Xuất khẩu thủy sản: Sau tăng trưởng là khó khăn
Theo số liệu của Hiệp hội Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, xuất khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm 2022 đạt 4,7 tỷ USD, tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các thị trường đều đạt mức tăng trưởng 10%-90%, giá bán bình quân tăng 10%-15%. Thậm chí, từ tháng 3/2022, xuất khẩu thủy sản liên tục ghi nhận doanh số kỷ lục trên 1 tỷ USD/tháng.
Cả năm có thể chỉ đạt 10 tỷ USD
Theo VASEP, kết quả ấn tượng này có được là nhờ từ đầu năm 2022, gần như cả thế giới đã sẵn sàng mở cửa sau đại dịch Covid-19. Nhu cầu thuỷ sản ở tất cả các phân khúc hồi phục rất mạnh, trong khi nguồn cung của các nước không đáp ứng kịp, dẫn đến lạm phát đạt mức kỷ lục tại nhiều thị trường, nhất là Mỹ, Trung Quốc, EU… Thêm vào đó, xung đột Nga – Ukraine càng làm cho thị trường thiếu hụt nguồn cung thuỷ sản khi hàng loạt các nước ra lệnh cấm nhập khẩu thuỷ sản Nga.
Tại Việt Nam, sau đỉnh dịch vào quý 3/2021, nông dân và các DN đã khôi phục sản xuất và chế biến xuất khẩu rất nhanh, để kịp tận dụng được cơ hội thị trường và đáp ứng lượng đơn hàng dồn dập từ các nước. Khối lượng và giá trị xuất khẩu 5 tháng đầu năm nay tăng mạnh so với cùng kỳ còn do có lượng nguyên liệu tồn kho từ cuối năm 2021 và nhiều DN ký hợp đồng từ cuối năm 2021 với giá cao.
Đáng chú ý, lạm phát cao dẫn đến xu hướng gia tăng nhập khẩu các sản phẩm đông lạnh và các sản phẩm có mức giá phù hợp. Theo đó, tiêu thụ thuỷ sản tươi sống tại các thị trường giảm khi giá quá cao. Điều đó phần nào lý giải vì sao cá tra của Việt Nam có sự bứt phá mạnh mẽ trong 4 tháng đầu năm với mức tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó là xu hướng tăng tỷ trọng xuất khẩu các sản phẩm đông lạnh, chiếm 76% với gần 3,6 tỷ USD, tăng 54% so với năm trước. Trong khi đó tỷ trọng thuỷ sản chế biến xuất khẩu chỉ chiếm 24% với trên 1,1 tỷ USD và tăng khoảng 20%.
Từ những kết quả đạt được như trên, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản trong 6 tháng đầu năm 2022 sẽ đạt khoảng 6 tỷ USD, nhưng cả năm có thể chỉ đạt 10 tỷ USD do những yếu tố không thuận lợi trong nửa cuối năm. Cụ thể, những yếu tố tác động gồm có lạm phát ở mức cao đang lan rộng tại các thị trường khiến người dân thắt chặt chi tiêu, chính sách "Zero Covid" tại Trung Quốc, chi phí vận chuyển quốc tế tiếp tục duy trì ở mức cao… Với hải sản khai thác, do giá xăng dầu tăng, ngư dân các tỉnh không dám ra khơi vì lỗ chi phí dẫn đến nguyên liệu ngày càng khó khăn.
Kỳ vọng vào cá tra và sản phẩm chế biến sâu
Trong bối cảnh 6 tháng cuối năm tiềm ẩn nhiều thách thức, các DN thủy sản vẫn nhận thấy có những cơ hội nhất định. Theo đó, giá xuất khẩu trung bình của các sản phẩm thủy sản tăng theo xu hướng lạm phát giá trên thị trường thế giới. Lạm phát giá cũng có lợi cho phân khúc sản phẩm có giá phải chăng như cá tra, chả cá, surimi và tôm cỡ nhỏ. Bên cạnh đó, xung đột Nga – Ukraine với các lệnh cấm thực phẩm và thuỷ sản Nga tại các nước lớn tạo cơ hội cho thuỷ sản Việt Nam, nhất là cá tra có thể thay thế một phần cho cá thịt minh thái Nga tại các thị trường như EU, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh…
Hiện người châu Âu ngày càng ưa chuộng sản phẩm cá thịt trắng vì yếu tố sức khỏe, trong khi ý thức bảo vệ môi trường và nguồn lợi hải sản ngày càng cao nên cơ hội cho cá nuôi nhập khẩu càng lớn. Bà Trương Thị Tuyết Hoa, Thành viên HĐQT Công ty Vĩnh Hoàn cho biết: “Mới đây, một nhà máy tại châu Âu mà chúng tôi mới đến thăm đã phải đóng cửa do thiếu nguyên liệu cá thịt trắng. Do đó, ngành cá tra cần có chiến dịch truyền thông cùng với chiến lược đảm bảo chất lượng trong toàn ngành để giữ vững niềm tin của khách hàng”.
