Xã Tân Hòa (huyện Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu): Nhiều lợi thế phát triển nghề nuôi hàu
Trước đây, đời sống của người dân xã Tân Hòa (Bà Rịa - Vũng Tàu) chủ yếu dựa vào nghề chài lưới nên còn nhiều khó khăn. Nhận thấy lợi thế sông Rạch Chanh, sông Ngã Ngọn nằm ở vị trí thuận lợi với diện tích mặt nước lớn có tiềm năng phát triển nghề nuôi hàu, 10 năm trở lại đây, chính quyền địa phương đã hỗ trợ vốn cho người dân đầu tư nuôi hàu.
Sông Rạch Chanh nằm ở vị trí thuận lợi với diện tích mặt nước lớn đổ ra phía biển Vũng Tàu nên gia đình anh Nguyễn Thái Bình (ở thôn Phước Long, xã Tân Hòa) nhận thấy tiềm năng phát triển nghề nuôi hàu là rất lớn. Năm 2010, anh Bình đóng giàn bè bằng thùng nhựa liên kết bằng dây và thả nổi xuống mặt nước cộng với giá thể thả bên dưới để hàu giống tự nhiên bám vào. Theo anh Bình, chi phí 1 bè nuôi mất khoảng 40 triệu đồng. Khi bắt đầu nuôi đến khi thu hoạch khoảng 10 -16 tháng, người nuôi hàu không phải tốn tiền mua thức ăn. Thức ăn của hàu là những thứ có sẵn trong nước như: rong, tảo, mùn bã hữu cơ. Hơn nữa, môi trường nước có độ mặn phù hợp lại nhiều các loại sinh vật phù du, rất thích hợp để hàu phát triển. Hiện nay, gia đình anh Bình có 11 bè nuôi, với 110 ô nuôi (mỗi ô 36m2). Để có hàu bán quanh năm, anh Bình nuôi hàu theo phương pháp gối đầu. Vụ năm ngoái, anh Bình bán hàu với giá 15.000 đồng/kg, thu về hơn 300 triệu đồng. Anh Bình cho biết thêm: “Mùa mưa thay đổi thời tiết hàu không bị chết như sò và cái lợi nhất là không mua con giống. Thời điểm thuận lợi nhất để thả bè vào khoảng tháng 2, tháng 3 bởi vì đây là thời điểm con giống tự nhiên nhiều nhất.”
Cũng nhờ nuôi hàu mà nhiều gia đình sống tại thôn Phước Hiệp đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Gia đình chị Nguyễn Ngọc Hiếu (ở thôn Phước Hiệp, xã Tân Hòa) là một ví dụ. Những năm trước, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo chuẩn quốc gia. Hàng ngày, vợ chồng chị Hiếu đi chài lưới để lấy tiền trang trải cuộc sống và lo cho 4 người con đang tuổi ăn tuổi học. Trong những lần đi chài lưới, thấy khu vực ngã ba Ngã Ngọn (thuộc lưu vực sông Thị Vải) có nhiều tấm gỗ hàu bám dày đặc, chị Hiếu bàn với chồng chuyển sang nghề nuôi hàu. Tuy nhiên, do không có vốn đầu tư, chị đã đề xuất chính quyền địa phương được hỗ trợ vay vốn ưu đãi dành cho hộ nghèo. Năm 2009, UBND xã Tân Hòa đã tín chấp với Ngân hàng chính sách xã hội huyện Tân Thành giải quyết cho chị Hiếu vay 10 triệu đồng. Có tiền, chị Hiếu mua vật dụng gầy dựng được 2 bãi hàu. Sau một năm nuôi, hàu cho thu hoạch đạt sản lượng cao. Từ tiền lãi thu được, chị tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô nuôi. Đến nay, gia đình chị đã có 6 bãi hàu, mỗi bãi có 30 ô nuôi, trung bình mỗi ô đạt 500kg hàu/năm. Từ việc nuôi hàu, gia đình chị Hiếu đã thoát nghèo và có kinh tế khá giả.
Từ một vài hộ nuôi ban đầu, đến nay, xã Tân Hòa có gần 400 hộ nuôi hàu (tập trung chủ yếu ở 2 thôn Phước Long, Phước Hiệp) với diện tích khoảng 150.000m2 mặt nước. Trung bình 1 bè, người nuôi chia làm 11 ô nuôi, sản lượng thu được khoảng 10 tấn hàu/vụ, lợi nhuận thu được khoảng 50 triệu đồng. Có thể nói, đây là một nghề tiềm năng cho người dân địa phương, bởi chi phí đầu tư không quá cao, đầu ra ổn định, không phải chăm sóc nhiều trong quá trình nuôi. Ông Dương Bá Phước, Chủ tịch UBND xã Tân Hòa cho biết, ngoài hỗ trợ vốn nuôi trồng thủy hải sản cho nhân dân, địa phương còn phối hợp với Phòng LĐTBXH huyện Tân Thành mua sắm phương tiện, ngư cụ cho các hộ nghèo có nhu cầu nuôi hàu; đồng thời phối hợp với các ngành chức năng của huyện từng bước quy hoạch vùng nuôi, bảo đảm vệ sinh môi trường nước để hàu sinh trưởng và phát triển tốt, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.