TIN THỦY SẢN

Xuất khẩu nông lâm thủy sản nhắm mục tiêu tăng 20%

Ngư dân đang làm việc tại một cảng cá. Ảnh minh họa: NH Tự Phong

Năm 2016, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản đạt hơn 32 tỉ đô la Mỹ và đến năm 2020, Chính phủ đặt mục tiêu giá trị thu về của khối ngành hàng này sẽ tăng bình quân 20% so với hiện nay, tương đương khoảng 38,4 tỉ đô la Mỹ.

Mục tiêu trên là một phần của Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1137/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án này.

Theo số thống kê các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, có thế mạnh của Việt Nam trong quyết định trên, ngoài các mặt hàng nông sản, thủy sản, còn có thêm sản phẩm của các ngành thâm dụng lao động như dệt may, đồ gỗ, nhựa, da giày... Các ngành này có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong nước.

Những sản phẩm sử dụng công nghệ lắp ráp, sản xuất cao như điện thoại, máy tính, máy ảnh và các máy móc thiết bị khác cũng nằm trong danh mục những mặt hàng đang có thế mạnh xuất khẩu trong Quyết định 1137. Nhưng nhóm ngành hàng này phụ thuộc nhiều đến các công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại Việt Nam.

Vì thế, có thể hiểu rằng, Đề án nâng cao năng lực canh tranh cho các mặt hàng xuất khẩu mà doanh nghiệp Việt Nam thực sự thu được ngoại tệ nhiều nhất trong những năm tới vẫn nhờ vào khối ngành hàng nông nghiệp và sử dụng lao động nhiều như thủy sản, dệt may, da giày...

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tổng giá trị xuất khẩu khối ngành hàng nông sản trong năm 2016 là hơn 32 tỉ đô la Mỹ, tăng 5,4% so với năm 2015. Như vậy, nếu căn cứ theo mục tiêu đặt ra trong Quyết định 1137 nói trên, đến năm 2020, giá trị các mặt hàng nông lâm thủy sản vào khoảng 38,4 tỉ đô la Mỹ.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, mục tiêu mà Chính phủ đặt ra ở khía cạnh nào đó là động lực để Việt Nam có những chiến lược tiếp thị, xúc tiến thương mại phù hợp cho các mặt hàng nông lâm thủy sản nói chung và các mặt hàng xuất khẩu khác nói riêng.

Theo ông Hòe, với mục tiêu đến năm 2020, giá xuất khẩu thu về tăng 20% so với hiện nay, đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản nhiều khả năng sẽ đạt được.

“Với mức tăng trưởng như năm nay, thì đến năm 2020, ngành thủy sản sẽ mang về 10 tỉ đô la Mỹ là không quá khó khăn, nhưng với điều kiện là các doanh nghiệp tập trung vào những mặt hàng giá trị gia tăng để bán vào những thị trường khó tính như Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Mỹ”, ông Hòe nói.

Trong 7 tháng đầu năm 2017, giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 4,3 tỉ đô la Mỹ, tăng 17,5% so với cùng kỳ. VASEP dự báo giá trị xuất khẩu các mặt hàng thủy sản trong năm 2017 sẽ đạt 8 tỉ đô la Mỹ.

Ngoài việc đặt ra những con số về ngoại tệ mà các ngành hàng sẽ mang về trong những năm tới thì Quyết định 1137 cũng được xem là một cách để Chính phủ định hình cho các bộ ngành phải hướng các ngành nghề có liên quan đi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, giảm dần xuất khẩu sản phẩm thô.

Để đạt mục tiêu đặt ra, các bộ ngành sẽ phải có những chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc mở rộng thị trường, làm việc với các bên liên quan để tháo gỡ các rào cản kỹ thuật vốn được dựng lên ngày càng nhiều ở những nước mà Việt Nam đã ký các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là cho khối ngành hàng nông sản.

Các giải pháp khác để thực hiện đề án trên là tổ chức lại sản xuất thông qua chuyển đổi phương thức sản xuất và xuất khẩu. Trong đó, đối với nông sản, chuyển từ sản xuất nhỏ phân tán sang sản xuất tập trung quy mô lớn, quản lý chất lượng từ nuôi trồng đến vận chuyển, chế biến, bảo quản, tiêu thụ.

Việc chuyển đổi phương thức xuất khẩu cũng sẽ được đẩy mạnh, từ xuất khẩu qua trung gian sang xuất khẩu trực tiếp. Bên cạnh đó, các giải pháp cũng sẽ tập trung vào chuyển dịch cơ cấu sản phẩm xuất khẩu theo hướng nâng cao tỷ trọng sản phẩm có giá trị gia tăng cao; phát triển công nghiệp hỗ trợ đối với các ngành có lợi thế xuất khẩu; mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu; tăng cường xây dựng thương hiệu quốc gia, thương hiệu sản phẩm xuất khẩu và thương hiệu doanh nghiệp.

Chính phủ cũng sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tăng cường các mối liên kết giữa doanh nghiệp cung ứng nguyên phụ liệu với doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cuối, giữa các khâu sản xuất - vận chuyển - chế biến - bảo quản - tiêu thụ, giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài.

Doanh nghiệp cũng sẽ được hỗ trợ về thông tin thị trường và xúc tiến thương mại để tham gia vào mạng lưới sản xuất, phân phối ở nước ngoài và các chuỗi giá trị toàn cầu; đào tạo nguồn nhân lực...

Tự Phong Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 07/08/2017