo thành ao nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp. Sau vài vụ nuôi, năm 2016, anh quyết định đầu tư trên 300 triệu đồng để cải tạo lại toàn bộ hệ thống ao, bể nuôi tôm công nghiệp theo phương thức nuôi trên bể, ao xi măng. Khu đất được anh quy hoạch thành 8 bể nuôi (mỗi bể 36m2) và 3 ao, trong đó có 1 ao nuôi, 1 ao chứa nước đều có diện tích 400m2 và 1 ao để xử lý nước có diện tích 250m2. Toàn bộ hệ thống ao, bể nuôi được lát đáy, kè bờ kiên cố bằng bê tông, sâu khoảng 1,3m. Thời gian đầu, tôm giống sau khi nhập về được "ương" thuần trên các bể. Sau 45-50 ngày, khi tôm đã sinh trưởng và phát triển tốt mới chuyển xuống ao nuôi với mật độ hợp lý. Với phương thức đó, 2 vụ tôm năm nay của anh Hạo đều thắng lợi, thu hoạch được trên 3 tấn tôm, tổng doanh thu đạt trên 550 triệu đồng, sau khi trừ các loại chi phí, vụ tôm năm 2018 đã mang lại thu nhập thực tế trên 250 triệu đồng.
Không chỉ hộ anh Hạo có thu nhập cao, ở xã Hải Đông, hộ anh Nguyễn Văn Cường, xóm Hợp Thành cũng có thu nhập khoảng 1 tỷ đồng/năm từ nghề nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp. Là hộ đầu tiên thực hiện mô hình chuyển đổi sang nuôi thủy sản của xã từ năm 2003, đến nay trang trại nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp của anh Cường đã được đầu tư bài bản, bề thế, ứng dụng công nghệ nuôi trên bể, ao xi măng từ năm 2016. Trên diện tích 1,2ha anh Cường đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng 80 bể xi măng, mỗi bể rộng 25m2, sâu 1,4m để thả 1 vạn con tôm giống/bể. Sau khi thả giống được khoảng 1,5 tháng, anh bắt đầu "tỉa" bớt tôm sang ao nuôi để đảm bảo mật độ 5.000 con tôm/bể. Ngoài 80 bể nuôi, năm 2018 anh Cường còn đầu tư gần 500 triệu đồng xây 2 ao nuôi tôm quy cách như bể rộng 800 m2/ao. Ao nuôi được trang bị máy sục, bên trên có hệ thống mái che (mùa hè che lưới mát, mùa đông che ni-lông giữ ấm) để tôm sinh trưởng và phát triển tốt. Ngoài hệ thống bể và ao nuôi còn có 2 ao rộng gần 1.000 m2/ao để xử lý nước trước khi cấp vào bể nuôi.
Theo anh Cường, nuôi tôm trong bể có nhiều mặt thuận lợi, người nuôi quản lý được nguồn nước vào, ra, kiểm soát được dịch bệnh trên tôm, hạn chế tối đa các sinh vật ngoại lai gây ảnh hưởng đến sức khỏe của tôm. Chất lượng, năng suất cũng đạt cao hơn so với nuôi tôm trong ao truyền thống phủ bạt. Nhờ đó, từ đầu năm 2018 đến nay, trang trại của anh đã cho thu hoạch trên 30 tấn tôm; trong đó, riêng lượng tôm nuôi trên bể đạt 16 tấn. Sau khi trừ các loại chi phí nhân công, thức ăn… vụ tôm năm nay anh Cường có thu nhập thực tế trên 1 tỷ đồng. Chuẩn bị cho vụ tôm năm 2019, anh Cường đang nghiên cứu đầu tư hệ thống mái che kiên cố cho toàn bộ hệ thống ao, bể xi măng; quy hoạch lại khu vực nuôi gồm 30 bể ương tôm giống, khi tôm đạt trọng lượng 150-160 con/kg chuyển sang 44 bể nuôi giai đoạn 2; 6 bể còn lại để xử lý chăm sóc tôm yếu, tôm mắc bệnh. Khi tôm đạt trọng lượng 70-80 con/kg mới chuyển xuống ao nuôi để nuôi vỗ đạt trọng lượng 50 con/kg mới xuất bán.
Nuôi tôm thẻ chân trắng theo phương thức công nghiệp là hướng phát triển kinh tế hiệu quả của xã Hải Đông. Theo ước tính của xã, từ nay đến cuối vụ tôm năm 2018, nếu điều kiện thời tiết thuận lợi, không có dịch bệnh phát sinh đột xuất, sản lượng tôm thẻ chân trắng của vùng nuôi công nghiệp có thể đạt từ 400-420 tấn. Với giá bán từ 80-110 nghìn đồng/kg (loại 50 con/kg) dự kiến tổng thu nhập từ tôm thẻ chân trắng của xã năm 2018 đạt từ 35 tỷ đồng trở lên. Năm 2018, xã Hải Đông phấn đấu nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên 45 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 2%.