Xuất khẩu nông – thủy sản sang Trung Quốc: Thay đổi để thích ứng
Hiện nay, xuất khẩu nông - thủy sản sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn do các cơ quan quản lý nước này đang tăng cường kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm... đối với hàng hóa nhập khẩu nói chung, nông - thủy sản nói riêng.
Chưa bớt khó
Theo thông tin từ Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc), chính quyền Quảng Tây đang thực hiện nghiêm chế độ quản lý hàng hóa đưa vào tiêu thụ tại các chợ, siêu thị; tăng cường kiểm tra các loại giấy tờ như: Chứng nhận đạt chuẩn chất lượng, chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ, chứng từ mua hàng đối với hàng nông sản dùng làm thực phẩm. Cấm mua - bán, tàng trữ các loại thực phẩm không phù hợp với tiêu chuẩn an toàn thực phẩm; các trường hợp kinh doanh thực phẩm nhập khẩu phải cung cấp chứng từ kiểm nghiệm kiểm dịch của cơ quan hải quan…
Trong khi đó, chính quyền TP. Đông Hưng (Trung Quốc) - địa phương có chung đường biên giới với Móng Cái, (tỉnh Quảng Ninh) gần đây cũng tăng cường tổng kiểm tra về nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng sản phẩm đối với sản phẩm nông - thủy sản tại các chợ nông sản, siêu thị, khách sạn trên địa bàn.
Vải thiều đang vào giữa vụ, nhưng mỗi ngày chỉ có khoảng 2.000 tấn được làm thủ tục thông quan để xuất khẩu sang Trung Quốc, giảm mạnh so với các năm trước do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ông Vy Công Tường - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn - nhận định, thị trường Trung Quốc đã thay đổi, yêu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn, chất lượng và hàng hóa phải truy xuất nguồn gốc. Thay vì chỉ cần dán tem truy xuất trên bao bì như trước. Ngoài ra, từ ngày 1/7, các phương tiện vận tải của Việt Nam nhập cảnh Trung Quốc đều phải mua bảo hiểm phương tiện.
Trước đó, ông Thang Thành Vỹ - Chủ tịch Hiệp hội hoa quả quốc tế TP. Bằng Tường (Quảng Tây - Trung Quốc) - khuyến nghị, các doanh nghiệp hoa quả của Việt Nam nên đáp ứng đúng yêu cầu của hải quan về việc đóng gói quả vải như không được để lá. Nếu không sẽ bị trả lại, ảnh hưởng đến tiến trình giao dịch của 2 bên.
Chuyển đổi cách trồng trọt
Trước tình hình trên, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho rằng, cần phải chuyển đổi lại cách trồng trọt, cải tiến mẫu mã, bao bì, sản xuất những sản phẩm đáp ứng theo nhu cầu người tiêu dùng Trung Quốc.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vina T&T- cho biết: Nhiều doanh nghiệp Việt đang đẩy mạnh xây dựng những vùng nguyên liệu. Tạo ra sản phẩm sạch để xuất khẩu với giá trị cao sang nhiều thị trường.
“Việc này giúp sàng lọc, cải tạo, nuôi dưỡng, xây dựng vùng nguyên liệu chỉ có một chuẩn, chứ không còn phân biệt là khó tính, dễ tính, nội địa hay xuất khẩu. Có như vậy, thị trường đòi hỏi cao thì doanh nghiệp vẫn đáp ứng được” - ông Tùng chia sẻ.
Trước yêu cầu từ thị trường Trung Quốc, Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp, hộ sản xuất hàng nông-thủy sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng cường giám sát chất lượng, chủ động phối hợp chặt chẽ với đối tác nhập khẩu tuân thủ nghiêm các quy định của Trung Quốc về tiêu chuẩn chất lượng; tích cực theo dõi, nắm bắt thông tin về thị trường để chủ động đưa hàng lên các cửa khẩu biên giới, qua đó góp phần giảm thiểu rủi ro và thời gian thông quan hàng hóa.