Xuất khẩu cá tra sang Mỹ buộc phải thay đổi từ A đến Z
Theo nhận định của một số số doanh nhân ngành hàng cá tra, đây cũng là cơ hội lớn buộc ngành hàng cá tra phải có sự thay đổi một cách mạnh mẽ theo hướng sản xuất theo chuỗi giá trị, đảm bảo ATTP từ khâu giống, thức ăn, nuôi tới chế biến.
Theo thông tin từ một số DN, sở dĩ Cơ quan Thanh tra và ATTP Mỹ (FSIS) tiến hành thanh tra 100% lô hàng cá da trơn từ 2/8 thay vì 1/9, là bởi trước đó, quá trình kiểm tra ngẫu nhiên của cơ quan chức năng nước này đã phát hiện một lượng cá da trơn không nhỏ (250.000 kg) NK không vượt qua được yêu cầu về ATTP. Cuối tháng 6 vừa rồi, có một số lô hàng cá tra Việt Nam đã không vượt qua được các cuộc kiểm tra của Mỹ và bị buộc phải trả về, gây thiệt hại không nhỏ cho nhà XK.
Việc FSIS tiến hành thanh tra 100% lô hàng cá da trơn NK sớm 1 tháng so với thông báo trước đó sẽ gây khó khăn gì cho XK cá tra Việt Nam vào Mỹ? Theo thông tin từ một số doanh nhân ngành hàng cá tra, chắc chắn sẽ gây ra những khó khăn không nhỏ. Chỉ riêng việc kiểm tra 100% lô hàng sẽ khiến cho các DN phải căng thẳng, tốn kém chi phí hơn nhiều so với trước đây. Bởi thời gian 1 container bị giữ lại để kiểm tra, nhanh cũng phải 7 ngày, chậm lên tới 10 ngày, qua đó vừa ảnh hưởng đến tiến độ, kế hoạch đưa hàng vào thị trường Mỹ, vừa làm tăng thêm chi phí lưu kho.
Bên cạnh đó, chi phí để kiểm tra hiện lên tới khoảng 10.000 USD/container thay vì 7.000-8.000 USD/container như trước đây. Chi phí kiểm tra với mỗi container cao như vậy, mà phải bị kiểm tra 100% container cá tra XK vào Mỹ, chắc chắn chi phí chung trong hoạt động XK cá tra của các DN sang thị trường này sẽ bị đội lên rất nhiều.
Nhưng nỗi lo lớn nhất đối với các DN XK cá tra sang Mỹ là không vượt qua được các chỉ tiêu về ATTP cho tất cả các lô hàng của mình. Thông báo của FSIS cho thấy có tới trên 200 chỉ tiêu về ATTP được đặt ra với mỗi lô hàng cá tra. Cụ thể: 85 chỉ tiêu về thuốc thú y, 4 chỉ tiêu các dẫn xuất của Nitrofurans, 106 chỉ tiêu thuốc BVTV, 4 chỉ tiêu thuốc nhuộm và 17 chỉ tiêu kim loại. Mà mỗi lô hàng không vượt qua được kiểm tra của FSIS đều bị buộc phải trả về, gây nhiều tốn kém cho DN XK, đồng thời ảnh hưởng tới uy tín của DN trên thị trường Mỹ.
Ngoài ra, theo bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Cty CP Vĩnh Hoàn, khi FSIS thanh tra 100% lô hàng cá da trơn NK, các nhà XK có thêm nỗi lo ùn tắc các lô hàng cá da trơn tại các cảng ở Mỹ. Bởi hiện nay, cơ sở hạ tầng (kho lạnh) ở Mỹ chưa đủ để chứa hết các lô hàng cá da trơn NK khi mà toàn bộ những lô hàng này đều phải được đưa vào chờ kiểm tra. Như ở California, nếu thanh tra 100% lô hàng cá da trơn NK vào bang này, thì chắc chắn sẽ gây ra ùn tắc tại các cảng do hệ thống kho lạnh hiện mới đang xây dựng thêm, đến sang năm mới đủ sức chứa.
Lo ngại của bà Khanh hoàn toàn có cơ sở, vì vừa qua, khi cơ quan chức năng Mỹ mới tiến hành kiểm tra 20% lô hàng cá da trơn NK, đã gây ra sự ùn tắc đối với các lô hàng cá da trơn NK tại một số cảng của nước này.
Tuy nhiên, theo nhận định của một số số doanh nhân ngành hàng cá tra, đây cũng là cơ hội lớn buộc ngành hàng cá tra phải có sự thay đổi một cách mạnh mẽ theo hướng sản xuất theo chuỗi giá trị, đảm bảo ATTP từ khâu giống, thức ăn, nuôi tới chế biến. Bởi chỉ có sản xuất theo chuỗi ATTP một cách nghiêm ngặt từ đầu vào đến đầu ra, các lô hàng cá tra XK sang Mỹ mới có thể vượt qua được tần suất kiểm tra 100% khá ngặt nghèo kể từ 2/8.
Xây dựng chuỗi giá trị cá tra đảm bảo ATTP từ đầu đến cuối, đòi hỏi những nỗ lực cùng công sức, chi phí không nhỏ của từng DN. Nhưng nếu vượt qua được sự kiểm tra của FSIS, thành quả thu được sẽ là không nhỏ. Vì với tần suất kiểm tra mới là 20% như hiện tại, lượng cá tra Việt Nam đủ khả năng lọt vào được thị trường Mỹ đã giảm đáng kể so với trước đây, nhưng giá bán lại tăng lên rất cao, hiện đã vào khoảng 4-5 USD/kg. Theo tiết lộ của 1 doanh nhân ngành hàng cá tra, với giá bán như trên, mỗi container cá tra qua được “cửa ải” FSIS để vào thị trường Mỹ, nhà XK thu lời tới 700-800 triệu đồng.
Một số DN cá tra lớn như Hùng Vương, Vĩnh Hoàn… đang nỗ lực xây dựng chuỗi giá trị cá tra theo tiêu chuẩn BAP 4 sao. Đây là chứng nhận cấp cao nhất của Liên minh nuôi trồng thủy sản toàn cầu (GAA), bởi để đạt được BAP 4 sao, DN phải đảm bảo chất lượng cao nhất trong cả 4 khâu quan trọng: nhà máy chế biến, vùng nuôi, con giống và thức ăn. Nhưng khi đã có được chứng nhận BAP 4 sao, cơ hội vào các thị trường khó tính như Mỹ, EU… là rất lớn.