Kỹ thuật nuôi Cá rô đồng

Kỹ thuật ương cá bột lên cá giống cá rô đồng

Kim Hoa

Điều kiện bể ương

  1. Ao đất

            Cá rô có thể sống và phát triển tốt trong cả điều kiện diện ao nuôi tích lớn hay nhỏ. Nếu sử ao có diện tích quá nhỏ hiệu quả kinh tế kém và khó tạo ổn định môi trường, nhưng ao quá lớn chăm sóc quản lý phức tạp, do đó nên chọn ao ương có diện tích 300 – 1000 m2.

Ao phải có cống chủ động cấp thoát nước khi cần, chiều sâu mực nước 1,2 – 1,5 m. Mặt ao thoáng để không ngăn cản ánh sáng mặt trời chiếu vào nước để tạo điều kiện cho phiêu sinh vật phát triển, đây là loại thức ăn rất tốt cho sự phát triển của cá con. Trên bờ ao không có các bụi rậm để các loài địch hại như rắn, ếch…không nơi ẩn nấp sát hại cá ương nuôi.

Trước khi thả cá ương nuôi tiến hành cải tạo ao bằng các biện pháp giống như ao nuôi vỗ cá bố mẹ, nhưng sau khi lấy nước vào 1/3 ao phải tiến hành bón phân tạo màu nước bằng 3 loại phân:

  • Phân vô cơ: Sau khi lấy nước vào ao đủ yêu cầu tiến hành bón phân đạm urê và super photphate.

                        Tỷ lệ N/P=2/1

                        Liều lượng 200g/100 m3 nước.

                        Cách bón hòa tan phân vào nước và rải đều khắp ao.

  • Phân xanh: Gồm những cây họ đậu hoặc lá cây so đũa.

                        Liều lượng: 10 - 15 kg/100 m2.

                        Cách bón: Sau khi cho nước vào ao đủ yêu cầu, bó lại thành nhiều bó và dùng cây dìm xuống đáy ao không cho nổi lên mặt nước.

  • Phân chuồng: Ủ cho hoai mục.

                        Liều lượng 25 - 30 kg/100 m2.

                        Cách bón: Rải đều ở mặt đáy ao. Bón xong phân chuồng mới lấy nước vào. Sau khi bón phân 3 - 5 ngày nước có màu xanh đọt chuối non, tiến hành thả cá ương nuôi và nâng mực nước lên từ từ, sau 5 - 7 ngày mực nước đạt yêu cầu.

  1. Bể xi măng

Có thể dùng bể xi măng hoặc đào hố trên mặt đất có lót nilon để ương cá, diện tích khoảng vài chục mét vuông, phải giữ được nước, không rò rỉ, chiều sâu mực nước 0,5 - 0,7 m.

            Trước khi ương, bể phải được chà rửa sạch phơi nắng 1 ngày sau đó cho nước sạch vào bể, ngày hôm sau có thể cho cá vào ương. Bể ương không cần bón phân do diện tích nhỏ khi cho ăn thức ăn chế biến trong những ngày đầu cá dễ bắt gặp thức ăn nên không bị đói, sau 3 ngày màu nước xanh do thức ăn dư thừa tạo điều kiện cho tảo phát triển.

Thức ăn

            Thả ương với mật độ 1.500 – 2.000 con/m2 .

Từ ngày thứ 1 đến ngày thứ 7 : cho cá bột ăn lòng đỏ trứng vịt (gà) và sữa bột đậu nành với khẩu phần : 3 lòng đỏ trứng + 100 g sữa bột đậu nành cho 10.000 con cá bột/ngày. Lòng đỏ luộc chín nghiền ra thành bột hòa tan trong nước, đậu nành ngâm trong nước 24 giờ xay nhuyễn thành bột. Khi cho ăn hòa tan thức ăn trong nước và rải đều lên mặt ao. Mỗi ngày cho ăn 3 lần, 7 giờ sáng, 11 giờ trưa và 17 giờ chiều.

Ngày thứ 8 đến ngày thứ 30: Cho ăn cám, tấm + bột cá (hoặc cá tươi) với tỷ lệ 30% cám + 70% bột cá. Khẩu phần ăn 300 - 500 g/10.000 cá/ngày. Thức ăn nấu chín, vò viên và đặt trong sàn ăn. Mỗi ngày cho ăn 2 lần sáng sớm và chiều mát, mỗi lần 1/2 khối lượng.

Ngày thứ 30 đến ngày thứ 60: Cho cá ăn cám + bột cá (hoặc phế phẩm của nhà máy chế biến thủy sản). Tỷ lệ 40% cám + 60% bột cá. Khẩu phần 3 - 5% so với trọng lượng đàn/ngày. Cách cho ăn giống như giai đoạn ngày thứ 8 đến 30.

            Ngoài ra trong ao ương con có thức ăn tự nhiên gồm phiêu sinh động - thực vật phát triển trong ao do dinh dưỡng của phân bón và thức ăn chế biến bị thất thoát trong quá trình cho ăn. Phiêu sinh vật phù du là nguồn thức ăn tươi sống rất tốt cho sự phát triển của cá do đó trong ao ương luôn duy trì màu nước xanh.

Chăm sóc và quản lý

Đảm bảo số lượng và chất lượng thức ăn nhằm đáp ứng nhu cầu của cá, nếu thiếu thức ăn cá sẽ phát triển không đồng đều và cá lớn sẽ ăn cá nhỏ làm giảm tỷ lệ sống.

Trong quá trình ương hạn chế thay nước nếu môi trường không bị ô nhiễm. Tuy nhiên để kích thích sự hoạt động bắt mồi của cá cũng như thay đổi điều kiện sinh thái của môi trường nên định kỳ 10 - 15 ngày thay 1/3 lượng nước trong ao.

Trên mặt ao, bể thả rau muống 1/10 diện tích nhằm hấp thu một phần chất dinh dưỡng tránh ô nhiễm môi trường và hạn chế sự phát triển quá mức của tảo.

Hàng ngày trước khi cho cá ăn, phải vệ sinh sàn ăn và kiểm tra nếu cá ăn hết thức ăn thì hôm sau tăng lượng thức ăn, nếu cá ăn thừa thì giảm lượng thức ăn. Đây cũng là biện pháp tránh gây ô nhiễm cho môi trường do thức ăn thừa tạo nên và tiết kiệm thức ăn.

Thường xuyên theo dõi tình hình hoạt động của cá để có biện pháp phòng ngừa dịch bệnh và địch hại sát hại cá ương. Dọn sạch cây cỏ trên bờ ao, kiểm tra cống để sửa chữa kịp thời tránh cá cũng như nước thất thoát do cống hư.

Sau 60 ngày tuổi cá đạt chiều dài 3 - 5 cm và có trọng lượng 1 - 2 g/con. Với các biện pháp kỹ thuật ương nuôi như trên tỷ lệ sống đạt 15 - 30%.

Tài liệu tham khảo

Kỹ thuật nuôi Cá rô đồng

Đặc điểm sinh học Cá rô đồng - Anabas testudineus
  1. Kỹ thuật sản xuất giống cá rô đồng
  2. Nuôi cá trên ruộng trong mùa lũ – những điểm cần lưu ý
  3. Kỹ thuật ương cá giống
  4. Kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá rô đồng
  5. Kinh nghiệm sản xuất cá rô đồng
  6. Kỹ thuật chọn và nuôi cá rô đồng theo hướng bán thâm canh
  7. Một số bệnh thường gặp ở cá rô đồng
  8. Kỹ thuật sinh sản cá rô đồng
  9. Kỹ thuật nuôi thương phẩm cá rô đồng