TIN THỦY SẢN

Xoay xở với đất bỏ hoang: Ngập ngừng trên cánh đồng tôm

Ông Nguyễn Hùng và mô hình nuôi cá chim biển vây vàng. Ảnh: N.Q.V Nguyễn Quang Việt

Tính đến tháng 9.2013, có 281/2.200ha ao nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đang hoang hóa. Số ao nuôi tôm không hiệu quả, người dân đang chuyển đổi sang nuôi các giống thủy sản khác nhưng vẫn thiếu bền vững.

Thử nghiệm

Tại nhiều ao nuôi tôm nước lợ ven sông trên địa bàn TP.Tam Kỳ, nhiều nông dân đang phấn khởi vì thử nghiệm thành công các mô hình nuôi thủy sản mới. Ông Nguyễn Hùng (thôn Tỉnh Thủy, xã Tam Thanh) chia sẻ: “Nuôi tôm đem lại giá trị kinh tế cao nếu đầu tư thấu đáo. Tuy nhiên, do hạ tầng vùng nuôi sơ sài mà nguồn nước bị ô nhiễm nên tôi chuyển sang nuôi thử nghiệm cá chim biển vây vàng. Nhờ ngành nông nghiệp thành phố tập huấn kỹ thuật nên tôi mạnh dạn đầu tư nuôi 2.000 con cá giống trên 1.000m2 ao nuôi tôm nước lợ trước đây. Sau 5 tháng thả nuôi, cá phát triển tốt, tỷ lệ sống cao, thu hoạch được hơn 50 triệu đồng; trừ chi phí, gia đình lãi hơn 20 triệu đồng”. Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng - chuyển giao kỹ thuật NN&PTNT TP.Tam Kỳ cho biết, mô hình thử nghiệm nuôi cá chim biển vây vàng của ông Hùng bước đầu đáp ứng được những mục tiêu và quy trình kỹ thuật nuôi. Kết quả cho thấy cá phát triển tốt, thích ứng với điều kiện thời tiết của địa phương. Để đưa cá chim biển vây vàng thành đối tượng nuôi mới tại các vùng triều nuôi tôm nước lợ không hiệu quả, nông dân cần chú ý quản lý tốt môi trường nước ao nuôi, nuôi với mật độ phù hợp và nên nuôi sớm để tránh bị lũ lụt cuốn trôi. Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thanh cho biết, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ trên địa bàn xã là 35ha. Trong vụ 1, nông dân chỉ thả nuôi 20ha, sang vụ 2, diện tích thả nuôi chỉ còn 15ha. Do sản xuất thua lỗ, diện tích nuôi tôm nước lợ bị hoang hóa trên địa bàn xã ngày càng nhiều hơn. Để tận dụng các diện tích ao, hồ sẵn có, địa phương khuyến khích nông dân chuyển sang nuôi các đối tượng mới như cá chẻm, cá chim biển vây vàng, cua hay cá điêu hồng - vốn không đòi hỏi quy trình nuôi khắt khe như tôm.

Mô hình nuôi cá chẻm hay cá chim biển vây vàng bước đầu đáp ứng được nhu cầu đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản nước lợ. Tuy nhiên, rất khó nhân rộng và thâm canh các mô hình này trên địa bàn tỉnh do đầu ra không ổn định. Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam, hiện diện tích nuôi các đối tượng thủy sản mới trên địa bàn tỉnh là 220,5ha. Trong khi đó, vẫn có đến 280ha bị hoang hóa. Riêng tại khu vực ven cầu Tỉnh Thủy có đến 40ha ao nuôi đang bị bỏ hoang suốt 2 năm qua. Tại “vựa tôm” Phương Tân (Bình Nam, Thăng Bình), nhiều chòi canh nuôi tôm cũng bị gió đánh bạt vì không có người trông nom. Tại các vùng nuôi tôm khác của huyện Thăng Bình như Bình Hải, Bình Sa, Bình Dương, nhiều ao nuôi vùng triều cũng bị bỏ hoang lâu nay do sản xuất kém hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Hương - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình cho biết, hiện tại trong số 270ha ao nuôi tôm nước lợ của huyện, có đến 130ha bị bỏ trống. “Nông dân đã quá quen với bán tôm thương phẩm đồng loạt cho thương lái rồi, chừ chuyển qua nuôi cá nước lợ, họ ngại cảnh bán được chăng hay chớ, xuất bán cả trăm lần không hết ao nuôi. Địa phương đã khuyến khích các nông dân nên tận dụng các diện tích vốn có ở vùng triều để chuyển sang nuôi ghép, nuôi luân canh các loài thủy sản nhưng không ai mặn mà hưởng ứng. Thu được lợi nhuận cao mà cấm thì người dân vẫn nuôi, còn khuyến khích mà hiệu quả kinh tế thấp thì không ai mặn mà” - ông Hương nói.

Hỗ trợ sản xuất

Có thể nhận thấy diện tích nuôi tôm nước lợ ngày càng hoang hóa nhiều hơn do sản xuất và chuyển mô hình nuôi con giống mới chưa đem lại hiệu quả cao, số diện tích này phân bố khắp 6 địa phương ven biển trên địa bàn tỉnh. Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam cho rằng, để tháo gỡ khó khăn, các địa phương ven biển cần nâng cao trách nhiệm trong việc chỉ đạo và hướng dẫn người dân sản xuất. Trong đó, các địa phương cần hướng dẫn nông hộ nâng cấp công trình nuôi, đồng thời thực hiện việc giao đất nuôi trồng thủy sản lâu dài để người dân yên tâm đầu tư hạ tầng sản xuất. Các địa phương cần sắp xếp, quy hoạch lại vùng nuôi gắn với xây dựng nông thôn mới và nên có chính sách ưu đãi, giúp người dân vay vốn để cải tạo ao hồ. “Cơ cấu lại đối tượng nuôi phù hợp theo từng vùng, từng thời điểm là điều cấp thiết. Tăng cường giám sát toàn diện các chỉ tiêu môi trường nước, mầm bệnh trong vùng nuôi tôm theo các quy chuẩn để có thể tìm được hướng phát triển sản xuất phù hợp, lâu dài. Các địa phương cũng cần xây dựng, thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trên động vật thủy sản sát thực tế. Đặc biệt, cần tập trung công tác tuyên truyền chấp hành lịch mùa vụ nuôi tôm; chấp hành quy định kiểm dịch tôm giống và đầu tư xây dựng các hạng mục hạ tầng cơ bản, giúp nông dân nâng cao năng lực sản xuất” - bà Tâm nói.

Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam, về đào tạo nghề trong nuôi trồng thủy sản, cần tăng cường thực hiện các chương trình đào tạo theo nhu cầu của nông dân, giúp họ kịp thời nắm bắt, đầu tư nuôi các động vật thủy sản theo nhu cầu của thị trường. Bà Tâm cho rằng, để nâng cao sản xuất cần ưu tiên đầu tư cho khoa học - công nghệ, khuyến ngư. “Cần đầu tư phát triển khoa học - công nghệ trong sản xuất giống thủy sản, nhất là các đối tượng nuôi chủ lực, tạo ra nguồn giống đảm bảo chất lượng cho người dân yên tâm đầu tư sản xuất. Đồng thời nâng cao về chất trong công tác tập huấn, khuyến ngư cho người dân; tổng kết, trình diễn, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, qua đó nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất của người dân, hạn chế dịch bệnh. Ngoài ra, một chính sách cho vay vốn phù hợp sẽ là “đòn bẩy” phát triển sản xuất” - bà Tâm nói thêm.

Nguyễn Quang Việt Báo Quảng Nam