TIN THỦY SẢN

Xóm mực khô “di động” của người Huế mưu sinh đêm Sài Gòn

Một chiếc xe mực khô di động của người dân “xóm Huế”.

Nằm sâu trong một con hẻm ngoằn nghèo đường Tôn Đản (phường 8, quận 4, TPHCM) có một xóm lao động nghèo mà người dân địa phương đặt cho cái tên “Xóm khô mực di động”. Nơi đây tập hợp gần 30 người quê ở Thừa Thiên - Huế bỏ xứ vào thành phố phồn hoa, chọn màn đêm mưu sinh bằng các món chế biến từ mực khô, cá khô. Xóm thành lập từ những năm sau giải phóng, đến nay đã có nhiều thế hệ truyền đời nuôi sống gia đình ở quê và sống tốt tại Sài Gòn đắt đỏ.

Một góc xứ Huế

Dù là ngày chủ nhật hay lễ lớn, đến “xóm khô mực” rất khó gặp cảnh cả “xóm” quần tụ đông đủ. Họ đi làm từ 3-4h chiều đến 3h sáng. Khi thành phố huyên náo chìm hẳn trong màn sương yên tĩnh, họ mới lọ mọ trở về với gian hàng đã vơi bớt mực. Nghe cái giọng đặc sệt xứ Huế khi gần rạng sáng, người ta mới hay họ đã về nhà. Trong màn đêm muộn, họ lật đật gói vào nilon những con mực khô, cá khô thật cẩn thận. Có đôi vợ chồng trẻ về muộn, vừa đặt xe mực xuống lại vội vã đến nhà trẻ đón con về. Cả xóm quây quần quanh mâm cơm nguội lạnh giữa căn nhà chật chội, ăn uống ngon lành. Khoảng 4h sáng, “xóm khô mực” mới tắt đèn đi ngủ. Chợt mắt được 2 tiếng, họ lại lật đật thức dậy, chuẩn bị nấu đồ ăn sáng rồi chở con đi học. Chỉ có những gia đình gửi con cho ông bà ở quê (khoảng một nửa trong số họ), sau giờ làm mới dám đánh thẳng giấc đến lúc mặt trời đứng bóng.

Ông Nguyễn Tú (53 tuổi) - một trong số những người có thâm niên bán khô mực lâu nhất, hơn 25 năm - cho biết: “Những người mới vào nghề đầu giờ chiều phải ra chợ đầu mối Bình Điền lựa mực bán, khi nào quen mối, mực được mang đến tận nhà. Mỗi ngày lấy khoảng 2-4kg, tùy khả năng rao bán của từng người”.

Để giữ được khách quen, họ phải lựa những loại mực ngon dựa vào đặc điểm như: Bụng trắng, lưng ngả màu hồng nhạt tự nhiên, có những chấm đen mờ, mùi không tanh hay dính ướt tay. Chọn con to vừa có giá 650.000 - 700.000 đồng/kg, khi nướng lên, xé ra, thịt bên trong có màu hồng nhạt, dẻo, dai và không vụn. Khách nhậu rất sành ăn, chỉ cần nhìn qua giá mực là biết ngon hay không. Người bán khéo luôn đặt chất lượng làm đầu. Nếu mực ngon, khách sẽ lấy số điện thoại, gọi đặt mua lần sau.

Cứ khoảng 15h chiều, “xóm khô mực” rục rịch treo mực lên giá, người có điều kiện thì chạy xe máy, còn không thì đi xe đạp lượn chạy khắp các quận, huyện. Đêm muộn, “xóm” bắt đầu kéo nhau về khu vực có nhiều quán nhậu, khu vui chơi. Thời gian gần đây, công an thắt chặt khu vực bán hàng rong nên tại một khu phố Tây ngắn ở đường Bùi Viện (quận 1), đếm sơ qua có tới hơn 20 gian hàng “mực di động” luồn lách.

“Khoảng 10 năm về trước, bán hàng rong chưa bị thắt chặt nên làm ăn rất “thịnh”. Giờ phải chịu khó, siêng năng, giỏi mời khách, mới kiếm đủ sống. Mỗi kilogram mực xé ra bán từng món có giá từ 40.000 - 60.000 đồng, mỗi kilogram mực lời khoảng 80.000 - 100.000 đồng/đêm. Trừ chi phí ra, thu nhập trung bình mỗi đêm khoảng 200.000 đồng. Những người có mối quen nhiều thì lời đến 500.000 đồng. Trời mưa to quá mới dám nghỉ. Chi ra mỗi tháng cũng kiếm được 6 tới hơn 10 triệu đồng, tùy người bán. Số tiền đó chúng tôi tích góp đến cuối tháng rồi quyết toán lo phí nhà trọ, ăn uống, còn lại gửi về quê để nuôi gia đình. Nhà nào đưa con vào đây ăn học thì phải chi tiêu khéo mới đủ”, ông Tú cho biết.


