TIN THỦY SẢN

Xây dựng các mô hình nuôi trồng thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong nhà bạt tại xã Nga Tân (Nga Sơn) cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Hải Đăng Hải Đăng

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, ngành nông nghiệp của tỉnh đang nỗ lực xây dựng các mô hình nuôi trồng thủy sản (NTTS) thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao sản lượng, bảo đảm chất lượng thủy sản.

Biến đổi khí hậu có thể tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến NTTS thông qua nguồn nước, diện tích nuôi, môi trường nuôi, con giống, dịch bệnh... và đã ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng, cơ sở hạ tầng của các vùng NTTS. 

Ngoài ra, các hiện tượng thời tiết bất thường, bão lũ, hạn hán, nắng nóng hoặc giá rét kéo dài cũng tác động tiêu cực đến nguồn nước và sức đề kháng của các đối tượng nuôi. Trong khi phần lớn người NTTS ở các địa phương ven biển của tỉnh điều kiện kinh tế khó khăn, đầu tư cơ sở hạ tầng vùng NTTS còn hạn chế... 

Trước thực trạng trên, để NTTS thích ứng với biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp của tỉnh và các địa phương ven biển đang tích cực triển khai thực hiện và nhân rộng các mô hình NTTS hiệu quả. Đơn cử như: Mô hình NTTS kết hợp trồng lúa. Hiện toàn tỉnh đã chuyển đổi được 3.820,5 ha đất trồng 1 vụ lúa nằm trong khu vực sâu trũng sang trồng lúa kết hợp với nuôi cá và một số loại thủy sản khác. 

Mô hình này không làm thay đổi lớn về kết cấu hiện trạng mặt ruộng, người nuôi chỉ cần cải tạo khoảng 20% diện tích mặt ruộng, đắp bờ vùng, bờ thửa, nên chi phí đầu tư thấp, phù hợp với điều kiện kinh tế của nhiều hộ nuôi.

Theo đánh giá của các địa phương, lợi nhuận bình quân của mô hình này đạt từ 50 đến 70 triệu đồng/ha/năm. Mô hình nuôi xen ghép được các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Nông Cống và thị xã Nghi Sơn... ứng dụng và nhân rộng. Đây là mô hình nuôi ghép từ 2 đối tượng trở lên trong cùng diện tích ao nuôi, nhằm tận dụng diện tích mặt nước và dinh dưỡng trong ao. Các đối tượng được chọn nuôi phụ thuộc vào đặc điểm sinh thái thích nghi và thức ăn của mỗi loài trong ao nuôi. Điển hình như mô hình nuôi ghép tôm sú + cua xanh + cá đối mục... 

Mô hình này dễ thực hiện, vốn đầu tư phù hợp với người NTTS ở vùng ven biển. So với NTTS độc canh trên cùng diện tích, nuôi xen canh các đối tượng cho giá trị kinh tế cao hơn khoảng 30%. Hơn nữa, lại dễ thực hiện, độ rủi ro thấp, nên thu hút được nhiều hộ dân tại các địa phương tham gia. Hiện nay, mô hình NTTS công nghệ cao trong nhà mái che đang được các địa phương trong tỉnh ứng dụng và khuyến khích phát triển. Mô hình này chủ yếu nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao, sử dụng nhà mái che. Có thể nuôi trong bể xi măng, trong bể ương di động hoặc ao lót bạt với quy mô nhỏ từ 50m2 đến 500m2/ao nuôi. Với quy mô bể nuôi, ao nuôi nhỏ sẽ giảm thiểu rủi do, quản lý tốt các yếu tố môi trường, nhất là nhiệt độ, nuôi năng suất cao vẫn bảo đảm được doanh thu và giá trị thu nhập. Ngoài ra, các mô hình nuôi trồng thủy sản - rừng ngập mặn, nuôi nhuyễn thể, nuôi thủy sản trong hệ thống tuần hoàn, nuôi thủy sản 2 giai đoạn... cũng được các địa phương ven biển của tỉnh thực hiện. 

Ông Vũ Văn Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa, cho biết: Hiện nay, việc xây dựng các mô hình NTTS để vừa thích ứng với các thay đổi của khí hậu và thời tiết, bảo đảm sản xuất ổn định, tăng thu nhập cho người dân là rất cần thiết. Vì vậy, ngoài các hoạt động thông tin, tuyên truyền, chính quyền các địa phương và đơn vị có liên quan của tỉnh cần phối hợp xây dựng các mô hình NTTS thích hợp để người nuôi có thể tiếp cận trực quan và tự điều chỉnh các hoạt động sản xuất cho phù hợp với điều kiện đặc thù của vùng nuôi.

Thông qua các mô hình, người NTTS sẽ chuyển từ nhận thức sang hành động - thực hành, học hỏi những biện pháp kỹ thuật cụ thể trong quá trình sản xuất và quản lý trang trại thích ứng tốt với biến đổi khí hậu hướng tới phát triển NTTS bền vững. Ngoài ra, cần phải có những đánh giá mang tính dự báo về tác động của biến đổi khí hậu lên hệ thống cơ sở hạ tầng, diện tích, năng suất, sản lượng NTTS.

Hải Đăng Báo Thanh Hoá