Xung quanh thông tin thủy sản nhiễm kim loại nặng: Sản phẩm nuôi trồng tại Hà Nội vẫn an toàn
Gần đây, trên một số tờ báo điện tử xuất hiện thông tin có tới 98% thủy sản ở Hà Nội nhiễm kim loại nặng, khiến người tiêu dùng hoang mang. Tuy nhiên, theo kiểm tra của Sở NN&PTNT Hà Nội, việc đưa ra những thông tin nêu trên chưa hoàn toàn chính xác, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố.
Thiếu khách quan, chính xác
Như Báo Hànộimới ngày 28-3 đã đưa tin, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa có kết luận về kiểm tra 13 mẫu thủy sản tại 6 chợ trên địa bàn thành phố và phát hiện một số mẫu hến, ốc, trai nhiễm asen vượt giới hạn cho phép. Tuy nhiên, ngay trong ngày 28-3, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Trần Mạnh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Hà Nội cho biết, đây chỉ là kiểm tra một số mẫu ngẫu nhiên ở các chợ không rõ xuất xứ, vì vậy chưa thể khẳng định toàn bộ các vùng nuôi trồng thủy sản của Hà Nội đều bị nhiễm. Đồng quan điểm, ông Lê Đức Thọ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho rằng, một số mẫu trai, ốc, hến nhiễm kim loại chỉ đại diện cho chính mẫu đó, không thể đánh đồng mức độ nhiễm của tất cả các loại thủy sản khác. Thời gian tới, các ngành chức năng tiếp tục phối hợp để lấy mẫu xét nghiệm và đưa ra thông tin chính thức, tránh gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người nuôi trồng thủy sản.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội Hoàng Tiến Minh, các quận nội thành Hà Nội có khoảng 3.526ha ao, hồ sử dụng để thả cá, với tổng sản lượng thu được hơn 5.000 tấn, chỉ chiếm 6,5% tổng sản lượng thủy sản của Hà Nội và đáp ứng 2,4% nhu cầu tiêu thụ thủy sản. Do vậy, việc nghiên cứu của các nhà khoa học Trường Đại học Y Hà Nội chỉ tập trung vào các hồ ở các quận nội thành phục vụ mục đích sinh thái, điều hòa không khí, không có giá trị nhiều trong nuôi trồng thủy sản. Do đó, để đánh giá chung thủy sản Hà Nội nhiễm kim loại nặng là chưa có căn cứ. Sở NN&PTNT Hà Nội đã làm việc với nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Y Hà Nội và nhóm nghiên cứu này cũng khẳng định: Chưa có cơ sở để kết luận "thủy sản Hà Nội bị nhiễm kim loại". Sở đã đề nghị Trường Đại học Y và nhóm nghiên cứu có văn bản gửi các cơ quan báo chí làm rõ một số nội dung thông tin đưa ra để bảo đảm tính khách quan của kết quả nghiên cứu.
Người sản xuất, kinh doanh điêu đứng
Đáng nói là trong khi các cơ quan chức năng đang tiến hành kiểm tra, xác định mức độ nhiễm kim loại của các loại thủy sản nuôi trồng, tiêu thụ trên địa bàn thành phố thì người sản xuất và kinh doanh thủy sản đang đứng ngồi không yên vì giá và sức tiêu thụ các loại thủy sản trên địa bàn Hà Nội giảm mạnh bởi thông tin thất thiệt trên. Theo ông Bùi Văn Tại, một hộ nuôi trồng thủy sản ở Thanh Oai, lợi dụng thông tin một số mẫu thủy sản nhiễm kim loại nặng, các thương lái đã ép giá nông dân, khiến cho giá giảm khoảng 10% so với tháng trước. Ông Tại đề nghị các cơ quan chức năng cần làm rõ và công bố rộng rãi kết quả kiểm tra để người dân biết, tránh gây hoang mang trong dư luận. Bà Phạm Thị Thơm, một hộ nuôi thủy sản lớn của xã Đông Mỹ (Thanh Trì) cho hay: Người sản xuất đang điêu đứng vì giá thủy sản giảm nhiều bởi thông tin thủy sản Hà Nội nhiễm kim loại. Hiện giá cá trắm loại to giảm 3.000-4.000 đồng/kg; cá chép loại to giảm khoảng 4.000-5.000 đồng/kg; cá rô phi giảm khoảng 6.000 đồng/kg so với đầu tháng 3. Không chỉ người sản xuất khốn đốn mà các hộ kinh doanh cũng chung cảnh ngộ. Chủ nhiệm HTX Dịch vụ thủy sản Đông Mỹ Nguyễn Văn Báu cho biết, kể từ khi có thông tin về thủy sản nhiễm kim loại, người tiêu dùng và các nhà hàng đã hạn chế mua, khiến cho việc tiêu thụ càng trở nên khó khăn. Trước đây, trung bình mỗi ngày HTX tiêu thụ khoảng 1 tấn thủy sản các loại, hiện chỉ bán được 5-7 tạ/ngày.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Ngô Đại Ngọc cho biết, hiện Sở đã yêu cầu Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, Chi cục Thủy sản, Chi cục Thú y phối hợp với các cơ quan liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản, lấy mẫu giám sát trên toàn địa bàn thành phố. Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ hợp tác chặt chẽ với các cơ quan nghiên cứu để trao đổi, công bố rộng rãi thông tin nhằm tránh gây hoang mang trong dư luận, người dân; đồng thời kịp thời xử lý những vi phạm phát hiện trong quá trình kiểm tra tránh để tình trạng "con sâu để rầu nồi canh".
Năm 2013, Chi cục Thủy sản Hà Nội đã tiến hành thu 300 mẫu nước tại nguồn nước và ao nuôi các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, thuộc các huyện Mê Linh, Ứng Hòa, Chương Mỹ, Thanh Oai và Mỹ Đức để phân tích các chỉ số chì (Pb), thủy ngân (Hg), nitrit (N)2, COD, amoni. Kết quả cho thấy, hầu hết các nguồn nước cấp cho các vùng nuôi tại thời điểm lấy mẫu xuất hiện chì và thủy ngân, song nằm trong giới hạn cho phép. Hàm lượng chất hữu cơ tại thời điểm thu mẫu cao hơn giới hạn cho phép, hàm lượng khí nitrit cao hơn 4-5 lần, hàm lượng amoni cao hơn 2 lần, nguyên nhân là do người nuôi không quản lý được thức ăn trong quá trình nuôi, dẫn đến dư thừa thức ăn, gây ô nhiễm hữu cơ. Tuy nhiên, các ao nuôi trồng thủy sản đều không bị ô nhiễm bởi kim loại nặng (Pb, Hg) và thuốc trừ sâu.