TIN THỦY SẢN

Xuất khẩu cá tra vào EU ngày càng khó khăn

Xuất khẩu cá tra vào EU ngày càng khó khăn Trung Chánh

Xuất khẩu cá tra Việt Nam vào Liên minh châu Âu (EU) nói chung và Tây Ban Nha nói riêng sụt giảm mạnh trong những tháng đầu năm nay, đặc biệt sau sự cố bôi nhọ của một kênh truyền hình Tây Ban Nha. Trong khi đó, việc Ủy ban châu Âu chuẩn bị thanh tra hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản Việt Nam, từ tháng 6-2017, có thể khiến việc xuất khẩu mặt hàng này vào thị trường này sẽ khó khăn hơn.

Đầu năm 2017, Đài truyền hình Cuatro TV của Tây Ban Nha đã phát sóng một chương trình có nội dung thông tin không chính xác về hình ảnh cá tra Việt Nam.

Trao đổi với TBKTSG Online ngay sau thông tin được phát đi từ kênh truyền hình Cuatro TV, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, sau thông tin trên, đã có một nhóm người dựa vào việc này để tuyên truyền không tốt về ngành cá tra Việt Nam. “Phía bên đấy có một nhóm đang muốn thông qua chuyện môi trường để thổi phồng câu chuyện nhằm vận động sự ủng hộ cho việc bán hàng của họ, thay vì nhập khẩu cá tra Việt Nam để bán”, ông Hòe cho biết.

Theo ông Hòe, những phản ánh trong đoạn clip của kênh truyền hình trên không đại diện cho ngành cá tra Việt Nam, nó không phải là quy trình “chuẩn” của ngành cá tra xuất khẩu Việt Nam, mà chỉ là một hiện tượng “nhưng đã bị thổi phồng để nói xấu ngành cá tra Việt Nam, giống như trường hợp từng xảy ra ở thị trường Đức”, ông cho biết.

Dù khẳng định cá tra Việt Nam vẫn đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, nhưng ông Hòe cho biết, sự cố nêu trên đã khiến kim ngạch xuất khẩu sản phẩm này vào EU nói chung và Tây Ban Nha nói riêng sụt giảm mạnh.

Cụ thể, theo thông tin từ VASEP, 3 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu cá tra vào EU chỉ đạt 49,9 triệu đô la Mỹ, giảm 21,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu sang Tây Ban Nha giảm 42,8% so với cùng kỳ năm ngoái; sang Hà Lan, Anh và Đức cũng lần lượt giảm 2,8%, 15% và 27,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước đó, theo VASEP, trong hai tháng đầu năm 2017, giá trị xuất khẩu cá tra sang Tây Ban Nha chỉ đạt 6,11 triệu đô la Mỹ, giảm 19,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Việc xuất khẩu cá tra vào Tây Ban Nha sụt giảm mạnh như nêu trên đã diễn ra khác với những dự báo trước đó của các doanh nghiệp lẫn VASEP rằng sự việc bôi nhọ kia tuy có ảnh hưởng nhất định đến việc tiêu thụ cá tra Việt Nam, nhưng không đáng kể.

Nhằm giúp lấy lại hình ảnh cá tra của Việt Nam tại châu Âu sau sự cố bôi nhọ, chiều 24-5 (giờ địa phương), Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng đã chủ trì buổi họp báo tại Đại sứ quán Việt Nam ở Tây Ban Nha để thông tin về tình hình sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu cá tra của Việt Nam, theo TTXVN.

Ông Hưng nhấn mạnh trong thời gian qua, có một số phóng sự, bài báo chưa phản ánh đầy đủ cũng như đưa thông tin không chính xác về tình hình nuôi trồng, sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Điều này đã ảnh hưởng phần nào đến niềm tin của người tiêu dùng Tây Ban Nha và uy tín của các nhà cung cấp cá tra Việt Nam.

Tại buổi họp báo, đại diện của VASEP và một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam vào EU đã cung cấp những thông tin đầy đủ về ngành cá tra của Việt Nam và khẳng định sản phẩm cá tra Việt Nam vẫn an toàn.

Trong một diễn biến khác có liên quan đến thị trường EU, VASEP cho biết, trong tháng 6-2017, Ủy ban châu Âu sẽ thanh tra hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào EU. Theo đó, tất cả các khâu liên quan đến an toàn thực phẩm trong nuôi thủy sản đều bị thanh tra, từ cấp phép cho lưu hành thức ăn thủy sản, thuốc thú y, sản phẩm phục vụ nuôi thủy sản, sử dụng thuốc thú y trong quá trình nuôi, cho đến việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình chế biến ở các nhà máy...

Theo VASEP, để xuất khẩu sản phẩm thủy sản sang thị trường một số quốc gia thành viên của EU, bên cạnh việc tuân thủ các quy định chung của EU, doanh nghiệp thủy sản trong nước phải đáp ứng một số yêu cầu riêng của các quốc gia này, và thường khắt khe hơn so với yêu cầu chung của EU.

Một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vào EU cho rằng, với việc thanh tra này, xuất khẩu thủy sản vào đây thời gian tới sẽ còn khó khăn hơn.

Liên quan vấn đề này, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NafIqad) cũng đã đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quyết định ngừng cấp chứng thư cho các lô hàng thủy sản được sản xuất từ các cơ sở có lô hàng bị cơ quan thẩm quyền EU cảnh báo. Việc cấp chứng thư sẽ được thực hiện trở lại khi doanh nghiệp có báo cáo điều tra nguyên nhân và thực hiện các biện pháp khắc phục.

Trung Chánh TBKTSG