TIN THỦY SẢN

Xuất khẩu cá tra có dấu hiệu tích cực trở lại ở một số thị trường

Xuất khẩu cá tra có dấu hiệu tích cực. Lâm Tùng

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá tra có dấu hiệu tích cực trở lại ở một số thị trường trọng điểm.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhờ “sức ấm” tại một số thị trường nhập khẩu và sự chủ động đưa sản phẩm cá tra ra thị trường nội địa mà tới giữa tháng 10, giá cá tra nguyên liệu loại 0,7 - 0,8 kg/con tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã tăng lên gần 22.000 đồng/kg, tăng 3.500 đồng/kg so với tháng trước đó. Giá cá tra một số size lớn hơn cũng tăng lên 23.500 đồng/kg.

"Điều này phản ánh xu hướng tích cực dần của thị trường, tuy nhiên, cả người nuôi và doanh nghiệp xuất khẩu cần thận trọng trước khi quyết định mở rộng hay gia tăng đột ngột diện tích nuôi, sản xuất cá nguyên liệu", VASEP phân tích.

Tính đến hết tháng 9, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt 1 tỷ USD, giảm 28,6% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 9, giá trị xuất khẩu đạt 129 triệu USD, giảm 17,6% so với cùng kỳ năm 2019.

VASEP cho biết kể từ cuối quý III, tình hình nhập khẩu cá tra ở một số thị trường lớn đã tích cực trở lại, nhất là Trung Quốc - Hong Kong. Nhờ đó, giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL tăng.

Trung Quốc - Hong Kong vẫn là 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất

Cụ thể, kể từ cuối tháng 9 và đầu tháng 10, hoạt động xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc - Hong Kong đã tấp nập trở tại. Theo thông tin từ một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn sang thị trường này, điều đặc biệt trong năm nay là kể cả dịp Lễ quốc khánh Trung Quốc (1/10) nhiều khách hàng vẫn đặt hàng. Tuy nhiên, sự khởi động lạc quan này được đánh giá mới chỉ là bước đầu, trong đó phần lớn nhu cầu tập trung ở nhóm sản phẩm cá tra size lớn từ 1,1 - 1,3 kg/con.

Cùng với Trung Quốc - Hong Kong, Mỹ vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu cá tra lớn hàng đầu của Việt Nam. 2 thị trường này chiếm 50% tổng giá trị xuất khẩu cá tra trong tổng số 133 thị trường.

Tuy nhiên, với thị trường Mỹ, dù vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu cá tra xuất khẩu nhưng giá trị xuất khẩu vẫn chưa hồi phục và ổn định trở lại sau Covid-19.

Cá tra sang ASEAN, EU vẫn bấp bênh, sang Anh nhiều triển vọng

Còn tại ASEAN - thị trường xuất khẩu lớn thứ 3, tính đến hết tháng 9, tổng giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt 102,8 triệu USD, giảm 30,3% và vẫn chưa đạt thế cân bằng trở lại.

Trong đó, giá trị xuất khẩu sang 3 thị trường lớn nhất khu vực là Thái Lan, Singapore và Malaysia giảm lần lượt 27,4%; 1,4% và 25,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường được đánh giá là tích cực hơn cả là Singapore, dù thế trong tháng 9, giá trị xuất khẩu cũng giảm 15% so với cùng kỳ năm 2019. 

Tương tự như ASEAN, 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra sang EU bấp bênh và nhiều tháng giảm sút. Tổng giá trị xuất khẩu sang khu vực này đạt 98,4 triệu USD, giảm 33,8%. Trong đó, 4 thị trường nhập khẩu lớn nhất là Hà Lan và Bỉ đều giảm 27,7%; Đức giảm 35,4% và Tây Ban Nha giảm 17,2% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo tới cuối năm, giá trị xuất khẩu cá tra EU tiếp tục giảm.

Khác với các thị trường khác, trong năm nay, xuất khẩu cá tra sang Anh được đánh giá là "thực sự nổi bật". Tháng 9, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 4,8 triệu USD, tăng 68,4%. Tính đến quý III, tổng giá trị xuất khẩu đạt 30,78 triệu USD, tăng gần 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là thị trường có mức tăng trưởng dương khả quan nhất trong top 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của cá tra Việt Nam.

Lâm Tùng Người Đồng Hành