Xuất khẩu tôm: Không nên lạc quan sớm
"Năm 2014, xuất khẩu tôm có thể đạt kim ngạch 3,5 tỷ USD. Tuy nhiên, để đạt được kết quả đó, phải kiểm soát được chất lượng tôm và vùng nguyên liệu"- Đó là nhận định của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP).
Ông Trương Đình Hòe- Tổng Thư ký VASEP- cho biết, năm 2013, ngành tôm Việt Nam đã có sự nỗ lực đầy ấn tượng với kim ngạch xuất khẩu 3 tỷ USD, tương đương gạo xuất khẩu (2,9 tỷ USD) và vượt xa kim ngạch xuất khẩu các loại nông sản khác như cà phê, cao su, hồ tiêu… Hiện nay, trong cơ cấu sản phẩm tôm xuất khẩu, tỷ lệ tôm đã qua chế biến chiếm 31%, tôm nguyên liệu chiếm khoảng 69%.
Tuy nhiên, do các thị trường truyền thống như Mỹ, Nhật, EU đòi hỏi rất nghiêm ngặt về chất lượng trong khi các doanh nghiệp (DN) Trung Quốc “ăn” rất mạnh tôm Việt Nam, bất kể kích cỡ, chủng loại, nên các DN Việt Nam đã tăng cường bán hàng sang thị trường Trung Quốc.
Cũng theo ông Hòe, năm 2014, tôm xuất khẩu có thể đạt kim ngạch 3,5 tỷ USD, nhưng vấn đề đặt ra là phải làm sao kiểm soát tốt được chất lượng tôm và giảm xuất khẩu qua Trung Quốc.
Theo ông Lê Văn Quang- Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn thủy hải sản Minh Phú (Minh Phu Seafood Corp)- tình trạng DN bơm tạp chất vào tôm để xuất khẩu khá phổ biến vì đem lại siêu lợi nhuận. Do đó, nhà nước phải kiểm soát chặt chẽ để không còn tình trạng hàng xuất đi bị trả về, ảnh hưởng tới các DN làm ăn chân chính.
Đồng quan điểm, ông Phạm Anh Tuấn- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản- cho rằng, vì lợi nhuận cao nên nhiều DN đã không ngại bơm tạp chất làm giảm chất lượng tôm xuất khẩu. Năm 2014, Bộ NN&PTNT sẽ tăng cường kiểm soát tạp chất trong tôm xuất khẩu, tránh để ảnh hưởng xấu đến mặt hàng xuất khẩu chủ lực này.
Riêng với việc xuất khẩu tôm qua Trung Quốc, VASEP cho rằng, muốn giảm phụ thuộc ở thị trường này, bản thân các DN phải tuân thủ các quy định về chất lượng của những thị trường lớn như EU, Mỹ… và nói không với bán tôm kém chất lượng.