TIN THỦY SẢN

Xuân Vinh (Nam Định): Phát triển nuôi thủy sản

Ông Hoàng Minh Thiện, xóm 19, xã Xuân Vinh cho cá ăn. Thanh Hoa

Trên những ao cá vuông vắn, trên bờ phủ cỏ xanh mướt của ông Hoàng Minh Thiện, xóm 19, xã Xuân Vinh (Xuân Trường, Nam Định), chúng tôi gặp ông đang say sưa cho đàn cá ăn ở một góc ao. Tiếng cá quẫy tranh nhau đớp mồi xôn xao. Xã Xuân Vinh được thiên nhiên ưu đãi bởi có nguồn nước sông Sò dồi dào, là một nhánh nhỏ của sông Hồng, chịu ảnh hưởng của thủy triều và nước mặn từ biển nên thích hợp cho nuôi thủy sản nước mặn, nước ngọt và cả nước lợ. “Thứ nhất canh trì”! Nhiều hộ dân ở đây đã biết khai thác lợi thế mặt nước này để phát triển nuôi thủy sản, làm giàu. Ông Thiện cũng đã có thâm niên nuôi thủy sản hơn chục năm nay với đối tượng nuôi chủ yếu là các loại cá truyền thống như cá trắm đen, cá trôi, cá chép… Trước kia, khu ao này của một người nuôi tôm thẻ chân trắng nhưng không thành công do chưa có kinh nghiệm; sau đó, ông Thiện đã thuê lại nuôi thủy sản nước ngọt. Ông đầu tư cải tạo hút bùn đáy, xây dựng lại bờ ao, tu sửa bờ cống cấp thoát nước, phủ bạt quanh sườn ao để ngăn cá rúc làm sạt lở bờ, đầu tư máy sục khí, máy cấp nước...

Cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, ông còn tích cực tham gia các lớp tập huấn về nuôi thủy sản nước ngọt do xã, huyện và một số cơ quan chức năng khác tổ chức. Ông đã kết hợp nuôi dê và nuôi lợn trên bờ để có thêm nguồn thu. Phân lợn sẽ được tận dụng để nuôi cá, còn phân dê ông tận dụng cho việc chăm bón cỏ xung quanh bờ ao làm thức ăn cho cá. Không ngừng đầu tư, học hỏi và phấn đấu, năm 2011, khu chăn nuôi của hộ ông Thiện là một trong những địa chỉ đầu tiên của xã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn trang trại. Trang trại của ông Thiện hiện có diện tích 2ha nuôi thủy sản, 10 con lợn và 20 con dê.

Trung bình mỗi năm ông thu hoạch được 7 tấn cá; kể cả thu nhập từ đàn lợn và đàn dê thì mỗi năm ông có nguồn thu 200 triệu đồng trừ chi phí. Ngoài hộ ông Thiện ở xã Xuân Vinh còn có nhiều hộ khác nuôi thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao như bà Ngô Thị Oanh, xóm 19; ông Trần Thanh Năm, xóm 19; ông Nguyễn Văn Yêu, xóm 16… Ông Nguyễn Văn Yêu có 1,5ha diện tích ao nuôi chủ yếu là cá vược. Cá giống được ông nhập về từ Hải Phòng. Chất lượng con giống là một trong những yếu tố quyết định thành công hay thất bại cho vụ nuôi nên ông luôn lựa chọn kỹ càng những con giống khỏe mạnh, bơi lội nhanh nhẹn, đồng đều về kích cỡ nhằm hạn chế tối đa hao hụt do cá lớn ăn thịt cá nhỏ. Ông còn thả xen kẽ số lượng ít cá trắm cỏ và cá trắm đen để chúng ăn thức ăn dư thừa và tạp chất trong ao, giúp làm sạch môi trường nước. Ông Yêu cho biết, cá vược là đối tượng nuôi cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại cá khác. Cá vược vốn sống ở môi trường nước mặn, lợ. Bằng sự sáng tạo và học hỏi không ngừng, ông đã thuần hóa, đưa cá vược vào nuôi trong ao nước ngọt. Trước khi thả cá về nuôi trong ao nước ngọt, ông pha nước ngọt để hạ độ mặn xuống từ từ, nuôi từ 4 đến 5 ngày cho đến khi cá hoàn toàn thích nghi ở nước ngọt. Hiện nay, đối tượng nuôi đặc sản nước ngọt trên địa bàn tỉnh ta chưa thực sự đa dạng nên việc đưa cá vược vào nuôi trong ao nước ngọt sẽ giúp đa dạng đối tượng nuôi thủy sản và tăng hiệu quả kinh tế. Bằng kinh nghiệm thực tế của mình, ông Yêu chia sẻ: Cá vược trong môi trường nước ngọt dễ nuôi và phát triển nhanh hơn môi trường nước mặn. Mặt khác, cá vược khỏe, ít bị dịch bệnh, sức đề kháng tốt và không cần phải tốn công chăm sóc nhiều, giá bán ổn định từ 100-150 nghìn đồng/kg.

Cá vược nuôi tại hộ của ông chủ yếu cung ứng cho khu du lịch Quất Lâm và khách hàng ở Hải Phòng. Mỗi năm, trừ chi phí, ông thu nhập 300 triệu đồng. Tuy cá vược không đòi hỏi chăm sóc nhiều nhưng để đạt hiệu quả tốt nhất, ông Yêu thường xuyên vệ sinh ao, cho cá ăn đầy đủ cả về số lượng và chất lượng, chú trọng bổ sung men tiêu hóa và vitamin C trộn vào thức ăn nhằm tăng sức đề kháng cho cá.

Xã Xuân Vinh hiện có diện tích 39,1ha mặt nước đã được khai thác phát triển nuôi thủy sản với 2 vùng nuôi tập trung ven sông Sò và vùng Sau Tú. Các đối tượng nuôi chính vẫn là cá truyền thống và mới đây có thêm cá lăng là con nuôi có giá trị kinh tế được bà con đưa vào nuôi thả thành công. Sản lượng cá trung bình hằng năm toàn xã thu được là trên 100 tấn các loại. Nuôi thủy sản từ bao đời nay đã trở thành một nghề chính của người dân xã Xuân Vinh, giúp đời sống người dân được cải thiện đáng kể. Trong định hướng phát triển kinh tế địa phương, Đảng ủy, UBND xã luôn xác định khai thác lợi thế tự nhiên để phát triển nuôi thủy sản, đa dạng các đối tượng nuôi là hướng đi chính để phát triển thành mũi nhọn kinh tế. Từ đó xã tập trung chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để các hộ dân mở rộng diện tích và đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất. Ban Nông nghiệp xã phối hợp với Phòng NN và PTNT huyện phổ biến, hướng dẫn kỹ thuật nuôi thủy sản giúp người dân yên tâm sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, làm giàu cho gia đình và cho xã hội./.

Thanh Hoa Báo Nam Định, 12/08/2016