Xuất hiện hiện tượng trục lợi trong bảo hiểm tôm nuôi
Cổng TTĐT Chính phủ nhận được phản ánh của người dân tại Sóc Trăng về hiện tượng một số đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi có biểu hiện trục lợi trong quá tình triển khai thực hiện Chương trình thí điểm bảo hiểm tôm nuôi theo Quyết định số 315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Chương trình thí điểm bảo hiểm đối với tôm nuôi, các hộ dân sẽ ký hợp đồng bảo hiểm tôm nuôi với các doanh nghiệp bảo hiểm. Nhưng thời gian qua, tình hình tiêu thụ tôm gặp khó khăn, ảnh hưởng dịch bệnh nên nhiều hộ nuôi bị thất thu, không còn vốn để nuôi tiếp và không đủ điều kiện để tham gia vào Chương trình này.
Trước tình hình đó, một số đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi đã đứng ra cung cấp con giống, thức ăn cho các hộ nuôi tôm để các hộ này tiếp tục nuôi và tham gia chương trình bảo hiểm.
Tuy nhiên, theo phản ánh của ông Nguyễn Hoàng Kha, một hộ nuôi tôm tại xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng đến Cổng TTĐT Chính phủ, hành vi này của một số đại lý kinh doanh thức ăn có biểu hiện trục lợi.
Ông Kha cho biết, các đại lý cung cấp con giống, thức ăn cho nông dân nhưng lại khai tăng giá tôm giống, giá thức ăn; khai tăng mật độ nuôi thả. Chẳng hạn, đại lý lấy giống tôm thẻ chân trắng không rõ nguồn gốc với giá 27 đồng/con, về bán lại cho bà con nông dân với giá 85 đồng/con. Thức ăn cho tôm có giá 27.000 đồng/kg thì đại lý kê khai đến 40.000 đồng/kg. 1m2 ao chỉ thả vài chục con giống, nhưng trên giấy tờ lại kê khai 100 con/m2.
Trường hợp tôm chết, theo quy định thì người nông dân sẽ được chi trả tiền bảo hiểm, nhưng thực chất qua cách làm trên đối tượng hưởng lợi là các đại lý đối với phần tăng khống, còn người nông dân chỉ được nhận số tiền bồi thường theo thỏa thuận riêng với từng đại lý.
Theo ông Kha, hiện tượng này cần sớm được cơ quan chức năng kiểm tra và có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Trao đổi với phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ về hiện tượng này, ông Lê Minh Thưởng, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, hiện tỉnh chưa nhận được trực tiếp phản ánh của người dân về hiện tượng trục lợi trong bảo hiểm tôm, như trường hợp nêu trên.
Tìm hiểu ở 4 địa phương đang thí điểm triển khai bảo hiểm tôm (gồm các tỉnh: Bến Tre, Cà Mau, Bạc Liêu và Trà Vinh) phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ được cho biết, ở Bạc Liêu cũng xuất hiện hiện tượng gian lận trong kê khai để hưởng bảo hiểm tôm nuôi, chủ yếu là kê khai không đúng số lượng con giống.
“Những trường hợp này, chúng tôi đã cho kiểm tra, nếu số lượng kê khai chênh lệnh ít so với thực tế thì Công ty chỉ cảnh cáo, sau đó chấp nhận bảo hiểm theo số lượng con giống thực tế. Còn một số hộ dân kê khai lượng con giống cao gấp nhiều lần so với thực tế, thì không được chấp nhận”, Ông Trần Thanh Lạc, Giám đốc Công ty bảo hiểm Bảo Việt tỉnh Bạc Liêu cho hay.
Bến Tre và Cà Mau đến nay chưa nhận được phản ánh nào về hiện tượng gian lận để trục lợi bảo hiểm tôm nuôi và cũng chưa phát hiện trường hợp gian lận nào. Tuy nhiên, cả hai địa phương này đều khẳng định sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện trường hợp lợi dụng chính sách này để trục lợi.
Trà Vinh là tỉnh được bổ sung thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đối với tôm từ tháng 8/2012. Theo ông Trần Trung Hiền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, địa phương đang tiến hành các thủ tục để kịp triển khai thực hiện chương trình vào tháng 12/2012, khi các hộ nông dân tiến hành thả giống tôm đợt mới.
Chương trình thí điểm bảo hiểm tôm nuôi là chính sách hỗ trợ người nông dân trong hoàn cảnh khó khăn. Sau hơn 1 năm thực hiện, Chương trình đã giúp nhiều nông dân khắc phục, bù đắp thiệt hại tài chính do hậu quả của thiên tai, dịch bệnh gây ra.
Tuy nhiên, quá trình triển khai chính sách đúng đắn này lại đang xuất hiện hành vi biến tướng để trục lợi cho đơn vị kinh doanh thức ăn chăn nuôi, chứ không phải hỗ trợ cho các hộ nuôi tôm đúng như mục tiêu của Chương trình thí điểm bảo hiểm tôm nuôi đặt ra.
Cổng TTĐT Chính phủ sẽ trở lại vấn đề này sau khi liên hệ với cơ quan chức năng.