TIN THỦY SẢN

Xung điện đang “giết” dần Tam Giang

Cá tôm trên phá Tam Giang ngày càng cạn dần khiến việc đánh bắt của ngư dân gặp nhiều khó khăn.

Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Thừa Thiên - Huế với diện tích hơn 22.000ha, là hệ đầm phá lớn nhất Đông Nam Á. Nơi đây là nguồn sinh kế của khoảng 300 nghìn cư dân sinh sống trên sông nước và ven bờ. Tuy nhiên, những năm gần đây do sự đánh bắt quá mức của con người, đặc biệt trình trạng khai thác thuỷ sản bằng xung điện… khiến nhiều loài cá tôm bị cạn kiệt và mất dần.

Ông Hà Văn Dân, Trưởng thôn Phước Lập (xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền) cho hay: Thôn Phước Lập có 162 hộ sống dựa vào nuôi trồng thủy sản và đánh bắt bằng chài lưới trên phá Tam Giang. Nhưng hiện nay, lượng cá, tôm đã giảm nhiều do đánh bắt trái phép bằng giả cào, xung điện quá mức. Đêm nào cũng có từ 15- 20 ghe thuyền từ nơi khác đến dùng xung điện công suất lớn ngang nhiên đánh bắt cá, tôm, cua... ở phá Tam Giang qua các xã Quảng Phước, Quảng An, Quảng Thành (huyện Quảng Điền)...    

Nạn đánh bắt bằng xung điện hoành hành trên phá Tam Giang đã khiến người đánh bắt và nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng nặng nề và môi trường sinh thái đầm phá bị hủy hoại nghiêm trọng.  Ông Lê Quang Trung, Trưởng Công an xã Quảng Phước, cho biết: “Do các đối tượng từ các địa phương khác đến khai thác, nên việc truy bắt, xử lý gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, địa phương thiếu cả lực lượng lẫn phương tiện để truy bắt. Đánh bắt bằng xung điện trở thành vấn nạn, nếu muốn triệt phá thì tất cả mọi địa phương cùng làm; chứ chỗ này truy quét mà chỗ khác bỏ ngỏ thì cũng như không”...

Trước sự lộng hành của những đối tượng đánh bắt xung điện đó, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã yêu cầu Sở NN&PTNT phối hợp với các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, xử lý. UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng chỉ đạo Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế  điều tra, truy tố các đối tượng. Ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác & Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho hay, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thành lập 7 khu bảo tồn thuỷ sản trên phá Tam Giang-Cầu Hai với diện tích bảo vệ nghiêm ngặt là 222,7 ha và giao cho 7 Chi hội nghề cá ở các địa phương ven phá quản lý bảo vệ.

Ngoài ra, có 22 Chi hội nghề cá được UBND các huyện cấp các quyền khai thác thuỷ sản thông thường trong vùng đầm phá kết hợp với bảo vệ ngăn chặn nạn đánh bắt trái phép. Khoảng 2 năm nữa, sẽ cấp hết 100% diện tích thuỷ vực ở vùng đầm phá cho các chi hội nghề cá quản lý, bảo vệ. Đến lúc đó sẽ hạn chế được nạn đánh bắt bằng xung điện.

Cũng theo ông Bình, việc nguồn thuỷ sản cạn kiệt dần, nguyên nhân do việc đánh bắt một cách ồ ạt và thiếu hợp lý, mà trong đó thủ phạm chính là nạn đánh bắt huỷ diệt. Theo thống kê, sản lượng khai thác vùng đầm phá Tam Giang trước đây là 4.500 tấn/năm, đến nay đã giảm hơn một nửa, chỉ còn chưa đầy 2 nghìn tấn/năm. Hiện một số loài cá, tôm, cua... đặc thù và cho giá trị kinh tế cao ở vùng Tam Giang-Cầu Hai ngày một ít đi, một số loài hầu như không còn xuất hiện.

CAND