TIN THỦY SẢN

Xóm… lặn

Ông Thái Văn Phải, một thợ lặn giỏi ở cồn Phó Ba đang chuẩn bị đồ nghề.

Dù biết nghề lặn sông chẳng giúp ai giàu có, thậm chí còn phải bỏ mạng, nhưng hơn 40 con người ở xóm nghèo cồn Phó Ba (xã Mỹ Hòa Hưng, TP.Long Xuyên, An Giang) vẫn phải bám vào đó để kiếm sống qua ngày.

Nghề bạc bẽo

Con đò tròng trành theo từng cơn sóng nhẹ đưa chúng tôi đến xóm nghèo ven cồn Phó Ba. Vào mùa nước rút, ai cũng quanh quẩn trên ghe vá lưới, sửa lại chiếc máy để chuẩn bị đi lặn. Ông Thái Văn Phải (48 tuổi), một thợ lặn “cừ” ở miền sông nước này, cho biết: “Lớn tuổi rồi, sức khỏe yếu nên tui cũng ít đi lặn. Toàn bộ ghe xuồng, máy móc tôi giao lại cho 2 thằng con trai. Làm nghề thợ lặn cái nghèo cứ đeo bám mãi. Đời cha làm thợ lặn thì đời con cũng bám lấy cái nghiệp bạc bẽo này”.

Ngày trước, ông Phải từng là một thợ lặn khét tiếng ở cồn Phó Ba. Mỗi mùa nước nổi về, nếu có ghe xuồng bị chìm bất cứ ở đâu, ông hay được là đến trục vớt cho bà con. Khi có người bị chết đuối, ông Phải cũng ra tay nghĩa hiệp lặn tìm xác mà không lấy một xu. “Hồi ấy, cá mắm nhiều vô số kể, nhất là thời điểm nước rút (khoảng tháng 10 âm lịch), mỗi ngày tôi lặn chụp chài vài chục kg cá ngát, cá leo, cá trèn, cá kết bạc…”, ông nhớ lại.  Nghe chúng tôi hỏi về số lượng cá hiện nay, ông Phải thở dài: “Dân số ngày một tăng, dân nghèo khai thác cá mắm bằng xung điện quá mức nên sản lượng cá đã giảm đi rất nhiều”.

Hơn 30 năm trong nghề thợ lặn, ông Phải biết rành rọt chỗ nào sâu cạn, chỗ nào có bãi bồi trên khúc sông Hậu. Ông Phải nói chỗ sâu nhất, tới 30 m là khu vực phà An Hòa và đầu cồn Phó Ba. Hôm rồi, có một chiếc sà lan chở cát khoảng 500 m3 bị chìm tại đây, nhóm thợ lặn của ông Phải đến trục vớt cả tuần mới đem  được lên mặt nước. “Hôm ấy, tưởng đâu thằng em vợ tôi là Lâm Văn Thạnh mắc kẹt lại vĩnh viễn dưới sà lan rồi! Nó đang lặn xuống bơm nước dưới khoang hầm thì bất ngờ chiếc sà lan nổi lên, úp ngược lại làm nó kẹt trong đó. Anh em trên ghe muốn chết điếng! Nhưng nhờ có kinh nghiệm, nó lần từ từ ra khỏi khoang và ngoi lên mặt nước”, ông Phải rùng mình kể lại.

Không ít rủi ro

Từ khi gắn bó với nghiệp thợ lặn, ông Phải đã ra máu mũi cả chục lần, thậm chí có những lần suýt mất mạng. Nghề thợ lặn đòi hỏi phải có sức khỏe tốt thì mới chịu đựng được sức ép của nước dưới sông sâu. “Có lần tôi bị cảm nhẹ, cố gắng đi chụp chài để bắt cá lớn. Tưởng lướt qua được nào ngờ lặn chỉ khoảng 15 phút thì mình trở nên lạnh cóng. Biết chẳng lành, tôi ngoi đầu lẹ lên mặt nước thì máu mũi chảy ròng ròng. Thằng con trai lớn mới kéo tui lên chở liền đi bệnh viện. Phải mất cả tuần tui mới hồi phục sức khỏe”, ông Phải nhớ lại tai nạn kinh hoàng ấy.

Lặn sông mò tôm, bắt ốc 

Ông Phải cho biết ở xóm cồn Phó Ba hồi xưa có ông Tư Ngọ, được mệnh danh là “rái cá” trên sông. Khoảng 20 năm trước, ông cùng những thợ lặn trong xóm chứng kiến ông Tư Ngọ lặn chụp chài trên sông Hậu. Với độ sâu gần 30 sải tay, vậy mà ông Tư Ngọ chỉ cần hít một hơi thật sâu rồi nhảy tọt xuống sông sâu bắt cá. Đứng trên xuồng hút khoảng nửa điếu thuốc rê ông Tư Ngọ mới ngoi đầu lên. Ai cũng thán phục trước cái biệt tài lặn sông của ổng. Vậy mà đến gần 60 tuổi, ông Tư Ngọ cũng mắc bạo bệnh rồi qua đời.

Nghề thợ lặn thường được ví von như nghề “đâm hà bá”. Ngày nào làm thì có tiền đong gạo, còn hôm nào nghỉ lặn, gác mái dầm thì coi như đói. Những người thợ lặn chỉ mong muốn có chỗ ở và việc làm ổn định. Họ cũng sợ bệnh tật, chết bất đắc dĩ trên sông, nhưng vì không có đất sản xuất phải bám víu cái nghiệp thợ lặn. Những gia đình thợ lặn, con em đều ít học. Khi lớn lên, con cái thường nối nghiệp cha chúng, tạo thành một vòng lẩn quẩn.

Thanh niên