TIN THỦY SẢN

Xóm thúng nhựa trên vịnh Xuân Đài

Một thúng nhựa có “chứng minh thư” - Ảnh: HOÀI NAM Mạnh Hoài Nam

Vịnh Xuân Đài (TX Sông Cầu) có diện tích mặt nước khoảng 13.000ha, nơi đây có hàng ngàn người nuôi tôm hùm bằng lồng bè. Làm nghề này ai cũng phải sắm thúng để vận chuyển thức ăn từ bờ ra bè cho tôm hùm. Tôm hùm ăn thức ăn tươi sống nên ngày nào người nuôi tôm cũng phải “đi chợ” bằng thúng.

Thúng cũng có… “chứng minh thư”!

Sáng, chúng tôi từ quốc lộ 1 rẽ ngã ba Trung Trinh (xã Xuân Phương, TX Sông Cầu) đi vòng qua vịnh Xuân Đài, chạy dọc từ Vũng Mắm, Vũng Dông, Vũng Sứ, Vũng Chào rồi đến Vũng La. Qua mỗi vùng nhìn ra bờ vịnh, thấy thúng chen chúc nhấp nhô vây kín. Thúng ở đây đa số là thúng nhựa có cùng khuôn mẫu với đường kính rộng 1,8m, bên vành thúng ghi tên, địa chỉ, số điện thoại.

Tại Vũng Chào, hàng trăm cái thúng nhựa nằm ngổn ngang bề bộn, nhưng đều giống màu nước sơn và kích cỡ, kiểu dáng. Thúng nào cũng ghi dòng chữ bên vành như: Dũng Vũng La, điện thoại 098…, Hùng Vũng Sứ, điện thoại 0169… Chúng tôi hỏi thăm thì được anh Trần Quốc Quang, đang lui cui bưng mấy rổ nhựa đựng thức ăn cho tôm hùm chất vào trong cái thúng, cười nói: Cái này gọi là gắn “chứng minh thư” trên thúng. Sở dĩ làm như vậy là vì thúng không có neo như tàu thuyền mà kéo lên cạnh bờ, gặp lúc sóng lớn đánh vào là lôi ra xa trôi tuốt từ đây lên Vũng Dông hay Vũng Sứ. Khi ấy, người nuôi tôm trên đó thấy tên chủ liền gọi điện thoại cho mình đến nhận lại. Sống ở đây ai cũng có tấm lòng thơm thảo như vậy, anh à!

Cũng theo anh Quang, đó là khi thúng trôi lạc. Còn tại bến, thúng đông đúc cũng hay bị sóng xô đẩy trong khi đều giống nhau và tên trùng tên. Ví dụ như có 2 người tên Thanh thì bên vành thúng ghi Thanh Vũng Chào nhưng nhờ có số điện thoại “làm dấu”, phân biệt thúng người cùng tên, ở chung xóm mà của riêng.

Thúng là tài sản không thể thiếu đối với người nuôi tôm hùm. Vì nuôi tôm hùm bằng lồng bè thường ở giữa vịnh cách xa bờ, hàng ngày vận chuyển thức ăn từ bờ ra lồng bè cho tôm hùm ăn đều bằng phương tiện này. Còn như nuôi ốc hương, cá mú thì chỉ nuôi trong đìa gần bờ, vì vậy ai đến đây nuôi tôm phải sắm cái thúng trước. Do đó, từ khi phong trào nuôi tôm hùm ở đây rộ lên thì cũng là lúc hình thành “xóm thúng” trên vịnh.

Cái hay của câu chuyện gắn “chứng minh thư” trên thúng cũng được ông Trần Văn Thìn (60 tuổi), ở Vũng Dông kể cụ thể. Khi chưa có “chứng minh thư”, sóng lớn đánh, thúng không người lái trôi dạt trên vịnh, ông đang đi ra lồng bè thấy vậy kéo vào bờ, tuy nhiên không biết của ai. Ông đón con nước lớn theo hướng gió thì thúng xóm Vũng La trôi dạt lên trên này. Gặp người quen dưới đó lên, ông Thìn nhắn về Vũng La hỏi có ai mất thúng thì lên nhận. “Tin nhắn truyền miệng” nên nửa tháng sau chủ nhân chiếc thúng mới đến. Người mất thúng cũng bỏ công đi tìm nhiều ngày. Còn nay có số điện thoại, tên người nên chỉ cần alô trong nháy mắt là chủ chiếc thúng biết thúng lạc đi hướng nào. “Vừa qua, sóng to gió lớn, sáng tôi lắc thúng ra Vũng Dông trước nhà thấy 6 cái thúng trôi bèn gom lại dùng dây thừng “xỏ xâu” rồi kéo vô bờ, sẵn số điện thoại tôi liên hệ từng người. Trưa, họ đến nhận rồi cảm ơn rối rít, có một người biếu lít rượu gạo gọi là trả lễ, vui lắm”, ông Thìn tâm đắc.

Ông Thìn ví thúng như ngôi nhà di động vì thời gian ngồi lắc thúng chai dưới nước nhiều hơn đi trên bờ. Từ nhà ông bước bảy bước là ra bờ vịnh, trong khi từ bờ ra chỗ lồng bè xa từ 3-4 cây số. Không những thế, khi ra ngoài bè, từ bè này qua bè kia giao lưu ly rượu chén trà cũng phải lắc thúng.