Tương tự, Vĩnh Hoàn đã nhận được đề nghị của khách hàng tại Mỹ về việc sản xuất một số sản phẩm giá trị gia tăng từ nguyên liệu cá tra, thay cho cá minh thái đang thiếu hụt. Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay là Cơ quan thanh tra và an toàn thực phẩm Mỹ (FSIS) chưa chấp thuận mặt hàng cá tra chế biến. Do đó, bà Hoa kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ để FSIS chấp nhận mặt hàng này, giúp Việt Nam không bị lỡ cơ hội vàng đưa mặt hàng cá tra chế biến vào các siêu thị tại Mỹ.
Với thị trường Trung Quốc, chính sách "Zero Covid" đang tạo ra rào cản khá lớn với những quy định về kiểm tra hàng hóa nhập khẩu. Theo đó, bà Hoa kiến nghị cơ quan chức năng nhanh chóng đàm phán để phía Trung Quốc chấp nhận chứng nhận kiểm soát virus SARS-CoV-2 trên lô hàng từ Việt Nam để giảm bớt thời gian kiểm tra hàng tại cảng và giảm rủi ro cho DN.
Với mặt hàng tôm, trong lúc các quốc gia xuất khẩu tôm ngày càng đẩy mạnh xuất khẩu và tăng sức cạnh tranh thông qua việc giảm giá bán bằng cách chuyển đổi cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, tập trung nhiều hơn cho sản phẩm sơ chế đông lạnh, VASEP cho biết Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển xuất khẩu ở những phân khúc khác có thế mạnh như sản phẩm chế biến sâu, sản phẩm giá trị gia tăng.
Giải pháp cho vấn đề nguyên liệu
Hiện nguồn nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng được 60-70% nhu cầu sản xuất của các DN, phần còn lại là nhập khẩu, chủ yếu đối với các loại hải sản đánh bắt. DN không thể chủ động được vùng nuôi do không được thuê đất, do địa phương không có quỹ đất cho nuôi trồng thủy sản hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng, điều này về lâu dài dẫn đến nhiều nguy cơ cho DN trong việc đảm bảo nguồn nguyên liệu thủy sản cho chế biến, xuất khẩu. Do đó, VASEP đề xuất Chính phủ phê duyệt chiến lược quy hoạch và cơ chế phát triển vùng nuôi dài hạn với sự tham gia của VASEP và DN nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu cho chế biến, đồng thời tránh được rủi ro cho DN xuất khẩu.
Đối với nguyên liệu từ khai thác, do phần lớn tàu thuyền ở Việt Nam có quy mô nhỏ và thô sơ, chưa trang bị đầy đủ trang thiết bị đánh bắt xa bờ dẫn đến năng suất đánh bắt còn thấp. Trong khi đó ngư trường đánh bắt ngày càng thu hẹp, chỉ có khoảng 30% tàu thuyền đánh bắt có hiệu quả, còn lại là đánh bắt cầm chừng hoặc nằm bờ.
Nguồn nguyên liệu từ khai thác của Việt Nam rất phong phú, tuy nhiên ngày càng kiệt quệ do không có chính sách quản lý khai thác và bảo tồn nguồn lợi phù hợp. Vì vậy, VASEP cho rằng, việc Chính phủ sớm ban hành các chính sách quy định cụ thể về đánh bắt hải sản là cần thiết và là hàng rào bảo vệ nhằm bảo tồn nguồn lợi thủy sản và đảm bảo nguồn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu.