TIN THỦY SẢN

Xuất khẩu thủy sản giảm: Hệ lụy của phát triển "nóng"

Cần tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị để hạ giá thành và tăng chất lượng sản phẩm. Ảnh: Như Ý

Năm 2012 là năm khó khăn đối với ngành thủy sản. Do suy thoái kinh tế, các bạn hàng truyền thống nhập khẩu với số lượng ít hơn; việc thiếu vốn cũng đẩy các doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản trong nước rơi vào tình trạng phá sản hoặc hoạt động cầm chừng.

Không như kỳ vọng

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 10 tháng vừa qua, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 5 tỷ USD, tăng 1,7% so cùng kỳ năm 2011. Mặc dù vậy, kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2012 dự báo chỉ đạt khoảng 6,18 tỷ USD, thấp hơn chỉ tiêu đặt ra hồi đầu năm (6,5 tỷ USD) bởi xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt trên 2,2 tỷ USD, giảm 8,3%; cá tra đạt khoảng 1,8 tỷ USD, tương đương với năm 2011... Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch VASEP nhận định, năm 2012, kinh tế khủng hoảng khiến nhu cầu tiêu thụ cá tra, tôm ở các thị trường truyền thống như Mỹ, Nhật Bản, EU… đều giảm làm cho các DN thủy sản lao đao.

Theo thông lệ, tháng 11 hằng năm là thời điểm DN bước vào giai đoạn gấp rút chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất và tiêu thụ thủy sản phục vụ thị trường Noel và Tết dương lịch, nhưng năm nay các đơn đặt hàng đều kém hơn so với mọi năm. Tại thị trường EU, dự báo trong quý IV, kim ngạch xuất khẩu sẽ giảm 12-15% so với cùng kỳ năm 2011. Xuất khẩu thủy sản sang thị trường Mỹ cũng tiếp tục giảm, dự báo trong quý IV-2012 chỉ đạt giá trị khoảng 330 triệu USD, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2011.

Hiện rào cản về quy định chất ethoxyquin trên tôm xuất khẩu tại thị trường Nhật Bản vẫn chưa được giải quyết nên xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản trong quý IV vẫn còn khó khăn. Vì vậy kim ngạch xuất khẩu thủy sản ở thị trường này chỉ đạt khoảng 280 triệu USD, giảm 1,5-2% so với cùng kỳ năm 2011...

Giá thủy sản xuất khẩu sang một số thị trường khác cũng đang giảm mạnh: giá cá tra xuất sang thị trường EU bình quân chỉ khoảng 2,6-2,8 USD/kg khiến DN và người nuôi không có lãi (người nuôi đang bị lỗ từ 3.000-4.000 đồng/kg) dẫn tới nhiều hộ phải treo ao. Điều này khiến khoảng 40% DN chế biến thủy sản thiếu nguyên liệu để sản xuất và tiêu thụ. Ngoài ra, các DN và người nuôi trong nước đang ở trong tình trạng thiếu vốn nên gặp nhiều khó khăn trong thu mua nguyên liệu và tái sản xuất phục vụ cho xuất khẩu.

Tổ chức lại hoạt động xuất khẩu

Các chuyên gia thủy sản cho rằng, năm 2012 là năm sóng gió của ngành thủy sản trong nước. Đây là hệ lụy của sự phát triển quá nóng bởi chỉ trong một thời gian ngắn, hàng trăm nhà máy chế biến thủy sản mọc lên, trong đó có nhiều nhà máy không đủ năng lực tài chính để hoạt động. Ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long năm 2004 chỉ có 96 nhà máy chế biến thủy sản nhưng nay đã có tới 193 nhà máy.

Hiện nay ước tính có tới 80% nhà máy chế biến thủy sản có nguy cơ phá sản. Để từng bước tháo gỡ khó khăn cho ngành thủy sản, nhiều ý kiến cho rằng cần phải tổ chức lại sản xuất, quy hoạch lại vùng nuôi, nâng cao giá trị các mặt hàng thủy sản. Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Nguyễn Như Tiệp nhận định, để hạn chế việc thủy sản bị cảnh báo về mức độ nhiễm chất tồn dư kháng sinh cần phải có chế tài xử phạt đối với DN làm ăn gian lận. Các địa phương cần tuyên truyền cho người nuôi thực hiện mô hình VietGap để quản lý từ khâu sản xuất tới tiêu thụ, tạo uy tín với các nhà nhập khẩu bằng chất lượng sản phẩm.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, cần tổ chức lại hoạt động xuất khẩu; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, hạ giá thành và tăng chất lượng sản phẩm để DN và nông dân có lợi nhuận.

Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ thương mại như trợ giá, trợ vốn cho các DN trong chuyển đổi cơ cấu thương mại, mở rộng quan hệ thị trường đặc biệt với thị trường vùng sâu, vùng xa và thị trường xuất khẩu.

Hỗ trợ vốn, cơ chế cho các nhà xuất khẩu có triển vọng trong việc tìm kiếm và mở rộng thị trường. Đẩy mạnh việc tìm kiếm thị trường và liên doanh với các công ty nước ngoài trong sản xuất và tiêu thụ.

Để tăng lượng hàng bán ra, các DN nên mở rộng thị trường trong nước bằng cách tăng các mặt hàng chế biến sẵn, ăn liền, các sản phẩm bảo quản đơn giản, thời gian sử dụng dài ngày.

Đồng thời tăng cường đưa hàng thủy sản lên các vùng cao, vùng xa thông qua các chính sách hỗ trợ thương mại, các đại lý, mạng lưới cửa hàng.

Hà Nội Mới