Nhờ gian mực khô mà anh Năm đủ nuôi hai con ăn học giữa Sài Gòn đắt đỏ

“Nuôi con chữ” cho con

Anh Lê Văn Năm (40 tuổi) vừa thoăn thoắt chế biến mực vừa cho biết: “Căn nhà cấp 4 khoảng 30m2 tôi thuê 5 triệu đồng/tháng chung với 3 cặp vợ chồng anh em bên vợ, cùng làm nghề bán bán khô mực. Trong đó, vợ chồng tôi và vợ chồng người anh trai vợ mang cả con cái vào đây sinh sống, học hành. Tuy chật chội nhưng có chỗ nương thân để buôn bán là may mắn lắm rồi. Buôn bán về đêm khổ cực, mặt mũi lúc nào cũng phờ phạc, người gầy đét, da xanh xao, mắt mờ dần vì thiếu ngủ”.

Anh Lâm có “thâm niên” gần 15 năm trong nghề. Ở quê, vợ chồng anh bám vào vài sào ruộng cha mẹ để lại không đủ ăn nên chưa dám sinh con đẻ cái. Một hôm, nghe người em vợ gọi điện “khoe” mới sắm được chiếc xe máy nhờ bán khô mực, vợ chồng anh cũng khăn gói theo vào.

Ở "miền đất hứa", hai vợ chồng được đồng hương giúp đỡ, chỉ chỗ mua hai chiếc xe đạp cũ giá rẻ, hai máy quay mực khô, hai chiếc ắc quy để chong đèn điện, chiếc bếp ga mini, thêm vài cái chảo. Còn giá treo mực thì ra bãi phế liệu tìm gỗ về tự đóng. Mỗi người cho vay năm con mực khô làm vốn hành nghề. Chỉ cần một ngày là có thể học được 5 món: Mực nướng, mực nướng tẩm muối ớt, mực chiên nước mắm, mực khô xào me chua và món cá khô nướng. “Xóm sống với truyền thống “lá rách ít đùm lá rách nhiều”, người đi trước giúp đỡ người đi sau. Hàng tháng trích dăm ba chục làm quỹ để giúp đỡ khi có người nhà ốm đau, con vào đại học…”, anh Lâm cho biết.

Sau một năm bôn ba bán khô mực về đêm, vợ chồng anh Lâm tích góp được số vốn nhỏ để chào đón đứa con đầu lòng. Bây giờ, vợ chồng anh đã nuôi lớn hai cậu con trai, đứa học lớp 5, đứa lên lớp 3, nhờ nghề bán khô mực. Lấy xấp giấy khen của con ra, anh Lâm không giấu niềm tự hào: “Khi con còn nhỏ, đêm nào cũng gửi con ở nhà trẻ cho đến lúc đi làm về. Tờ mờ sáng nào cũng đánh thức con về nhà mà thương lắm. Con lên 5 tuổi phải tập làm việc nhà, bảo ban nhau học hành. Đêm đêm, không có cha mẹ ở bên nhưng đứa nào cũng ngoan, biết tự lập sớm, kỳ nào cũng được giấy khen. Mong sao các con có con chữ để đổi đời, còn khổ cực đến mức nào chúng tôi cũng chịu được”.

Còn chị Võ Thị Mai (45 tuổi) vào Sài Gòn bán khô mực được 6 năm. Ở quê, vợ chồng chị trông chờ vào mảnh vườn, sào ruộng cằn cỗi không đủ no. Chị giao 5 đứa con cho người chồng ốm yếu, một mình bắt xe vào miền Nam bươn chải. Mới đầu, chị đi làm giúp việc, phụ hồ nhưng vẫn không đủ tiền nuôi con ăn học ở quê. Cuối cùng, chị gia nhập “xóm khô mực" của đồng hương, lấy màn đêm mưu sinh, tuy vất vả nhưng lúc nào cũng có đồng ra đồng vào, lo đủ cho con cái.

Ngày chị vào Sài Gòn gia nhập “xóm khô mực”, đứa con đầu chuẩn bị lên lớp 12. Nhờ gian mực khô trên chiếc xe đạp cũ mèm của mẹ, đứa con yên tâm học hành, thi đậu vào một trường đại học có tiếng ở TP.Hồ Chí Minh, nay đã ra trường đi làm, phụ mẹ nuôi các em ăn học. Đứa con thứ 2 của chị hiện là sinh viên năm cuối một trường cao đẳng, đứa kế năm vừa rồi lại thi đỗ đại học. Gánh nặng còn ở trên vai, chưa một đêm nào chị ngừng nghỉ làm việc. Mỗi tháng kiếm được khoảng 10 triệu đồng, chị tằn tiện gửi nuôi con ăn học.

Chị tâm sự giọng trầm buồn: “Căn nhà ở quê dột nát lắm rồi, tết nay tôi không về quê mà để dành tiền, dành thời gian đi làm, gom góp năm sau xây lại ngôi nhà”. Đã hai cái tết chị không được sum họp cùng các con. Giữa phố xá phồn hoa, biết bao đêm chị khóc ướt gối vì nhớ chồng, thương con. Mỗi học kỳ nghe các con điện vào thông báo được giấy khen là niềm động viên an ủi lớn nhất của chị.

Báo Lao Động, 13/01/2016