So với các nơi thì xóm thúng ở Vũng La đông đúc nhất vì nơi đây tiếp giáp với biển nên mặt nước nuôi tôm hùm bằng lồng bè rộng. Thế nhưng, chỗ bãi rạng cạnh bờ để cặp thúng thì hẹp nên thúng “xúm” lại chen chúc hơn.

Thúng ở đây không có ngày nào nằm yên một chỗ. Thế nhưng thỉnh thoảng có cái thúng đơn chiếc nằm úp “chết đuối” trên bờ ngày này qua tháng nọ, người trong xóm biết chủ nhân của nó nuôi tôm nhưng do tôm bệnh chết nhiều nên ôm cục nợ bỏ nghề về quê. Trong hàng ngàn người nuôi thì cũng có người rủi. Người khác cần thúng gọi số điện thoại trên vành thúng “sang tay”, chủ mới sơn sửa, gắn lại “chứng minh thư” trên thúng.


Chuyển rổ đựng thức ăn lên thúng để chuẩn bị đưa ra lồng tôm - Ảnh: HOÀI NAM

“Đi chợ 3 tạ”

Cập thúng vào Vũng Dông, anh Phạm Văn Tình ngồi làm mồi cho tôm hùm, tâm sự: “Tôm hùm ưa thức ăn tươi sống. Chợ bán thức ăn cho tôm hùm là chuyến xe tải đông lạnh, buổi sáng xe tải chở đi bỏ mối, người mua thức ăn cho tôm không lựa mà mua trụm, mỗi gói mồi trong túi ni lông là 10kg. Trung bình mỗi lồng nuôi 70 con tôm hùm một ngày ăn hết 10kg mồi, 10 lồng tôm nuôi ăn hết 1 tạ mồi, tôi nuôi tổng cộng 30 lồng thì mỗi ngày tôm ăn 3 tạ mồi. Vì vậy, tôi hay “đi chợ 3 tạ”, còn người nuôi nhiều hơn thì “đi chợ 5 tạ”. Vùng này tính sa cạ thì hầu hết đều nuôi 30 lồng”.

Nuôi tôm tối ngủ ở ngoài lồng bè toàn là đàn ông nên kiêm luôn việc làm “chuyên gia” đi chợ. Nuôi tôm hùm đúng cỡ 18 tháng mới xuất bán, người nào nuôi vội cũng giáp năm, vì vậy ngày nào cũng phải đi chợ mua thức ăn cho tôm. Nhưng người nuôi không ngại đi chợ mà sợ tôm lơ ăn. Tôm ăn mạnh thì mừng, còn lơ lơ là người nuôi buồn nẫu ruột, đứng ngồi không yên vì vốn liếng đầu tư nuôi lớn không biết thu lại ra sao.

“Nếu nuôi số lượng trên 50 lồng thì bỏ túi gần tỉ đồng, tôi nuôi túc tắc năm rồi cũng “sém” 200 triệu đồng. Gần đây có người nuôi tôm hùm số lượng lớn từ 50 lồng trở lên, “độ” cái thúng gắn động cơ lên vành thúng nên mỗi lần “đi chợ 5 tạ” chạy khỏe re ra chỗ lồng bè”, anh Tình nói thêm.

Ngoài xóm thúng gắn liền với địa danh ven vịnh Xuân Đài, gần đây trên vịnh hình thành xóm thúng mới, đó là những người bên Từ Nham (xã Xuân Thịnh) lúc trước nuôi tôm trên đầm Cù Mông (TX Sông Cầu) nhưng nguồn nước bị ô nhiễm nên qua đây nuôi tôm hùm. Ban đầu nhìn “chứng minh thư” trên cái thúng ghi địa chỉ ở Từ Nham có người tưởng bên ấy đi chợ xa qua bên này, nhưng trong buổi chợ hỏi thăm nhau mới biết. Hiện nay xóm thúng Từ Nham cũng “đi chợ” trên vịnh Xuân Đài.

Đi chợ mua thức ăn rồi chuyển ra bè cho tôm ăn xong, anh Bùi Văn Phất lắc thúng chai vào bờ. Nhà ở Vũng Mắm, kéo thúng nằm trên bờ một nửa dưới nước một nửa rồi anh Phất chồng hai cái rổ nhựa (đựng thức ăn tôm hùm) để trên chiếc gióng, xỏ đòn gánh vào đưa lên vai, rồi bước nhanh lên đường bê tông đi về. Ngồi uống trà trước hàng ba, anh Phất kể: Trước đây, vợ chồng tôi sống trong căn nhà lụp xụp. Đêm mưa to quá, tôi lấy thau nhựa hứng nước dột ở phòng khách nào ngờ cái thau lủng đít nên nước chảy tràn khắp nhà, thật quá khổ. Từ ngày ở đây có phong trào nuôi tôm hùm, nhờ chịu khó “đi chợ” nuôi tôm, đến nay, chúng tôi đã tích lũy tiền bạc cất được cặp nhà xây, chỗ phòng khách còn có gác lửng. Nhờ vậy, ăn ngủ cũng “lên đời” sướng hơn trước nhiều lắm.

Anh Phất nhớ lại, xóm thúng nuôi tôm hùm trên vịnh Xuân Đài mới đó mà đã ngụ cư hơn 10 năm rồi…

Mạnh Hoài Nam Báo Phú Yên, 22/10/2016