TIN THỦY SẢN

Xuất khẩu cá tra đầu năm gặp khó khăn

Ảnh minh họa Tuấn Kiệt

Trong 4 tháng đầu năm 2013, giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này đủ để cho thấy những khó khăn mà ngành cá tra Việt Nam đã, đang và sẽ phải đối diện...

Sụt giảm mạnh tại nhiều thị trường lớn

Số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, 4 tháng đầu năm 2013, giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam chỉ đạt 534,8 triệu USD, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2012.

Trong 8 thị trường chính nhập khẩu cá tra của Việt Nam thì có đến 3 thị trường là EU, Mexico và Colombia sụt giảm nhập khẩu mạnh so với cùng kỳ năm 2012. Cụ thể, giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang EU trong 4 tháng đầu năm 2013 chỉ đạt 126 triệu USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2012; Mexico đạt 33,1 triệu USD, giảm 13,1%; và Colombia đạt gần 16,8 triệu USD, giảm 6,9%.

Mặc dù sụt giảm mạnh nhưng EU vẫn là thị trường nhập khẩu hàng đầu của cá tra Việt Nam khi chiếm đến 23,6% tỷ trọng giá trị; tiếp đến là Mỹ với tỷ trọng đạt 21,2%, tăng so với 19,9% của cùng kỳ năm 2012.

Tuy nhiên, theo nhận định của một số doanh nghiệp, nếu thị trường EU vẫn tiếp tục giảm trong những tháng tiếp theo trong khi thị trường Mỹ đang tăng tốc nhập khẩu thì có khả năng Mỹ sẽ vươn lên vị trí số 1 về nhập khẩu cá tra Việt Nam.

Phía trước còn nhiều “sóng gió”

Mới đây, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố tăng thuế chống bán phá giá (CBPG) đối với mặt hàng cá tra fillet đông lạnh của Việt Nam trong đợt xem xét hành chính lần 8 (POR8) lên 1,29 USD/kg, tăng 67% so với mức 0,77 USD/kg đưa ra trước đó trong tháng 3/2013 vì cho rằng đã có sai sót trong tính toán.

Với quyết định này từ phía Mỹ, dường như cánh cửa bước vào thị trường Mỹ của cá tra Việt Nam đã khép lại, bởi theo tính toán của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, hiện giá bán cá tra của Việt Nam ở thị trường Mỹ bình quân khoảng 2,8 - 3 USD/kg, nếu bị đánh thuế suất 1,29 - 2,39 USD/kg thì cá tra Việt Nam phải tăng giá bán lên thành 4,2 - 5,4 USD/kg mới không bị lỗ, như vậy phải tăng gần gấp đôi. Điều này không khác nào ép các doanh nghiệp Việt Nam từ bỏ thị trường này.

Hơn thế nữa, sắp tới đây, “vị thế độc quyền” của cá tra Việt Nam có thể bị lung lay bởi hiện nay có một số nước như: Philippines, Indonesia... đang đầu tư mạnh mẽ để đẩy mạnh sản xuất cá tra.

Đơn cử như Philippines, gần đây, Bộ Thương mại và Công Nghiệp Philippines (DTI) đã giao Dự án phát triển ngành cá tra quốc gia cho Nhóm Phát triển và Điều hành nội địa (RODG) với tổng số vốn đầu tư 650 triệu peso nhằm mục tiêu đạt doanh thu 945 triệu peso vào năm 2016. Theo kế hoạch phát triển ngành cá tra của Philippines, DTI sẽ xây dựng vùng nuôi cá tra có tổng diện tích 270 ha, sử dụng 2.700 lao động và sản xuất 614 tấn cá tra fillet mỗi tháng.

Còn tại Indonesia, Tổng Vụ trưởng nuôi trồng thủy sản, Bộ Biển và Nghề cá Indonesia (MMAF), Slamet Soebjakto trong chương trình thăm và làm việc tại quận Tanjung Jabung Timur, Jambi, Indonesia khẳng định, tương tự như sông Mê Kông, sông Batanghari ở Jambi là khu vực tiềm năng để trở thành một trong những trung tâm nuôi cá tra lớn nhất ở Indonesia. Tiềm năng khu vực và nguồn tài nguyên cá tra của Indonesia có thể sánh được với của Việt Nam. Trên thực tế, nếu Indonesia có thể tận dụng, trao quyền và sử dụng các tài sản công nghệ sẵn có, sản xuất cá tra của Indonesia có thể vượt Việt Nam.

Slamet cho biết thêm, Indonesia có thể trở thành nhà sản xuất cá tra lớn nhất thế giới. Điều này phù hợp với chính sách của MMAF đã chọn cá tra là một trong những mặt hàng chủ lực cho công cuộc công nghiệp hóa ngành nuôi trồng thủy sản. Vì vậy, mặt hàng này sẽ được phát triển hàng năm. Hơn nữa, Indonesia có tiềm năng nuôi cá tra hơn nhờ sự phong phú của các con sông, hồ, bể chứa, các ao hồ nhân tạo.  

Theo đó, ngành cá tra Việt Nam cần sự nỗ lực và chung tay của toàn ngành để vượt qua sóng gió và hướng tới sự phát triển bền vững

Tuấn Kiệt